Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Cần hơn 3,6 tỉ đô la Mỹ để metro số 1 kéo dài đến Đồng Nai, Bình Dương

Minh Anh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tuyến metro số 1 TPHCM (Bến Thành-Suối Tiên) đang được nghiên cứu kéo dài đến các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, với chi phí đầu tư khoảng hơn 86.000 tỉ đồng, tương đương hơn 3,64 tỉ đô la Mỹ.

metro trên đường ray. Ảnh: Minh Hoàng
Chi phí đầu tư tuyến metro kéo dài Đồng Nai, Bình Dương khoảng hơn 86.000 tỉ đồng. Ảnh: Minh Hoàng

TTXVN dẫn báo cáo phương án đầu tư cho biết, việc kéo dài tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên về Bình Dương, Đồng Nai được chia làm 3 đoạn, tổng chiều dài 53,3 km.

Cụ thể, đoạn 1 từ ga bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thắng (S0) dài 1,8 km, tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỉ đồng. Tuyến bắt đầu từ sau ga bến xe Suối Tiên (metro số 1) đi cao dọc bên phải đường Xa lộ Hà Nội vào ga S0 dự kiến đặt trước nút giao Tân Vạn. Ga S0 là ga nối giữa hai hướng tuyến đi Bình Dương và Đồng Nai.

Đoạn 2 từ ga S0 đi Bình Dương dài 31,35 km với 14 ga và 1 depot, tổng vốn gần 51.800 tỉ đồng. Tuyến bắt đầu từ ga S0 đi cao vượt qua đường ĐT 742 và tuyến đường sắt Trảng Bom-Hòa Hưng, sau đó tuyến đi cao bên phải chung hành lang với tuyến đường sắt Trảng Bom-Hòa Hưng, chuyển tiếp đi chung hành lang bên trái với tuyến đường sắt Sài Gòn-Lộc Ninh.

Tuyến tiếp tục chạy qua nút giao Bình Chuẩn và đi bên trái dọc theo đường Mỹ Phước-Tân Vạn, sau đó chuyển hướng vào giữa đường DX01 và đường Hùng Vương vào trung tâm hành chính thành phố Thủ Dầu Một để về depot tại phường Phú Chánh (TP Tân Uyên).

Đoạn 3 từ ga S0 đi lên Đồng Nai dài 20,1 km với 11 ga và 1 depot, tổng vốn đầu tư hơn 31.400 tỉ đồng. Từ ga S0, tuyến đi cao bên dải đất cây xanh dọc theo đường Xa lộ Hà Nội đến trước khu vực nút giao đường Amata thì đi vào giữa đường Quốc lộ 1. Đến khu vực Công viên 30-4, tuyến rẽ phải đi cao dọc theo Quốc lộ 1, đến khu vực giao cắt giữa đường Thái Hòa (nhà thờ Thái Hòa) thì rẽ trái vào khu vực Depot tại xã Hố Nai 3.

Tổng mức đầu tư 3 đoạn trên hơn hơn 86.000 tỉ đồng, dự kiến sử dụng nguồn vốn đầu tư công; trong đó, TPHCM chủ trì thực hiện đoạn 1, tỉnh Bình Dương chủ trì thực hiện đoạn 2 và tỉnh Đồng Nai chủ trì thực hiện đoạn 3.

2 BÌNH LUẬN

  1. Nên dành ngân sách làm metro trong thành phố đông dân để giải quyết ùn tắc giao thông. Khu vực ngoại thành đường sá đất đai rộng thì nên làm xe lửa để tiết kiệm tiền.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới