(KTSG Online) - Chiều 27-11, Quốc hội chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trong đó, dự thảo luật đã có những chỉnh lý theo hướng ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nguồn nước ngầm nhân tạo tại các hải đảo, vùng khan hiếm nước; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất; ưu tiên phục hồi “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước…
- Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần có quy định về đảm bảo an ninh nguồn nước
- FAO: Việt Nam có nhiều giải pháp trong quản lý tài nguyên nước
TTXVN cho biết, với 94,74% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiều 27-11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật gồm 10 chương, 86 điều, tăng 3 điều so với dự thảo luật do Chính phủ trình Quốc hội.
Trước đó, đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã trình bày báo cáo tóm tắt về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Trong đó, liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, dự thảo luật được điều chỉnh theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật.
Luật này cũng đã bổ sung quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước, có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước; ứng dụng và phát triển công nghệ trong tích trữ nước…
Bên cạnh đó, dự thảo có chỉnh lý quy định theo hướng là ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các hải đảo, vùng khan hiếm nước; khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bổ sung nhân tại nước dưới đất.
Tại khoản 1 Điều 34 của dự thảo cũng có bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái. Trước mắt là chương trình, đề án ưu tiên làm sống lại các dòng sông như sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy thông qua xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy.