Thứ Sáu, 3/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Nguy cơ dư thừa nguồn cung chip do đối đầu địa chính trị

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – SMIC, nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc, cảnh báo, căng thăng địa chính trị và nỗ lực sắp xếp lại chuỗi cung ứng đang gây rủi ro dư thừa nguồn cung trong ngành chip bán dẫn toàn cầu. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh các cường quốc như Mỹ, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc chạy đua trợ cấp cho các nhà máy sản xuất chip ở trong nước.

Nhân viên làm việc trong nhà máy của hãng chip SMIC ở Thượng Hải. Ảnh: Getty

Trùng lặp chuỗi cung ứng

Hôm 10-11, SMIC cho biết đã tăng ngân sách chi tiêu vốn trong năm 2023 thêm 18%, lên 7,5 tỉ đô la để mở rộng sản xuất và xây dựng các nhà máy chip mới. SMIC tiết lộ công ty đã yêu cầu các nhà cung cấp thiết bị giao hàng trước để đảm bảo nguồn cung cho các nhà máy trước tình hình căng thẳng địa chính trị “ngày càng phức tạp”.

Các công ty trong ngành bán dẫn của Trung Quốc đang gặp khó khăn kể từ khi Mỹ thắt chặt các hạn chế xuất khẩu các sản phẩm chip cao cấp và thiết bị dùng để sản xuất chúng kể từ năm ngoái. Đồng thời, Washington đang hỗ trợ mở rộng năng lưc sản xuất chip ở Mỹ và các đồng minh, cũng như tái sắp xếp chuỗi cung ứng bán dẫn.

Zhao Haijun, đồng CEO của SMIC, cảnh báo, các yếu tố địa chính trị đang gây ra “sự trùng lặp trong chuỗi cung ứng”. Ông nói: “Nhìn từ góc độ toàn cầu, năng lực sản xuất chip sẽ trở nên dư thừa và sẽ mất rất nhiều thời gian để tiêu hóa dần sản lượng đã được xây dựng một cách vội vã trong những năm gần đây”.

Tuy nhiên, ông cho rằng, năng lực sản xuất địa phương ở một số thị trường như Trung Quốc và Mỹ vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

“Nhu cầu bán dẫn của Trung Quốc sẽ đòi hỏi rất nhiều năng lực sản xuất trong nước trong tương lai . Vì vậy, niềm tin của chúng tôi về năng lực sản xuất của SMIC là tương đối cao. Và chúng tôi tin rằng sẽ vẫn có nhu cầu và đơn đặt hàng của khách hàng trong tương lai”, ông nói.

SMIC bị đưa vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ vào năm 2020. Điều đó có nghĩa là các công ty Mỹ cần xin giấy phép đặc biệt  trước khi bán công nghệ của họ cho SMIC.

Xét về trình độ sản xuất chip cao cấp, tức những con chip có kích cỡ nhỏ, SMIC vẫn đứng ở một khoảng cách xa phía sau TSMC (Đài Loan), Samsung (Hàn Quốc) và Intel (Mỹ). Tuy nhiên, công ty thuộc sở hữu nhà nước này vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng chuỗi cung ứng chip tự cung tự cấp.

Zhao Haijun giải thích, căng thẳng chính trị đã làm tăng nhu cầu chip của SMIC từ khách hàng Trung Quốc. Trong quí 3, tỷ lệ doanh số bán hàng của công ty từ thị trường Trung Quốc của đã tăng lên 84% từ mức 75% một năm trước đó.

Dù vậy, cơn suy thoái tiếp tục trong ngành công nghiệp bán dẫn rộng hơn được phản ánh qua số liệu doanh thu quí 3 của SMIC giảm 15%, xuống còn 1,62 tỉ đô la so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập ròng của SMIC trong quí vừa qua cũng giảm mạnh 80% xuống còn 94 triệu đô la..

Doanh thu hàng quí của SMIC đã giảm lần thứ ba liên tiếp, phản ánh mức độ suy thoái nhu cầu cũng như chiến dịch mở rộng của Washington nhằm ngăn chặn tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc. Kết quả đó khiến các nhà đầu tư thất vọng vì trước đó, ho tin rằng các mẫu điện thoại thông minh bán chạy mới nhất của Huawei, sử dụng chip của SMIC, sẽ giúp bù đắp doanh số bị mất mát từ các khách hàng hàng. Chip xử lý kích cỡ 7 nanometer mà SMIC cung cấp cho Huawei được xem là bước tiến đột phá của hai công ty này sau khi bị Mỹ đưa ra danh sách đen cách đây hai năm.

Đua xây dựng nhà máy chip

Cảnh báo của Zhao Haijun về nguy cơ năng lực sản xuất chip dư thừa trên toàn cầu không phải là không có cơ sở. Các cường quốc từ Mỹ cho đến Anh và Nhật Bản, Hàn Quốc đang chạy đua phân bổ những khoản trợ cấp khổng lồ để hỗ trợ xây dựng các nhà máy sản xuất chip, do lo ngại căng thẳng chính trị có thể làm tắc nghẽn nguồn cung chip ở châu Á, đặc biệt là ở Đài Loan, nơi TSMC là nhà sản xuất chip nhất toàn cầu. Từ lâu, Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng thu hồi bằng vũ lực nếu cần thiết.

Tuần qua, chính phủ Nhật Bản cho biết sẽ trợ cấp 13 tỉ đô la để hỗ trợ các công ty bán dẫn bao gồm TSMC xây dựng năng lực sản xuất mới ở nước này.

Các kế hoạch trợ cấp ngành công nghiệp bán dẫn được khởi xướng để ứng phó tình trạng sự gián đoạn chuỗi cung ứng giống như trong thời kỳ đại dịch Covid-19. Nhưng sau đó, chúng đã phát triển thành các chương trình chính sách công nghiệp lớn nhằm khôi phục hoạt động sản xuất chip trong nước hoặc bảo vệ hoặc thiết lập quyền kiểm soát của các khu vực đối với lĩnh vực công nghệ quan trọng này để giảm sự phụ thuộc nguồn cung từ Đài Loan.

Intel dự kiến đầu tư 30 tỉ đô la vào ngành công nghiệp bán dẫn của Đức. Hồi tháng 6, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu thông báo Intel sẽ xây dựng một nhà máy mới có tổng vốn đầu tư 25 tỉ đô la Mỹ ở Israel.

TSMC, Samsung cùng Intel cho đến nay đã cam kết xây dựng các nhà máy chip khổng lồ ở Mỹ với tổng trị giá 52 tỉ đô la để tận dụng các khoản trợ cấp hào phóng từ Đạo luật CHIPS và khoa học của Mỹ. TSMC cam kết đầu tư xây dựng một nhà máy mới ở tổng vốn 8,5 tỉ euro, trong đó, 3,5 tỉ euro là vốn của TSMC và số tiền còn lại sẽ được chính phủ Đức hỗ trợ.

Một số nhà phân tích dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu có thể đạt giá trị 1.000 tỉ đô la vào năm 2020 so với gần 600 tỉ dô la hiện nay.

Ngành công nghiệp chip đã phát triển qua nhiều thập niên thành một chuỗi giá trị toàn cầu, có tính liên kết cao, trong đó, các công ty từ các khu vực khác nhau trên thế giới vượt trội trong các phần khác nhau của quy trình.

Hầu hết hoạt động sản xuất diễn ra ở Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và chủ yếu là ở Đài Loan. Châu Âu có một số viện nghiên cứu bán dẫn hàng đầu, như IMEC của Bỉ, và nhà cung cấp công cụ sản xuất quan trọng hàng đầu thế giới, ASML của Hà Lan. Anh có lợi thế về thiết kế chip, với hãng ARM đang dẫn đầu thế giới. Trong khi đó, Nhật Bản cũng là nhà cung cấp công cụ sản xuất chip hàng đầu

Điều đáng lo ngại đối với ngành là khi các khối khu vực khác nhau sẽ cố gắng tự thực hiện tất cả các phần của quy trình sản xuất chip, điều này có thể dẫn đến sự trùng lặp tốn kém.

“Mỗi khu vực rõ ràng có những thế mạnh riêng”, Luc Van den Hove, CEO của IMEC. nói tại một sự kiện hồi tháng 5.

Ông cảnh báo, nếu mỗi khu vực đều tìm cách thiết kế chương trình trợ cấp giống như Đạo luật CHIPS và khoa học để cố gắng làm tất cả quy trình, cố gắng trở nên tự cung tự cấp hoàn toàn, điều đó sẽ dẫn đến một bước thụt lùi đáng kể.

Christopher Cytera, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Phân tích chính sách Châu Âu (CEPA), cũng cho rằng, các chương trình trợ cấp có thể sẽ tạo ra cho các cơ sở sản xuất chip tốn kém và lãng phí, dẫn đến tình trạng dư thừa năng lực sản xuất toàn cầu.

Theo Financial Times, Politico.eu

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới