(KTSG Online) – Các doanh nghiệp và địa phương miền Trung cần có sự chuẩn bị về nhân sự, cơ sở hạ tầng cũng như chuỗi cung ứng để thu hút dòng vốn từ các nhà đầu tư đến từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, ghi nhận từ diễn đàn “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt” vừa diễn ra Đà Nẵng.
- Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam trong chuyến thăm cấp Nhà nước
- Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: “Chúng tôi đánh giá cao việc APH đầu tư vào Hoa Kỳ và chiến lược phát triển xanh của tập đoàn”
Tại diễn đàn do Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng và Hội Doanh nghiệp Mỹ tại Đà Nẵng tổ chức, những vấn đề về hợp tác, đầu tư trong các lĩnh vực như giáo dục chất lượng cao, cơ sở hạ tầng sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng chuỗi cung ứng được các chuyên gia và đại diện gần 300 doanh nghiệp đưa ra bàn thảo.
Trao đổi về những cơ hội và thách thức với nguồn nhân lực và phương pháp giáo dục bắt kịp xu hướng phát triển, các diễn giả cho rằng cần chú trọng nắm bắt cơ hội, làn sóng doanh nghiệp Mỹ đầu tư tại Việt Nam nói chung và tại Đà Nẵng nói riêng.
Ông Mark Enoch Robertson, đại diện Tập đoàn giáo dục APU Educational Development Group, cho biết, một trong những nội dung hàng đầu mà các doanh nghiệp Mỹ quan tâm đầu tư tại Việt Nam là nâng cao chất lượng giáo dục. Cụ thể, trong thời gian qua, theo ông Robertson, APU đã phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam, xây dựng những phương pháp giáo dục hài hoà giữa 2 nền văn hoá, từ đó giúp học sinh có cách tiếp cận tốt hơn, phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội.
Đại diện Đại học Bách khoa Đà Nẵng cũng khẳng định, trước những cơ hội đầu tư từ Mỹ, đơn vị sẽ tập trung đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, chip bán dẫn. Đặc biệt, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cũng quan tâm hợp tác với các doanh nghiệp Hoa Kỳ và các trường đại học của Hoa Kỳ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Tại diễn đàn, doanh nghiệp Mỹ cũng thể hiện sự quan tâm đến các lĩnh vực năng lượng gió, năng lượng bền vững tại Việt Nam cũng như công nghệ chip bán dẫn.
Đề cập đến chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Luke Treloar từ KPMG cho biết, đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ không ngừng dịch chuyển và đây là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Đà Nẵng. Doanh nghiệp Việt Nam cần học tập, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, trang bị kỹ năng về ngôn ngữ...
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo sự minh bạch, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo vệ môi trường cộng đồng…
Tại diễn đàn, ông Marc E. Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho biết Mỹ muốn đầu tư nhiều hơn vào miền Trung và đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt. Ông cũng bày tỏ niềm vui mừng khi thấy nhà máy sản xuất linh kiện Boeing tại Đà Nẵng. Đồng thời tin tưởng rằng, với nguồn nhân lực sẵn có Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều dự án đầu tư đến từ các đối tác Mỹ.
“Tôi cũng muốn nhấn mạnh đến thỏa thuận giữa hai nước trong việc thúc đẩy phát triển nền công nghiệp bán dẫn, để Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông nói, và chia sẻ thông tin hai nước đã thúc đẩy thành lập nhóm công tác liên quan đến đầu tư về công nghệ bán dẫn, hợp tác về công nghệ bán dẫn trong những năm tiếp theo và nghiên cứu cho việc ra đời những nhà máy linh kiện bán dẫn tại miền Trung Việt Nam nói chung và Đà Nẵng, Quảng Nam nói riêng.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, thành phố cũng chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và xác định Mỹ là thị trường trọng điểm đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới.
Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Mỹ ở Đông Nam Á, trong khi Mỹ là một trong 10 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt 140 tỉ đô la.
Đà Nẵng hiện có 81 dự án đầu tư từ Mỹ, với tổng vốn hơn 487,85 triệu đô la, bao gồm 19 dự án công nghệ thông tin với tổng vốn hơn 63,8 triệu đô la. Trong đó, dự án nhà sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine of Company UAC là một trong những dự án quan trọng tại khu công nghệ cao Đà Nẵng.