Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chỉ số sức khỏe của doanh nghiệp đang lao dốc

Bùi Trinh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sách trắng về doanh nghiệp Việt Nam 2022 cho thấy, trong giai đoạn 2017-2021 chỉ có 83-85% số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, trong số đó gần 42% doanh nghiệp lỗ, gần 19% doanh nghiệp hòa vốn và chỉ có 39% doanh nghiệp có lãi.

Doanh nghiệp trong nước luôn luôn khó khăn và doanh nghiệp FDI luôn là điểm sáng, nhưng lợi nhuận của khu vực FDI hầu như được chuyển về nước họ gần hết thông qua chi trả sở hữu. Ảnh: LÊ VŨ

Khu vực dịch vụ có số lượng doanh nghiệp lớn nhất, chiếm 68,2%, nhưng cũng có tỷ lệ doanh nghiệp lỗ cao nhất, chiếm 43,6% trong tổng số doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dịch vụ; khu vực công nghiệp và xây dựng tỷ lệ lỗ 37,1%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tỷ lệ lỗ 32,9%.

Về loại hình doanh nghiệp, đến năm 2020 doanh nghiệp nhà nước chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp; doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 96,5% và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 3,2%.

Đáng chú ý, tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31-12-2020 đạt 48,7 triệu tỉ đồng (doanh nghiệp nhà nước chỉ chiếm 0,3% tổng số doanh nghiệp nhưng chiếm 21,4% tổng nguồn vốn tại thời điểm 31-12-2020). Nếu so với GDP năm 2020 là khoảng 8,04 triệu tỉ đồng thì doanh nghiệp sử dụng 6,01 đồng vốn mới tạo ra 1 đồng GDP; nếu chỉ tính phần giá trị tăng thêm của khu vực doanh nghiệp tạo ra thì tỷ lệ này lên tới khoảng 13 đồng. Tuy nhiên, ở nhóm FDI tỷ lệ này chỉ là 5,5 đồng vốn tạo ra 1 đồng giá trị tăng thêm, còn doanh nghiệp trong nước lên đến 19,6 đồng vốn để có được 1 đồng giá trị tăng thêm. Tỷ lệ này cùng với tỷ lệ lỗ như đã đề cập ở trên cho thấy doanh nghiệp trong nước của Việt Nam hoạt động rất kém hiệu quả; có cảm tưởng rằng có hai nền kinh tế trong một đất nước.

Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi năm 2020 chỉ là 39,7%, giảm so với năm 2019 (43%). Năm 2020, doanh nghiệp FDI tạo ra lợi nhuận cao nhất, đạt 463.100 tỉ đồng, tăng 14,1% so với năm 2019; doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 295.900 tỉ đồng lợi nhuận, tăng 6,6%; doanh nghiệp nhà nước tạo ra 195.000 tỉ đồng lợi nhuận, giảm 5,5% (trong đó doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tạo ra 112.600 tỉ đồng lợi nhuận, giảm 4,5%).

Chỉ số quay vòng vốn năm 2020 của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 0,6 lần, bằng 0,92 lần chỉ số quay vòng vốn năm 2019.

Chỉ số nợ chung của toàn bộ doanh nghiệp năm 2020 là 2 lần, nghĩa là tổng số nợ bình quân gấp 2 lần vốn tự có bình quân của doanh nghiệp. Như vậy, nợ của toàn bộ doanh nghiệp bằng 4,04 lần GDP. Trong đó, khu vực dịch vụ có chỉ số nợ cao nhất với 2,7 lần vốn tự có; khu vực công nghiệp và xây dựng 1,3 lần; thấp nhất là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 0,6 lần. Tính theo loại hình doanh nghiệp, năm 2020 doanh nghiệp nhà nước có chỉ số nợ là 3,5 lần, bằng 1,13 lần GDP; doanh nghiệp ngoài nhà nước có chỉ số nợ là 1,9 lần, bằng 2,3 lần GDP và doanh nghiệp FDI có chỉ số nợ là 1,5 lần, bằng 59% GDP.

Chỉ số quay vòng vốn(1) năm 2020 của toàn bộ doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 0,6 lần, bằng 0,92 lần chỉ số quay vòng vốn năm 2019. Trong đó, doanh nghiệp FDI có chỉ số quay vòng vốn đạt cao nhất với 0,9 lần; doanh nghiệp ngoài nhà nước 0,6 lần; doanh nghiệp nhà nước có chỉ số quay vòng vốn thấp nhất với 0,3 lần. Chỉ số quay vòng vốn các loại hình doanh nghiệp năm 2020 giảm so với năm 2019.

Hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA)(2) của toàn bộ doanh nghiệp năm 2020 đạt 2,1%, bằng 0,95 lần so với năm 2019. Doanh nghiệp nhà nước có ROA đạt 1,9%; doanh nghiệp ngoài nhà nước đạt 1,1% và doanh nghiệp FDI đạt cao nhất với 5,2%.

Như vậy, dù tổng số doanh nghiệp là bao nhiêu, những doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh mới là điểm mấu chốt, những doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh trong cả giai đoạn 2015-2021 chỉ chiếm khoảng 85% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Tỷ lệ giá trị gia tăng theo giá cơ bản so với doanh thu thuần của cả khu vực doanh nghiệp bình quân giai đoạn 2011-2020 khoảng 11%, tức là có 100 đồng doanh thu thuần thì chỉ tạo ra 11 đồng giá trị gia tăng (bao gồm lương công nhân, lợi nhuận và khấu hao).

Có thể thấy doanh nghiệp trong nước luôn luôn khó khăn và doanh nghiệp FDI luôn là điểm sáng, nhưng lợi nhuận của khu vực FDI hầu như được chuyển về nước họ gần hết thông qua chi trả sở hữu.

Với số nợ phải trả gấp 4,04 lần GDP, bao gồm nợ hệ thống ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ thuế..., không có số liệu nào cho biết nợ thế chấp ngân hàng bằng bất động sản là bao nhiêu. Nhưng đây có thể là rủi ro rất lớn với nền kinh tế khi bất động sản đang đóng băng, và có thể việc hạ lãi suất cho vay cũng không thể vực dậy được thị trường bất động sản.

Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước, tốt nhất nên là gói hỗ trợ để giảm thiểu thuế và các loại phí để bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

(1) Phản ánh khả năng sử dụng vốn của doanh nghiệp để tạo ra doanh thu thuần. Chỉ số quay vòng vốn (lần) = Tổng doanh thu thuần/Tổng nguồn vốn bình quân
(2) ROA (%) = Tổng lợi nhuận trước thuế/Tổng tài sản bình quân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới