Thứ sáu, 17/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

OTA nội địa xoay xở tìm cách sống cạnh các ‘ông lớn’

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mặc dù khi mới ra đời, các đại lý du lịch trực tuyến (OTA) trong nước đặt mục tiêu chiếm lĩnh thị trường trước khi ngoại binh như Agoda, Booking, Traveloka... xâm nhập. Song, thực tế thì các OTA nội địa đã không những không thực hiện được kế hoạch này mà còn phải xoay xở tìm cách tồn tại ngay chính tại sân nhà. Thậm chí, một startup đình đám trong ngành là Luxstay đã lặng lẽ rời bỏ thị trường từ năm ngoái.

Du khách ưa thích đặt phòng trực tuyến qua các OTA. Trong ảnh là hướng dẫn viên du lịch đang hướng dẫn khách tham quan tại TPHCM. Ảnh: N.K

OTA ngoại lấn át đối thủ nội địa

Chị Lan Hương, một người thích du lịch sinh sống tại Hà Nội, cho biết vài năm trước, mỗi khi đi du lịch, chị hay đặt phòng khách sạn qua các OTA nội địa là chudu24.com, Ivivu.com... Chị cho biết sở dĩ chị sử dụng OTA nội địa trong khi nhiều bạn bè chị sử dụng OTA ngoại như Agoda, Booking, Traveloka vì lúc đó các OTA nội này lúc đó giao diện website bằng tiếng Việt, có nhân viên tổng đài hỗ trợ là người Việt... thuận tiện cho những người không giỏi tiếng Anh như chị sử dụng.

Tuy nhiên gần đây, chị Lan Hương cho biết chị chuyển sang đặt phòng qua các OTA nước ngoài như Agoda, Booking, Traveloka mỗi khi đi du lịch. Bởi các OTA này đã đẩy mạnh khai thác thị trường Việt Nam nên website đã có tiếng Việt. Thêm nữa, do là OTA toàn cầu nên số khách sạn tham gia bán phòng trên các OTA ngoại nhiều hơn (cả trong và ngoài nước) trên OTA nội địa (chỉ nhiều phòng khách sạn trong nước). Thêm nữa, chị Hương cho hay giá phòng trên các OTA ngoại cũng thường rẻ hơn so với các OTA nội.

Thực tế, hiện có không ít người chọn sử dụng dịch vụ của các OTA ngoại vì mức giá đặt phòng (hoặc đặt vé máy bay) cạnh tranh hơn các OTA nội. Theo phân tích của các chuyên gia, do các OTA ngoại có thương hiệu tốt hơn, có nhiều khách hàng hơn nên họ mua số phòng lớn hơn nên có mức giá tốt hơn so với các OTA nội – họ có cơ sở để bán giá phòng thấp hơn OTA nội. Hoặc họ muốn chiếm lĩnh thị phần tại thị trường Việt Nam nên họ chấp nhận bán giá rẻ -ăn lãi ít hoặc không có lãi. Mà cuộc cạnh tranh về giá thì các OTA nội vốn dĩ chỉ hoạt động tại Việt Nam, sinh sau, chưa có tiềm lực tài chính mạnh... không thể địch lại được.

Cung cấp thông tin tại một sự kiện gần đây, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, cho biết, tại Việt Nam hiện có hàng chục sàn du lịch nội, chiếm khoảng 20% thị phần.

Điều ông Phúc nói cũng trùng hợp với số liệu của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cung cấp. Theo đó, hiện các OTA toàn cầu như Agoda, Booking, Traveloka… chiếm tới 80% thị phần du lịch trực tuyến Việt Nam. Các OTA Việt Nam như Gotadi, VnTrip, Ivivu, Chudu24, Mytour.vn, Vinabooking... chỉ có lượng giao dịch khiêm tốn.

Còn theo công bố bảng xếp hạng về các thương hiệu trong ngành du lịch dựa trên mức độ yêu thích và nhận biết của du khách Việt Nam trong quí 1 năm nsay của The Outbox Company đã cho thấy, bảng xếp hạng về top 5 OTA được yêu thích nhất gồm các thương hiệu sau: Traveloka (Indonesia), Booking.com (Hà Lan), Agoda (Singapore), Expedia (Mỹ) và Trip.com (Trung Quốc).

Thực tế cho thấy, có nhiều du khách sau khi tham khảo giá đặt phòng trên các OTA, họ gọi trực tiếp đến khách sạn định đặt phòng cho kì nghỉ để hỏi và thương lượng giá. Thì có khách sạn bán trực tiếp với mức giá rẻ hơn giá khách tham khảo trên các OTA. Nhưng cũng có khách sạn bán với giá bằng hoặc cao hơn.

Nhiều khách sạn lớn cho biết, tỷ lệ đặt phòng từ kênh OTA chiếm 40 - 60% tổng doanh thu, chủ yếu là OTA nước ngoài. Như tại khách sạn Rex (quận 1, TP.HCM), số liệu từ khách sạn này cung cấp cho báo chí cho thấy có hơn 35% tổng doanh số bán phòng đến từ kinh doanh trực tuyến, trong đó kênh OTA chiếm hơn 40%.

Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Bùi Thanh Hiếu, Giám đốc điều hành Mytour.vn cho biết, để có được mức giá siêu rẻ, ngoài mua buôn lượng phòng lớn, nhiều OTA quốc tế đã bỏ qua trách nhiệm đóng thuế VAT và các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp khác tại Việt Nam. Ví dụ, khi khách hàng trả 100 đô la Mỹ tiền phòng cho các OTA nước ngoài, công ty đó sẽ thu được 20 đô la Mỹ tiền phí, 80 đô la Mỹ trả cho khách sạn tại Việt Nam. Và Việt Nam không thu được đồng thuế nào trong của 20 đô la Mỹ đó.

Thậm chí, ông Ngô Minh Đức, nhà sáng lập OAT nội là Gotadi khi cung cấp thông tin cho báo giới gần đây còn cho rằng các chủ khách sạn Việt Nam đang phải trả phí đặt phòng qua trang OTA nước ngoài 30%, thậm chí tới 35%.

Ông Hiếu thì ước tính Việt Nam có thể thất thoát đến 10.000 tỉ đồng tiền thuế từ các OTA nước ngoài. Nếu tình trạng này tiếp diễn, thị phần của các doanh nghiệp du lịch trong nước sẽ ngày càng bị thu hẹp. Điều này giải thích tại sao khách du lịch đến Việt Nam tăng nhưng hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp du lịch càng ngày càng thấp.

Ngoài không cạnh tranh được về giá, các OTA nội còn yếu hơn đối thủ ngoại về công nghệ nên cung cấp dịch vụ không nhanh chóng được cho người dùng. Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Đặng Thành Trung, đồng sáng lập ezCloud cho rằng, ở Việt Nam chưa có nền tảng OTA chuẩn - đa phần còn nửa vời, vừa kết hợp công nghệ, vừa chạy thủ công. Nếu như đặt qua OTA nước ngoài chỉ mất 3 - 5 phút, thì qua các kênh OTA nội phải mất khoảng một ngày. Không những thế, sản phẩm của các OTA ngoại rất đa dạng, nhiều dịch vụ, nên OTA Việt không có lợi thế này.

Cùng với xu hướng thương mại điện tử ngày càng mạnh mẽ, thị trường du lịch trực tuyến Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và thu hút. Báo cáo của Google và Tập đoàn Temasek Holdings của Singapore dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh từ 21,6 tỉ đô la Mỹ năm 2015 lên 89,6 tỉ đô la Mỹ vào năm 2025. Trong đó, du lịch trực tuyến tại Việt Nam chiếm 10%, tương đương 9 tỉ đô la Mỹ...

Tìm lối đi riêng trong thị trường đầy tính cạnh tranh

Được thành lập từ năm 2012, Mytour là một trong những OTA đầu tiên tại thị trường du lịch Việt Nam. Để tăng có nguồn vốn đầu tư, năm 2015, Mytour đã nhận vốn đầu tư lớn từ tập đoàn Internet Nhật Bản Recruit Holdings.

Để tồn tại bên cạnh các OTA ngoại, ông Hiếu cho biết Mytour.vn đã biến bất lợi thành lợi thế. Bởi các OTA ngoại không thể xuất hóa đơn nên những khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp cần hóa đơn sẽ tìm đến Mytour. Ngoài ra, với đội ngũ chăm sóc khách hàng 24/7 tận tâm và nắm rõ nghiệp vụ, mytour.vn cũng đã tận dụng sự hiểu biết riêng về thị trường nội địa để nâng cao chất lượng, dịch vụ, điều mà các công ty quốc tế không thể có.

Ông Đức cũng cho hay, để cạnh tranh với những OTA nước ngoài, Gotadi chọn mô hình kinh doanh khai thác những thị trường mà họ không thể thực hiện được do liên quan đến thuế. Các OTA nước ngoài nhắm đến bán dịch vụ cho người dùng các nhân thì từ năm 2020, Gotadi tập trung xây dựng hệ thống để khai thác khách hàng doanh nghiệp (khách hàng cần hóa đơn giá trị gia tăng khi sử dụng dịch vụ).

Gotadi đã tung ra bộ giải pháp Gotadi BTM dành cho khách hàng doanh nghiệp. Về cơ bản, đây là nền tảng giúp doanh nghiệp quản trị đi lại, công tác cho nhân viên tự động, trơn tru hơn về thủ tục lẫn tài chính.

Một OTA nội khác là Vntrip năm 2018 đã nhận vốn đầu tư 45 triệu đô la Mỹ từ IHAG Holding (Thụy Sỹ). Vntrip ban đầu được xây dựng bằng việc “bắt tay” với Booking.com. Tiếp theo Vntrip.vn hợp tác với Expedia để gia tăng nguồn phòng của mình. Để chiếm thị phần, Vntrip đã liên tục đổ tiền liên tục cho hoạt động tiếp thị, quảng cáo và chấp nhận thua lỗ kéo dài.

Song Covid-19 ập đến, Vntrip không thể tiếp tục chiến thuật dùng tiền tiếp thị, quảng cáo để chiếm thị phần. Gần đây Vntrip đã phải chuyển hướng từ việc bán hàng cho các khách lẻ sang khách doanh nghiệp.

Cung cấp thông tin cho báo chí, ông Lê Đắc Lâm, Chủ tịch Vntrip, chia sẻ ngành OTA Việt Nam có nhiều thách thức do độ trung thành của khách hàng thấp. Khách hàng rất dễ bỏ dịch vụ của đơn vị này để chạy theo các chương trình khuyến mãi hấp dẫn hơn của các bên khác. Do đó ngày nào còn "đốt tiền" thì còn tăng trưởng, nếu dừng lại thì đi ngang, thậm chí đi xuống. Do đó Vntrip chọn phân khúc khách hàng mà mình có lợi thế cạnh tranh là khách hàng doanh nghiệp. Đặc biệt là những tập đoàn lớn với nhiều nhân viên và ngân sách công tác cao.

Theo phân tích của ông Lâm, các doanh nghiệp hiện tại đa phần dùng các dịch vụ công tác, du lịch qua các đại lý họ quen biết, nhưng thực tế họ không biết khi dùng các đại lý đó lại phát sinh rất nhiều những chi phí ngoài. Ngoài việc thất thoát do nhân viên công ty không trung thực (không ở khách sạn, nhưng vẫn lấy hóa đơn về thanh toán...) thì nhiều đại lý cũng có thủ thuật để bán vé giá cao hơn (họ lấy được vé khuyến mãi, nhưng vẫn bán theo giá vé thường…). Trong khi đó hệ thống của Vntrip là tự động hóa toàn bộ các quá trình quản lý và minh bạch hóa toàn bộ chi phí. Đến cuối tháng hệ thống sẽ thống kê và phân tích các chi phí phát sinh của doanh nghiệp để thống kê việc đã tiết kiệm được bao nhiêu chi phí.

Vntrip còn xây dựng chức năng khuyến khích nhân viên tiết kiệm cho công ty. Ví dụ, với ngân sách phòng 800 ngàn đồng, nếu nhân viên chấp nhận ở phòng giá 500 ngàn đồng thì phần tiết kiệm 300 ngàn đồng sẽ được chia đôi. Công ty tiết kiệm được 150 ngàn đồng và 150 ngàn đồng còn lại sẽ được nạp vào tài khoản du lịch cá nhân cho nhân viên đó sử dụng riêng. Đây là một cách tiết kiệm đôi bên cùng có lợi, khuyến khích nhân viên tiết kiệm cùng công ty.

“OTA ở Việt Nam là thị trường khó. Với các OTA Traveloka, họ rất nhiều tiền để đốt nhưng cuối cùng ai rồi cũng có áp lực phải sinh lợi nhuận. Nếu để có lợi nhuận ngay ở một thị trường như Việt Nam thì rất khó,” ông Lâm nhấn mạnh.

Không phải OTA nào cũng có thể vật lộn để tồn tại như các doanh nghiệp trên. Một OTA Việt có tham vọng trở thành kỳ lân trong ngành du lịch là Luxstay đã phải rời bỏ thị trường trong khi đã từng gọi vốn thành công 6 triệu đô la Mỹ trên chương trình Shark Tank Việt Nam.

Luxstay theo đuổi mô hình cho thuê nhà ngắn hạn, cho thuê homestay, kết nối khách du lịch với các chủ nhà tại Việt Nam.

Tới cuối năm 2019, Luxstay đã xây dựng được mạng lưới với gần 20.000 chỗ ở, phủ sóng trên 48 tỉnh thành khắp cả nước với hơn 1 triệu người dùng, đặt mục tiêu dẫn dắt thị trường khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Covid-19 đã buộc công ty này phải rút khỏi mảng du lịch và được thay thế bằng thương hiệu LuxWorld - nền tảng GameFi ứng dụng công nghệ Web3 và NFT.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới