Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Việt và hành trình tạo giá trị chung với kinh tế tuần hoàn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bên cạnh mục tiêu mở rộng quy mô tăng trưởng, nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng quan tâm đến chất lượng phát triển, sự thịnh vượng xã hội và bảo tồn môi trường cho tương lai. Tuy nhiên, để hình thành một hệ sinh thái bền vững là hành trình dài hàng thập kỷ hướng đến sự đồng thuận về tư duy của doanh nghiệp và cộng đồng theo xu hướng kinh tế tuần hoàn.

Cùng nhau thấu hiểu và chia sẻ giá trị bền vững

Theo thống kê, hàng năm, Việt Nam đang tạo ra khoảng 3,2 triệu tấn rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa này đang gia tăng chóng mặt, mỗi năm tăng khoảng 10%. Trong đó, 75% số rác thải này chưa được thu gom, tái chế và hiện bị chôn lấp, đốt bỏ hoặc xả thải ra môi trường. Các giải pháp chôn lấp, đốt bỏ rác thải nhựa đều ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ sinh thái và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân.

Phát triển kinh tế tuần hoàn đang là chủ đề nóng được các chuyên gia, quản lý doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Trước những thách thức về cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường, khái niệm về một nền kinh tế mới - nền kinh tế tuần hoàn - đang nhận được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều tổ chức và chính phủ trên toàn thế giới. Mô hình kinh tế này hướng đến tái sử dụng, giảm sử dụng tài nguyên, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu tác động đến môi trường.

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, mô hình kinh tế truyền thống đã và đang gây áp lực về suy giảm tài nguyên. So với 50 năm trước, tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của thế giới đã tăng 190%. Nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên cho hoạt động kinh tế hiện nay ước tính gấp 1,7 lần khả năng đáp ứng của trái đất. Do đó, nếu không thay đổi phương thức sản xuất thì không thể tránh khỏi hậu quả cạn kiệt tài nguyên.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, kinh tế xanh là xu hướng, vì vậy dù muốn hay không các doanh nghiệp cũng phải chuyển đổi. Tầm nhìn trung hạn và dài hạn, chỉ những doanh nghiệp nào thực hiện trách nhiệm xã hội và chuyển đổi xanh mới phát triển bền vững. Ông dẫn từ một báo cáo của VCCI cho thấy những doanh nghiệp có tinh thần chuyển đổi xanh đều có sức chống chịu tốt hơn trong Covid-19.

Bản chất của kinh tế tuần hoàn là tính khôi phục (restorative) và tính tái tạo (regenerative), với 3 nội hàm cơ bản. Đầu tiên là bảo tồn và phát triển vốn tự nhiên thông qua việc kiểm soát hợp lý các tài nguyên không thể phục hồi và cân đối với các tài nguyên có thể phục hồi, các nguồn năng lượng tái tạo. Tiếp đó là tối ưu hóa lợi tức của tài nguyên bằng cách tuần hoàn các sản phẩm và vật liệu nhiều nhất có thể trong các chu trình kỹ thuật và sinh học. Cuối cùng là nâng cao hiệu suất chung của toàn hệ thống bằng cách chỉ rõ và thiết kế các ngoại ứng tiêu cực (thiết kế chất thải, thiết kế ô nhiễm).

Doanh nghiệp luôn là hạt nhân quan trọng trong quá trình vận động và phát triển của nền kinh tế hướng đến những giá trị bền vững. Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến chất lượng phát triển, sự thịnh vượng của cộng đồng và bảo tồn môi trường. Ở đó, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn triển khai sợi dây liên kết, trở thành đối tác và người bạn đồng hành với người tiêu dùng thông qua những dự án bền vững của mình.

Đó cũng là điểm tương đồng với thông điệp của ông David Riddle, Đại diện Tập đoàn Tân Hiệp Phát trong cuốn sách “Kinh tế tuần hoàn & Những mô hình tiên phong” ra mắt mới đây. Thông qua những bài viết chất lượng, CEO của Tân Hiệp Phá đã lý giải sự cần thiết phải tập trung cao độ vào kinh tế tuần hoàn, những bài học từ các nền kinh tế khác cũng như cách ứng dụng tại các công ty đa quốc gia.

Ông David cũng mô tả việc ứng dụng thành công mô hình tái chế 3R mang đặc thù kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tân Hiệp Phát. Mô hình 3R được áp dụng vận hành từ 10 năm trước tập trung vào việc giảm thiểu chất thải (Reducing waste), tái sử dụng (Reusing), tái chế (Recycling) và là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của Công ty.

Hệ thống lại “phúc lợi” quanh sản phẩm  

Việc thực hành sản xuất có trách nhiệm đã thúc đẩy Tân Hiệp Phát “hiện thực hoá” các mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với chiến lược 3R (Reducing waste - Giảm thiểu chất thải, Reusing - Tái sử dụng, Recycling - Tái chế) từ năm 2013 đến nay.

Tân Hiệp Phát nỗ lực áp dụng và phát triển kinh tế tuần hoàn vào kinh doanh từ năm 2013.

Tân Hiệp Phát đã đầu tư vào công nghệ vô trùng Aseptic của Đức nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cao nhất, đảm bảo lợi ích dinh dưỡng và sức khoẻ cho người tiêu dùng trong khi vẫn duy trì các yêu cầu vô trùng nghiêm ngặt. Nó cũng giúp THP giảm thiểu tối đa lượng nhựa được sử dụng trong sản xuất bằng cách giảm trọng lượng của chai nhựa.

Năm 2013, Tân Hiệp Phát đã triển khai dự án làm nhẹ chai trong đó trọng lượng của mỗi chai giảm xuống gần 20%. Đồng thời nhờ đầu tư vào công nghệ Aseptic, Công ty cũng có thể giảm hao hụt trong quá trình sản xuất và giảm cả điện và nước sử dụng. 

Năm năm sau, Tân Hiệp Phát tiếp tục giảm trọng lượng chai hơn nữa, nhờ đó, lượng rác thải nhựa giảm tới 34.000 tấn. Trong 4 năm tiếp theo tính đến năm 2023, mức giảm đã tăng lên 44.000 tấn, nâng tổng số rác thải nhựa được Công ty loại bỏ trong 9 năm qua là 78.000 tấn. 

Chưa dừng lại tại đó, Tân Hiệp Phát tiếp tục triển khai nhiều dự án khác, như tái chế, tái sử dụng màng co, túi nhựa do công ty sản xuất làm túi đa năng để đựng phôi và nắp… Công ty cũng loại bỏ việc sử dụng hộp các tông thay thế chúng bằng màng co làm từ nhựa tái chế.

Tân Hiệp Phát đã đạt được những kết quả nhất định sau 10 năm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Năm 2021, Tân Hiệp Phát đã lắp đặt và vận hành các dây chuyền tái chế nhựa. Trọng tâm của khả năng tái chế này là sản xuất pallet và viên nén từ nhựa thải để sử dụng trong chính các nhà máy của Tân Hiệp Phát và trong tương lai sẽ cung ứng cho những đơn vị muốn thay thế nguyên liệu đầu vào sản xuất của họ bằng nguyên liệu tái chế. Đây là một điển hình của hoạt động “tạo giá trị chung” mà Tân Hiệp Phát cam kết thực hiện, tác động bao trùm lên 2 chủ thể là cộng đồng và hành tinh. Kinh tế tuần hoàn được xem là một phần của quá trình phát triển bền vững dựa vào tầm nhìn, sứ mệnh, chiến lược tăng trưởng của doanh nghiệp và những cam kết đó gắn liền với hoạt động sản xuất kinh doanh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới