(KTSG Online) – Ngoài việc thúc đẩy chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội (chương trình của cả nước), Thành phố Hà Nội cũng có kế hoạch đưa ra gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
- Vì sao gói tín dụng 120.000 tỉ đồng cho nhà ở xã hội không giải ngân được?
- Nhà ở xã hội ‘đi hoài chưa tới đích’
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 3711/UBND-KTTH về tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2023, theo TTXVN.
Nội dung chính là Hà Nội giao các đơn vị chức năng thực hiện tốt các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất-kinh doanh góp phần phục hồi kinh tế.
Cụ thể, thành phố giao các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện tốt các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy triển khai chương trình tín dụng 120.000 tỉ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, gói tín dụng 15.000 tỉ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó, Thành phố Hà Nội cũng giao Cục Thuế thành phố, Cục Hải quan thành phố Hà Nội trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh và thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu, xử lý nợ động thuế…
Thật kỳ lạ. Nhà ở xã hội, biết bao nhiêu người và gia đình cần đến. Nhưng tại sao cứ mãi “thúc giục” mà vẫn không nhúc nhích một cách đáng kể ? Một chiến lược tốt, trước hết phải là chiến lược xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, biết nắm bắt được tâm tư và nguyện vọng của người dân/ doanh nghiệp, biết đề ra giải pháp đồng bộ và có hiệu quả. Nếu không, cứ loay hoay tháo và gỡ mãi khó khăn vướng mắc. Trong mọi trường hợp, mọi chiến lược trong vòng 5 năm nếu không có tiến triển nào đáng nói, thì xem như cầm chắc thất bại. Cần phải quy trách nhiệm rõ ràng, không thể nói mãi và nói chung chung được. Biết bao giờ mới thành công ?