Thứ ba, 28/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Moody’s cảnh báo triển vọng tiêu cực của ngành ngân hàng toàn cầu trong năm 2024

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody’s cảnh báo các ngân hàng trên toàn cầu đối mặt triển vọng tiêu cực trong năm 2024 do nền kinh tế toàn cầu chậm lại và rủi ro vỡ nợ của khách hàng tăng cao.

Moody’s nhận định cơn suy thoái bất động sản và lãi suất cao trong bối cảnh kinh tế suy yếu sẽ làm gia tăng rủi ro đối với các ngân hàng trên toàn cầu trong năm tới. Ảnh: Business Day

Báo cáo của Moody’s công bố hôm 4-12 cho rằng, bước sang năm 2024, các ngân hàng trên toàn cầu đối diện môi trường hoạt động khó khăn, bao gồm nợ xấu tăng, cuộc xung đột Israel-Hamas, cũng như các thách thức lớn liên quan đến các sản phẩm tín dụng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng chịu áp lực khi biên lợi nhuận suy yếu và đà tăng trưởng dự kiến chậm lại của nền kinh tế toàn cầu trong năm tới làm tăng các rủi ro vỡ nợ của khách vay tiền.

Ở các nước phát triển, lãi suất đã tăng lên cao nhất trong nhiều thập niên, trong khi tỷ lệ thất nghiệp cũng đang nhích lên. Điều này dự kiến làm suy yếu chất lượng tài sản mà các ngân hàng đang nắm giữ, đặc biệt là bất động sản ở châu Âu và Mỹ.

“Thanh khoản giảm và khả năng trả nợ căng thẳng sẽ hạn chế chất lượng khoản vay, dẫn đến rủi ro tài sản lớn hơn. Tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ giảm đi do chi phí vốn cao hơn, tăng trưởng cho vay thấp hơn và mức trích lập dự phòng tăng lên”, báo cáo của Mood’s nhận định.

Căng thẳng trên thị trường bất động sản toàn cầu đã trở nên nghiêm trọng hơn trong năm nay, đặc biệt là Trung Quốc, Thụy Điển và Đức. Tập đoàn bán lẻ và bất động sản khổng lồ Signa của Áo đã tuyên bố vỡ nợ vào tuần trước, trở thành nạn nhân lớn nhất cho đến nay trong cơn suy thoái bất động sản ở châu Âu.

Báo cáo của Moody’s lưu ý, một số thị trường bất động sản của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Úc và Hàn Quốc đang căng thẳng do nợ hộ gia đình và lãi suất đều ở mức cao. Điều đó sẽ làm gia tăng rủi ro cho ngành ngân hàng ở hai nước.

Moody’s cảnh báo, tỷ lệ thất nghiệp cao và niềm tin của người tiêu dùng suy yếu có thể dẫn đến nợ xấu của ngành ngân hàng tăng nhanh ở Anh và Canada. Tổ chức này dự đoán trong năm 2024, nợ xấu của ngành ngân hàng sẽ tăng mạnh nhất ở châu Phi, tiếp đó là Trung Đông.

Moody’s cho rằng, rủi ro sẽ tăng cao đối với các ngân hàng Trung Quốc do nền kinh tế tăng trưởng chậm và tác động lan tỏa từ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn. Cơn bùng nổ bất động sản trong những năm trước đây đã đẩy nợ hộ gia đình của Trung Quốc tăng lên mức cao tương đương với các nền kinh tế phát triển. Điều này gây áp lực lên những người vay thế chấp mua nhà ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi thu nhập của họ suy giảm. Tuy nhiên, Moody’s khen ngợi Bắc Kinh đã tích cực quản lý các vấn đề tín dụng.

Đối với Mỹ, Moody’s cho rằng dù đà tăng trưởng cho vay của các ngân hàng dự kiến chậm lại, các khoản thua lỗ tín dụng lớn sẽ không xảy ra, nhưng cơ quan này nhấn mạnh, bất động sản thương mại và sự tăng trưởng của các quỹ tín dụng tư nhân ở Mỹ là những khu vực cần giám sát rủi ro.

Trong năm 2024, Moody's dự đoán các điều kiện tài chính thắt chặt có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, ngay cả khi các ngân hàng trung ương dự kiến xem xét cắt giảm lãi suất. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo chậm lại về mức 4% trong năm 2024 so với mức 5% dự kiến trong năm 2023 do chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp suy giảm, xuất khẩu yếu và thách thức kéo dai của thị trường bất động sản.

Moody’s cũng cảnh báo xung đột quân sự giữa Israel và Hamas vẫn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các điều kiện tín dụng thông qua tác động lên giá dầu và tâm lý thị trường.

Theo Moody's, tỷ suất lợi nhuận của các ngân hàng trong năm tới có thể đối mặt với áp lực từ chi phí vốn cao, tốc độ tăng trưởng cho vay giảm và nhu cầu trích lập dự phòng để trang trải các khoản thua lỗ tín dụng tiềm ẩn.

Moody's nhận định, lợi nhuận của các ngân hàng dự kiến suy giảm nhưng sẽ vẫn ổn định. Báo cáo của Moody’s giải thích, khi các ngân hàng trung ương tạm dừng tăng lãi suất và chi phí vốn tăng lên, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng có thể sẽ duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ. Báo cáo cho rằng mức vốn, đóng vai trò quan trọng cho sự ổn định tài chính của các ngân hàng, dự kiến được duy trì tốt.

Theo Reuters, Financial Review

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới