(KTSG Online) - Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến thời điểm hiện nay, đã có gần 70 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp với tổng dư nợ khoảng 160 ngàn tỉ đồng.
- Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm gần 78% so với cùng kỳ 2022
- Thêm đơn vị được cấp phép xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp
TTXVN dẫn thông tin theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, quy mô toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính đến nay mới đạt khoảng 1,15 triệu tỉ đồng, chiếm gần 15% GDP cả nước và thấp hơn nhiều so với các quốc gia thuộc nhóm phát triển trong ASEAN như Malaysia là 56% GDP, Singapore là 38% GDP, Thái Lan là 25% GDP.
Việc huy động vốn và phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng cũng gặp nhiều khó khăn với tỷ lệ còn rất nhỏ, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng liên tục sụt giảm qua các năm.
Ngoài những nguyên nhân từ bối cảnh khó khăn chung của thị trường thì thách thức còn xuất phát từ một số rào cản khác. Trong đó, thời gian phê duyệt hồ sơ phát hành thường kéo dài từ 4-6 tháng, nhiều vướng mắc liê quan tới hồ sơ niêm yết trái phiếu phải có Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp trong khi Đại hội đồng cổ đông chỉ tiến hành họp mỗi năm một lần.
Thêm vào đó là áp lực thanh khoản mà các tổ chức phát hành trái phiếu phải đối mặt khi lượng trái phiếu đáo hạn trong tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024 đang còn rất lớn. Đáng ngại nhất là số lượng doanh nghiệp chậm thanh toán gốc lãi trái phiếu và công bố phương án tái cơ cấu nợ đang ngày càng nhiều thêm.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có gần 70 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này hiện xấp xỉ 160 ngàn tỉ đồng, chiếm 14,4% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường.
Theo thống kê, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quí cuối năm nay ước tính trên 104 ngàn tỉ đồng. Trong đó, trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp bất động sản hơn 37 ngàn tỉ đồng, của các tổ chức tín dụng là 24 ngàn tỉ đồng, các doanh nghiệp sản xuất là 1,3 ngàn tỉ đồng và các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ cùng các lĩnh vực khác hơn 42 ngàn tỉ đồng.
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong năm 2024 dự tính hơn 288 ngàn tỉ đồng, năm 2025 là 194,2 ngàn tỉ đồng.
Để giải quyết dòng tiền chi trả cho trái phiếu đáo hạn, ngoài việc kỳ vọng từ dòng tiền tạo ra trong sản xuất kinh doanh thì các doanh nghiệp sẽ cần tìm thêm nguồn vốn mới, đến từ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới hoặc từ nguồn vay ngân hàng, phát hành cổ phiếu. Tuy nhiên, khả năng gọi vốn của các doan nghiệp trong giai đoạn này đang rất khó khăn vì sự suy giảm niềm tin nơi các nhà đầu tư, sự e ngại từ phía các tổ chức, cá nhân góp vốn.
Có những yếu tố cần làm rõ về TPDN chậm thanh toán :
1. Các công ty đã nâng khống vốn điều lệ lên rất cao để từ đó phát hành TPDN huy động tiền của người dân lên hàng trăm lần so với vốn đăng ký việc này có được pháp luật cho phép hay không? Việc huy động số tiền to lớn này nếu không có kế hoạch kinh doanh và sử dụng không đúng mục đích huy động thì rõ ràng là hành vi chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
2. Khi nhà nước cho phép giãn nợ TPDN mà không xét đến yếu tố nêu trên chỉ thiên về quyền lợi bên phát hành TPDN là sự mất công bằng. Lẻ ra nhà nước cần xem xét các yếu tố về nguồn tiền huy động là minh bạch hay là lừa đảo, vì nếu nó minh bạch sẽ thấy rõ lý do bị tắc và từ đó mới có chính sách phù hợp để giải quyết.
3. Đối với các công ty phát hành TPDN không minh bạch nghĩa là huy động nguồn tiền rất nhiều và không có kế hoạch sử dụng nguồn tiền đó đúng mục đích thậm chí chỉ là kế hoạch ma để đối phó thì cần nhanh chóng kê biên tất cả tài sản nguồn tiền hiện có tránh để họ tẩu tán và cần xử lý hình sự để răn đe. Thế thôi !