Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

COP28 nhất trí thành lập quỹ chi trả thiệt hại do biến đổi khí hậu

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong ngày đầu tiên của Hội nghị lần thứ 28 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), các nước nhất trí lập quỹ chi trả cho thiệt hại do thảm họa khí hậu để hỗ trợ các nước nghèo và dễ bị tổn thương.

Thỏa thành lập quỹ chi trả cho thiệt hại và mất mát do thảm họa khí hậu ở các nước nghèo được xem là bước đột phá mang tính lịch sử của hội nghị COP28. Ảnh: CNN - News18

Thỏa thuận trên đạt được trong ngày khai mạc COP28 (diễn ra từ ngày 30-11 đến 12-12) và dựa trên nội dung cơ bản về quỹ chi trả thiệt hại và mất mát mà các nước đã nhất trí tại COP27 ở Ai Cập hồi cuối năm ngoái.

Nhiều điểm quan trọng của quỹ này vẫn chưa được giải quyết tại COP27, chẳng hạn như nước nào sẽ đóng tiền vào quỹ, quy mô quỹ như thế nào và ai sẽ quản lý quỹ. Theo thỏa thuận mới đạt được của các nước tại COP28, Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ đứng đóng vai trò điều hành tạm thời quỹ này trong 4 năm tới, nhưng các nước tài trợ và những nước nhận hỗ trợ sẽ quản lý cách chi tiêu tiền.

Chủ tịch WB Ajay Banga cho biết WB hiện không có kế hoạch đóng vai trò phân bổ tiền từ quỹ này. “Việc đó sẽ được thực hiện bởi một hội đồng với thành phần đại diện từ các nước tài trợ cũng như các nước nhận tài trợ. WB sẽ đóng vai trò hạn chế hơn, chẳng hạn,  quản lý các hoạt động hàng ngày của quỹ”, ông nói.

Cho đến nay, các nước mới chỉ cam kết hơn 400 triệu đô la cho quỹ. UAE, chủ nhà của hội nghị, cam kết 100 triệu đô la và kêu gọi các nước khác cũng làm như vậy. Đức cũng cam kết 100 triệu đô la, trong khi con số này của Anh, Mỹ và Nhật bản lần lượt là 75, 24,5 và 10 triệu đô la. Việc đóng góp cho quỹ sẽ trên cơ sở tự nguyện và tất cả các nước đang phát triển đều đủ điều kiện để tiếp cận trực tiếp nguồn lực của quỹ.

Mohamed Adow, giám đốc của tổ chức tư vấn khí hậu và năng lượng Power Shift Africa, nói rằng những cam kết tài trợ ban đầu rõ ràng còn ít ỏi.  “Đó mới chỉ là một giọt nước trong đại dương so với quy mô nhu cầu. Đặc biệt, số tiền nhỏ mà Mỹ cam kết là điều đáng xấu hỗ cho Tổng thống Joe Biden và John Kerry (đặc phái viên khí hậu của Mỹ)”, Adow bình luận.

Friederike Roder, Phó chủ tịch tổ chức vận động phát triển bền vững Global Citizen, gọi việc thành lập quỹ chi trả thiệt hại và mất mát do biến đổi khí hậu là một “quyết định lịch sử”. Nhưng ông lưu ý, nói sẽ quỹ sẽ không có giá trị “nếu không có đồng đô la nào trong đó” và kêu gọi các nước giàu nhanh chóng đóng góp có ý nghĩa cho quỹ.

“Nhu cầu hỗ trợ cho mất mát, tổn hại cũng như các nguồn tài chính hỗ trợ khí hậu khác sẽ tiếp tục gia tăng. Đây là lý do tại sao chúng ta cũng cần khai thác các nguồn tài chính khác, chẳng hạn như thuế quốc tế”, Roder nói.

Dù nội dung về quỹ chi trả thiệt hại do thảm họa khí hậu đã được thông qua hôm 30-11, nhưng về mặt kỹ thuật, đây chưa phải văn bản cuối cùng cho đến khi hội nghị COP28 bế mạc vào ngày 12-12.

Các nước giàu, vốn chiếm phần lớn lượng phát thải khí nhà kính trong lịch sử, từ lâu phản đối việc thành lập quỹ bồi thường cho thiệt hại và mất mát do thảm họa khí hậu ở các nước có thu nhập thấp.

Những người ủng hộ lập luận rằng quỹ này cần phải tính đến các tác động của biến đổi khí hậu, bao gồm bão, lũ lụt và cháy rừng hoặc các tác động khởi phát chậm như mực nước biển dâng cao, mà các nước nghèo không thể chống lại, vì rủi ro đó là không thể tránh khỏi hoặc vì họ thiếu nguồn tài chính.

Avinash Persaud, đặc phái viên về khí hậu của quốc đảo Barbados, nói rằng, thỏa thuận trên là sự thừa nhận rằng thiệt hại do biến đổi khí hậu không phải là nguy cơ xa vời mà là một phần của thực tế đang diễn ra đối với một nửa dân số thế giới.

“Do vậy, cần có tiền để tái thiết và phục hồi nếu không, cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ đảo ngược hàng thập kỷ phát triển chỉ trong những khoảnh khắc”, Persaud nói.

Alex Scott, nhà phân tích cùa tổ chức nghiên cứu môi trường E3G, mô tả thỏa thuận thành lập quỹ chi trả thiết hại do thảm họa khí hậu  là bước đột phá lớn, phản ánh nỗ lực hợp tác toàn cầu. Scott cho biết, các nhà hoạch định chính sách giờ đây sẽ cần phải suy nghĩ xem họ sẵn sàng đầu tư bao nhiêu vào quỹ.

Các nước có thu nhập thấp đề xuất các nước giàu phải đóng góp  ít nhất 100 tỉ đô la cho quỹ này vào 2030 để bù đắp cho những mất mát và thiệt hại do khủng hoảng khí hậu gây ra.

“Tôi cho rằng, một số nước có thể đợi cho đến phút cuối mới đưa ra cam kết cho quỹ này, như một phần của chiến thuật đàm phán để cùng nhau đưa ra một gói cam kết cuối cùng”, Scott nói.

Một số ước tính cho thấy tổn thất liên quan đến biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển đã lên tới 400 tỉ đô la năm, cao gấp khoảng 1.000 lần so với số tiền cam kết ban đầu cho quỹ nói trên.

Theo CNBC, AFP, Guardian

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới