(KTSG Online) - Tiếp tục kỳ họp thứ 6 Quốc hội XV, sáng 2-11, các đại biểu đã đề nghị một số giải pháp để có thể hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, cho ý kiến về việc cân đối nguồn thu cho địa phương, tăng quản trị ngân sách tài khóa.
- Để đầu tư công trở thành điểm tựa tăng trưởng năm 2024
- TPHCM có thể hụt thu ngân sách 20.000 tỉ đồng từ xuất nhập khẩu
TTXVN đưa tin, liên quan đến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ý kiến của đại biểu từ TPHCM, địa phương, chủ đầu tư phải rà soát, đánh giá những dự án có khả năng giải ngân để tập trung bố trí vốn, tránh dàn trải và gây lãng phí, đồng thời, cần quan tâm đến việc di dời hạ tầng kỹ thuật. Việc này phải được chuẩn bị, lựa chọn tư vấn từ sớm, song song với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để đảm bảo tiến độ thi công.
Đại biểu tỉnh Cà Mau đề nghị tăng bội chi để thực hiện một số dự án đầu tư công có tác động lớn tới phát triển chung của nền kinh tế như đầu tư hai tuyến đường sắt Lào Cai - cảng Hải Phòng và Đồng Nai - cảng Cái Mép - Thị Vải. Theo đại biểu, nếu hoàn thành sớm công trình này thì chi phí logistic cho doanh nghiệp sẽ giảm xuống.
Theo đại biểu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc đầu tư cho các đường cao tốc như Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội ở các địa phương. Đại biểu kiến nghị Quốc hội cho phép kéo dài nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách khoảng 13.000 tỉ đồng cho các đường cao tốc này để tiếp tục thực hiện dự án. Theo lý giải, nếu thu hồi thì công trình sẽ gặp khó khăn trong nguồn vốn, lại phải làm lại các thủ tục để lấy một nguồn vốn khác phục vụ cho việc đầu tư.
Tại phiên họp, các đại biểu cũng quan tâm đến một số vấn đề như cân đối nguồn thu cho địa phương, quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa, đề xuất giải pháp để phát huy vai trò của kinh tế nhà nước…
Liên quan đến kỷ luật quản lý tài chính ngân sách, đại biểu từ Quảng Ngãi đề nghị chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách khi thật sự cần và có nguồn đảm bảo; hạn chế tối đa ứng trước dự toán ngân sách, hạn chế tối đa việc chuyển nguồn, đảm bảo các quỹ tài chính ngoài ngân sách, đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và đẩy mạnh phân cấp tạo chủ động cho ngân sách địa phương.
Đồng tình với việc tăng dự phòng ngân sách, bố trí đủ vốn thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, một số đại biểu đề nghị quản lý hơn nữa nợ công, ưu tiên bố trí chi trả nợ lãi, gốc đúng hạn.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị tiếp tục tăng cấp vốn tín dụng thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, mở rộng nhóm người cần hỗ trợ, tăng cơ cấu tín dụng; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền quy định về tiêu chí, thẩm quyền, nội dung, phạm vi áp dụng nguyên tắc điều hòa vốn đầu tư công để ưu tiên dự án trọng điểm có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, khả năng hấp thụ vốn cao; tiếp tục đánh giá việc đạt mục tiêu nông thôn mới, tỷ lệ giảm nghèo, giảm thiểu tác động của chính sách…
Tại sao giải ngân đầu tư công, luôn chậm trễ và bế tắc ? Một lý do quan trọng nhất là ta vẫn chưa thoát ra khỏi cơ chế XIN- CHO. Bao nhiêu năm nay vẫn vậy. Mọi người cứ mãi thảo luận và bàn cãi. Quan trọng là ai sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng ?