Thứ tư, 12/02/2025
27 C
Ho Chi Minh City

‘Đứng hình’ vì vướng công trình điện, sao không đổi cách làm?

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhiều gói thầu thuộc dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông tại các đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi-Vũng Áng, Quảng Ngãi-Quy Nhơn-Chí Thạnh, Vân Phong- Nha Trang … đang phải dậm chân tại chỗ sau gần một năm khởi công vì vướng các công trình điện cao thế. Việc di dời công trình điện để giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của các địa phương, nhưng điều này lại quá sức với họ về nhiều mặt.

Dù chiếm không quá 10% trên tổng diện tích dự án nhưng các công trình điện cao thế lại tạo thành những vệt "da beo" loang lổ khiến mặt bằng không thể xây dựng được. Nhà thầu không thể thi công vòng quanh trong khi chờ di dời công trình điện vì lý do an toàn, bởi vậy khi mặt bằng vướng công trình điện là các gói thầu trong khu vực đó bị "đứng hình".

Dù thủ tục di dời hạ tầng điện tại nhiều dự án cao tốc đã được Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) và các ban quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải thẩm định, chấp thuận phương án di dời từ quí 2-2023 nhưng đến nay vẫn án binh bất động.

Dự án cao tốc đoạn Vân Phong-Nha Trang thuộc địa phận tỉnh Khánh Hòa đã bàn giao hơn 90% mặt bằng, đang vướng vì chưa di dời được hơn 60 trụ điện 110-220 kV.

Cao tốc Quy Nhơn-Chí Thạnh-Vân Phong đoạn qua tỉnh Bình Định có hơn 60 trụ điện cao thế 110-220 kV cần di dời. Bình Định hiện mới lựa chọn nhà thầu triển khai thi công xong móng trụ điện, đang tiến hành dựng trụ và kéo dây.

Tỉnh Phú Yên đã bàn giao 96% mặt bằng cho hai dự án cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh và Chí Thạnh - Vân Phong nhưng nhiều đoạn không thể thi công vì còn khoảng 100 trụ điện cao thế 110-120 kV chưa di dời và vẫn còn trong giai đoạn triển khai lựa chọn nhà thầu.

Các dự án cao tốc Bãi Vọt-Hàm Nghi-Vũng Áng trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn chưa di dời được các công trình liên quan điện cao thế gồm 2 km đường dây 500 kV, gần 2,5 km đường dây 220 kV và 1,6 km đường dây 110 kV.

Vướng mắc chính trong việc di dời các công trình điện cao thể nằm ở chỗ quy trình giải phóng mặt bằng hiện nay đa số được giao cho các cơ quan cấp huyện chịu trách nhiệm. Theo quy trình, các địa phương phải lập hồ sơ thu hồi đất, bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất, bồi thường nên mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, việc chậm trễ kéo dài nhất nằm ở phần chuyên môn vì từ trước đến nay các cơ quan cấp huyện chưa được giao làm chủ đầu tư dự án di dời các công trình điện cao thế.

Các cơ quan chuyên môn cấp huyện chưa có kinh nghiệm trong việc lựa chọn nhà thầu cũng như phê duyệt thiết kế, giá cả nên việc lựa chọn, chỉ định các đơn vị thi công rất chậm.

Chính quyền cấp huyện cũng không thể tự xem xét các bộ hồ sơ đối với các công trình điện lớn 110 kV trở lên, trong khi việc thuê các đơn vị tư vấn đủ năng lực lập hồ sơ cũng rất khó khăn(*).

Việc di dời chậm như vậy gây lãng phí, thiệt hại cho nhà thầu và làm chậm trễ tiến độ dự án trọng điểm quốc gia. Đối với việc di dời công trình điện cao thế, nên chăng cần thay đổi cách làm khác linh hoạt hơn. Có thể tách khối lượng công việc di dời công trình điện cao thế thành những dự án riêng.

Việc thi công di dời nên triển khai sớm sau khi dự án cao tốc được phê duyệt, áp dụng cơ chế đặc thù, cho phép chỉ định thầu vì thực tế chỉ có một số ít đơn vị có đủ năng lực chuyên môn, máy móc và nhân lực để thi công. Để thống nhất về các gói thầu này cần có bộ phận giám sát chung gồm các chuyên viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.

Không nên giao cho các cơ quan cấp huyện lo việc này như quy trình hiện nay vì quá sức của họ về kinh nghiệm lẫn năng lực chuyên môn.

------------------------
(*) https://www.vietnamplus.vn/du-an-cao-toc-van-phong-nha-trang-vuong-di-doi-ha-tang-ky-thuat-post895284.vnp

 

2 BÌNH LUẬN

  1. Đứng hình (Stand-off). Không chỉ ở vài cái trụ, vài công trình điện. Mà đã và đang diễn ra ở mọi nơi, mọi lĩnh vực. Đầu tư công là ví dụ lớn. Mới đây Thủ tướng đã phê bình gay gắt các bộ ngành và địa phương vì câu chuyện giải ngân chậm chạp. Vấn đề rất lạ là mặc dù đã thấy rõ vấn đề, nhưng qua nhiều nhiệm kỳ, hiện tượng stand-off vẫn mãi chưa giải quyết được ? Trong nhiều thứ đột phá để hỗ trợ tiến trình phát triển, trước hết phải ưu tiên “phá băng stand-off”.

  2. Cách thức hiệu quả để xử lý các vụ việc “đứng hình” là công khai thông tin trên dư luận, báo chí. Nhiều sự vụ cho thấy quá trình giải quyết rất nhiêu khê, dân chờ mệt mỏi, tuy nhiên sau khi được đăng công khai trên báo chí, thì cơ quan hữu trách mới tích cực vào việc, nhanh chóng có kết quả, trả lời. Chức trách của công chức phải gắn với uy tín. Uy tín phải được thử thách qua công việc, qua sự thẩm định của dư luận. Công khai minh bạch là một cách làm tốt.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới