(KTSG Online) - Trao đổi với các học giả tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFFR), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị phía Mỹ cần sớm công nhận cơ chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam; tháo gỡ việc xếp hạng Việt Nam trong nhóm nước hạn chế hỗ trợ hợp tác về chip, chất bán dẫn; hỗ trợ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
- Nguy cơ dư thừa nguồn cung chip do đối đầu địa chính trị
- Mảng chip của Samsung nhìn thấy ánh sáng cuối con đường hầm
Thông tin từ TTXVN, trong chuyến công tác tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ diễn ra ngày 15-11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự buổi thảo luận chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR).
Trao đổi với các học giả, ông Võ Văn Thưởng thông tin, Việt Nam tập trung cho phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cứu trợ nhân đạo quốc tế…
Nói về thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam - Mỹ trong phát triển sản xuất chất bán dẫn, ông đề nghị phía Mỹ cần sớm công nhận cơ chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam; tháo gỡ việc xếp hạng Việt Nam trong nhóm nước hạn chế hỗ trợ hợp tác về chip, chất bán dẫn; hỗ trợ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao liên quan đến lĩnh vực này.
Thông tin tại đây, Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà Việt Nam cần có sự ủng hộ, đặc biệt là việc hỗ trợ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực đồng bằng Sông Cửu Long.
Ngoài ra, khẳng định việc luôn chào đón các doanh nghiệp người Mỹ gốc Việt đầu tư tại quê nhà, Chủ tịch nước mong muốn người Việt tại Mỹ thường xuyên về Việt Nam, chia sẻ nhiều hơn về sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Hiện nay, Việt Nam đang là nền kinh tế lớn thứ 11 ở châu Á, một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có thương mại quốc tế lớn, thuộc nhóm 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN trong gần 10 năm qua. Đồng thời, là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã trở thành một phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.