Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thủ tướng Chính phủ: Lọc hóa dầu Nghi Sơn cần tái cấu trúc sản xuất – kinh doanh

Chính Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong buổi làm việc với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra 3 nội dung mà dự án này cần tái cấu trúc trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) đề nghị Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục vận hành Nhà máy bảo đảm an ninh, an toàn và bảo vệ môi trường - Ảnh: chinhphu.vn

Ngày 11-11, trong chương trình công tác tại Thanh Hóa, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình thực hiện một số dự án trọng điểm trong Khu kinh tế Nghi Sơn, trong đó có Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, theo Baochinhphu.vn.

Cụ thể, ba nội dung mà Thủ tướng nêu ra là, thứ nhất, Công ty và các bên góp vốn phối hợp chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khẩn trương thực hiện công tác tái cấu trúc công tác quản trị, nhân sự (có thêm người Việt Nam tham gia ban lãnh đạo Công ty, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hoạt động để giải quyết kịp thời các vấn đề đặt ra, xây dựng quy trình vận hành hiệu quả và tăng cường kiểm tra, giám sát).

Tiếp đó, các bên liên quan tiến hành tái cấu trúc về tài chính như giảm lãi suất vốn vay, xóa lãi và sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Vấn đề thứ ba là tái cấu trúc về sản xuất, kinh doanh như sử dụng điện lưới quốc gia với chi phí thấp hơn thay vì phát điện chạy dầu với chi phí cao (theo tính toán sẽ tiết kiệm được khoảng 70 triệu đô la Mỹ); giảm giá nguyên liệu dầu thô và đa dạng hóa các nguồn dầu thô; vận hành tiết kiệm, hiệu quả và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…

Lọc hóa dầu Nghi Sơn là dự án liên doanh do 4 doanh nghiệp góp vốn, gồm Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait KPI (Kuwait), Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Hóa chất Mitsui (Nhật Bản).

Với tổng mức vốn đầu tư khoảng 9 tỉ đô la Mỹ, Lọc hóa dầu Nghi Sơn là một trong những dự án đầu tư vốn nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam; đi vào vận hành thương mại từ cuối năm 2018. Nhà máy có công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm với nguồn dầu thô từ Kuwait, cung ứng khoảng 35% nhu cầu xăng dầu trong nước. Đơn vị được hưởng nhiều ưu đãi về thuế, hạ tầng, bao tiêu sản phẩm nhưng PVN phải bù lỗ khi nhà máy vận hành thương mại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới