(KTSG Online) – Trong nhóm 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) có doanh thu cao tại Việt Nam hiện nay, chỉ có 2 thuộc về các doanh nghiệp trong nước và chiếm thị phần rất nhỏ bé so với 3 sàn dẫn đầu đến từ Singapre và Trung Quốc. Các sàn TMĐT nội địa đang chật vật để sống cạnh các sàn nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và quy mô hoạt động tại nhiều nước trong khu vực.
- TikTok xoay xở cứu vãn mảng thương mại điện tử ở Indonesia
- Các ‘ông lớn’ thương mại điện tử Trung Quốc lao vào cuộc chiến bán hàng giá rẻ
Sàn TMĐT ngoại liên tục mở rộng "lãnh địa"
Linh Nhi, sinh viên Học viện Ngân hàng sinh sống tại Hà Nội là một trong những người nghiện mua sắm trực tuyến, do tính tiện dụng của hình thức mua hàng này mang lại. Sau khi nghiên cứu và trải nghiệm mua hàng trên nhiều sàn TMĐT, cô thường chọn mua hàng trên Shopee (sàn TMĐT đến từ Singapore) do những ưu điểm nổi trội của sàn này so với các sàn khác. Song thời gian gần đây cô hay mua qua TikTok Shop do thương hiệu này mới vào Việt Nam nên đẩy mạnh thu hút khách hàng bằng tặng các mã giảm giá... Nhi cho biết, cô chỉ mua qua sàn Việt Nam là Tiki với sản phẩm là sách - đây là thế mạnh của sàn TMĐT này (vì khởi điểm đây là sàn TMĐT chỉ chuyên bán sách).
Không chỉ Linh Nhi, nhiều sinh viên của các trường đại học đều cung cấp thông tin tương đồng như trên về việc xu hướng mua sắm của họ qua TMĐT.
Thông tin được các bạn trẻ cung cấp trên cũng tương đồng với số liệu được nền tảng TMĐT Metric vừa công bố mới đây. Theo đó, tình hình hoạt động của 5 sàn TMĐT trong 9 tháng đầu năm 2023 được Metric nghiên cứu phân tích gồm Shopee, Lazada (vốn đầu tư của Alibaba - Trung Quốc), Tiki, Sendo, TikTok shop (Trung Quốc).
Số liệu của Metric cho thấy, tổng doanh thu 9 tháng đầu năm nay trên thị trường TMĐT Việt Nam đạt 163.000 tỉ đồng, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ba quí đầu năm, doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam còn cao hơn cả năm ngoái khoảng 7%, tương ứng gần 10.000 tỉ đồng.
Theo Metric, có được điều này là do sự đóng góp đáng kể từ “tân binh” TikTok Shop với 25.000 tỉ đồng doanh thu trong 9 tháng. Riêng trong quí 3, Shopee dẫn đầu doanh thu trên thị trường với con số 43.700 tỉ đồng. TikTok Shop là đơn vị có doanh thu lớn thứ 2 với hơn 10.000 tỉ đồng. TikTok Shop đã vượt qua Lazada để đẩy thương hiệu này xuống xếp thứ 3 với doanh thu 8.700 tỉ đồng. Hai sàn có vốn đầu tư nội địa là Tiki và Sendo lần lượt xếp thứ 4 và thứ 5 với doanh thu 599 tỉ đồng và 29 tỉ đồng.
Dựa theo kết quả doanh thu, Shopee đang nắm 69% thị phần, TikTok Shop nắm 16%, Lazada nắm 11% và 4% còn lại là Tiki và Sendo. Đây là quí thứ hai TikTok Shop vượt qua Lazada về doanh thu để chiếm vị trí thứ 2. Quí 2-2023 cũng là quý đầu tiên TikTok Shop vượt doanh thu Lazada trên thị trường TMĐT Việt Nam.
Chính vì sự “thăng hạng” nhanh này mà TikTok Shop đã được các doanh nghiệp Việt lựa chọn làm kênh bán hàng trong thời gian tới.
Ngày 18-11, CTCP Tập đoàn KIDO đã phối hợp cùng TikTok Việt Nam, chính thức khởi động dự án Entertainment & Ecommerce (E2E), kênh mua sắm xúc tiến thương mại kết hợp giải trí trên nền tảng xã hội. Trong đó, Kido là nhà đầu tư dự án, còn TikTok là đơn vị hỗ trợ tạo lượng truy cập, tìm kiếm các KOL (chuyên gia, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng), KOCs (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng) tư vấn doanh nghiệp cách livestream bán hàng.
Nói về sự kiện trên với báo chí, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc tập đoàn KIDO cho biết kênh giải trí kết hợp TMĐT là xu thế kinh doanh của tương lai. Livestream bán hàng trên các sàn TMĐT đang ngày càng phổ biến, đóng góp vào doanh thu các doanh nghiệp ở đa dạng quy mô và lĩnh vực trên thế giới. Do đó, KIDO chọn cách bắt tay với TikTok tạo ra sàn E2E với mong muốn giúp doanh nghiệp có đầu ra tốt, đồng thời, đưa mạng lưới bán hàng không chỉ ở thị trường nội địa mà vươn ra thế giới.
Theo ông Nguyên, kinh tế khó khăn, doanh thu trên các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) cũng chững lại. Nhưng kênh mua sắm qua TMĐT và livestream vẫn có những tăng trưởng nhất định. Trong đó, Tiktok đang là nền tảng có sự phát triển vượt bậc chỉ sau một năm gia nhập thị trường Việt Nam.
"Trên TikTok, các cửa hàng đang bán doanh số mỗi ngày chỉ được khoảng vài chục hoặc vài trăm triệu. Nhưng với kênh E2E, KIDO hướng tới doanh số bán mỗi ngày tới vài chục hoặc hàng trăm tỉ và đây là các con số mà các doanh nghiệp tại Trung Quốc, các livestream bán hàng và đạt kết quả này", ông Nguyên nói.
Cũng cung cấp thông tin cho báo chí nhân sự kiện này, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam, cho biết đây là lần đầu tiên hãng kết hợp với một doanh nghiệp để khởi tạo kênh E2E. TikTok sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tạo lượng truy cập, thu hút đúng đối tượng người dùng.
Chật vật xoay xở trong đại dương nhiều "cá mập"
Trong nhóm 5 sàn TMĐT dẫn đầu về doanh thu tại Việt Nam thì hiện có tới 3 sàn ngoại, chỉ 2 sàn với khởi điểm là vốn đầu tư nội - chiếm thị phần và doanh thu quá ít so với 3 sàn dẫn đầu.
Trong đó, sàn nội xếp thứ 4 trên thị trường là Tiki. Ra đời vào năm 2010, ban đầu Tiki chỉ bán sách trực tuyến. Nhưng năm 2012, quỹ đầu tư CyberAgent Ventures Inc đã đầu tư vào Tiki. Sau đó, Tiki dần mở rộng thành một sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, Tiki chọn cách thức kinh doanh là vừa nhập hàng, kiểm soát giá, bán hàng và vận chuyển tới tay khách hàng – cách thức này đã gặp phải nhiều khó khăn khi Shopee gia nhập thị trường Việt Nam với mô hình Marketplace (cho các doanh nghiệp thuê “gian hàng” trên sàn để tự bán hàng) vào năm 2016. Sau khi Shopee ra mắt, Tiki buộc phải chuyển đổi sang mô hình Marketplace và thu hút thêm nhà bán hàng gia nhập hệ thống... Tất nhiên Tiki vẫn giữ vững thế mạnh bán sách vốn có từ khi mới thành lập đồng thời cung cấp dịch vụ TikiNow, giao hàng nhanh trong 2 giờ.
Vào tháng 6 năm 2020, Tiki đã huy động được khoảng 130 triệu đô la Mỹ vốn đầu tư do Northstar Group (Singapore) dẫn đầu với sự tham gia của vài đơn vị khác. Tháng 10-2021, Tiki đã huy động được 258 triệu đô la Mỹ từ AIA Group và 5 nhà đầu tư khác. Mặc dù thu hút được vốn đầu tư nước ngoài, song hiệu quả kinh doanh của Tiki không mấy sáng sủa. Theo TechinAsia, năm tài chính 2022, sàn TMĐT này ghi nhận doanh thu dưới mức 200 triệu đô la Mỹ và lỗ 93 triệu đô la Mỹ.
Sàn TMĐT nội xếp thứ 5 trên thị trường Việt là Sendo do tập đoàn FPT đầu tư từ cách đây 11 năm. Để tồn tại trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của các "ông lớn ngoại quốc", đội ngũ Sendo đã không ngừng nghiên cứu tìm hướng đi mới và tạo sự nên khác biệt.
Trong khi các đối thủ chọn thị trường Hà Nội và TPHCM, Sendo chọn thị trường ngách là các tình thành nhỏ. Do đó, Sendo hiểu rằng người tiêu dùng ở các tỉnh thành nhỏ thường mua sắm do nhu cầu thực sự thay vì bị hấp dẫn bởi sản phẩm khuyến mãi. Chính vì vậy, Sendo quyết định đưa những sản phẩm tiêu dùng phổ thông, thuộc phân khúc bình dân nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đến tay khách hàng khu vực nông thôn. Đây cũng là chiến lược lâu dài, là lối đi riêng mà Sendo hướng đến.
Tận dụng thế mạnh về công nghệ và am hiểu nhu cầu mặt hàng của địa phương, Sendo cũng làm việc trực tiếp với các cơ sở sản xuất, cắt giảm các khâu trung gian để đạt được lợi ích cho cả người mua lẫn người bán. Trong đó, Sendo cắt giảm chi phí phân phối cho cơ sở sản xuất từ 20-30% và đưa hàng đến tận tay người mua còn khách hàng có được sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng với mức giá phải chăng. Chiến lược này không chỉ giúp Sendo nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, mà còn có thể cam kết bán hàng đúng chất lượng, đảm bảo 100% nguồn gốc xuất xứ từ doanh nghiệp Việt với khẩu hiệu “Sendo chợ người Việt giá bình dân”. Bên cạnh đó, sàn còn mở rộng thêm lĩnh vực bán nông sản với thương hiệu Sendo Farm.
Cũng tương tự như Tiki, khởi điểm Sendo được thành lập với vốn đầu tư hoàn toàn nội địa. Song trong quá trình hoạt động thì cũng đã có nhiều lần nhận vốn đầu tư nước ngoài. Cuối năm 2014, ba công ty nổi tiếng của Nhật Bản là SBI Holdings, Econtext Asia và BEENOS đã cùng nhau ký kết thỏa thuận mua 33% cổ phần của Sendo với số tiền được cho là 18 triệu đô la Mỹ.
Sau đó, Sendo còn thu hút vốn đầu tư 51 triệu đô la Mỹ của SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures. Một khoản đầu tư nữa mà Sendo gọi được vào cuối năm 2019 là 61 triệu đô la Mỹ từ các nhà đầu tư cũ và mới. Các nhà đầu tư hiện tại của Sendo - bao gồm SBI Group, Beenos, SoftBank Ventures Asia, Daiwa PI Partners và Digital Garage, EV Development từ Indonesia và Kasikornbank từ Thái Lan cũng tham gia.
Trong quá trình hoạt động, năm 2014, Sendo cũng đã mua lại đối thủ của mình là 123 Mua từ tập đoàn VNG Corporation.
Mặc dù mua sắm qua kênh TMĐT của người Việt còn chưa nhiều so với mua sắm truyền thống nên nó được coi là lĩnh vực giàu tiềm năng, đang có tốc độ phát triển tốt bởi thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thị trường lại đang diễn ra cuộc chiến sinh – tử giữa những doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ sàn TMĐT bởi đã có nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư và đã phải khai tử.
Tập đoàn Vingroup đã rút lui, không tiếp tục đầu tư vào website thương mại điện tử Adayroi (Adayroi.com) vào cuối năm 2019 sau 5 năm tham gia thị trường này với đầu tư khá lớn. Công ty Quảng cáo trực tuyến 24h trước đó cũng đã “khai tử” Deca.vn do hoạt động không hiệu quả. Lingo cũng phải đóng cửa sau khi tiêu hết tiền của nhà đầu tư nước ngoài và không còn vốn đầu tư; cuối năm 2018, Thế giới Di động đã đóng cửa website Vuivui.vn. Trước đó, Beyeu.com cũng phải đóng cửa do không thể cạnh tranh được và còn để lại lời nhắn: "Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp sẽ quyết định ngưng đốt tiền. Chúc may mắn cho những ai còn đang cố gắng".
Đã từng tham gia mở sàn TMĐT là chodientu.vn từ năm 2006 (sau đó nhận vốn đầu tư nước ngoài và đưa Ebay của Mỹ vào Việt Nam với tên Ebay.vn) và hiện đã rút lui khỏi cuộc chơi, cung cấp tông tin cho KTSG Online, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch tập đoàn Nextext nói: “TMĐT là cuộc chơi đốt tiền. Chỉ có doanh nghiệp nào có nhiều tiền mới có thể trụ lại trên thị trường.”
Các chuyên gia nhìn nhận, việc Tiki và Sendo còn trụ hạng trong top 5 sàn TMĐT tại Việt Nam bao lâu bên cạnh các nền tảng khu vực như Shopee và Lazada, Tiktok (những đối thủ giữ vị trí số 1 và số 2 tại hầu hết thị trường Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan) tùy thuộc vào khả năng tài chính của các doanh nghiệp này.