(KTSG) - Có một điều khá lạ: hàng Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài, hàng nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam có thể dễ dàng xác định xuất xứ hàng hóa nhờ đã có những quy định cụ thể tại Nghị định 31/2018. Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do với nhiều nước hay khu vực; các hiệp định này quy định rất cụ thể các chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan dựa vào xuất xứ hàng hóa xuất khẩu hay nhập khẩu. Vì thế để hàng Việt Nam xuất đi các nước đối tác được hưởng mức thuế ưu đãi, chúng ta sẽ dựa vào các điều ước quốc tế để xác nhận một loại hàng hóa nào đó là được ghi Made in Vietnam.
- Khi nhà bán lẻ toàn cầu tìm mua hàng Việt Nam nhiều hơn nhưng cũng yêu cầu phải xanh hơn
- Một số phân tích ban đầu về charter value của các ngân hàng Việt Nam
Ngược lại, cho đến bây giờ hàng hóa lưu thông trong nước chưa thể dựa vào một quy định chính thức được luật hóa để dán nhãn Made in Vietnam. Nghị định 111/2021 chỉ nói doanh nghiệp sản xuất hàng hóa “tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình”. Bộ Công Thương cũng khẳng định cho đến nay vẫn chưa có tiêu chí, điều kiện xác định hàng hóa là “sản xuất tại Việt Nam” dù đã có những nỗ lực xây dựng quy định từ năm 2018. Một trong những lý do giải thích sự chậm trễ này là do một khi đã ban hành bộ tiêu chí Made in Vietnam thì mọi hàng hóa lưu hành trong nước phải ghi nhãn này, bởi theo Nghị định 111, quy định “xuất xứ hàng hóa” là một trong những nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa. Yêu cầu tất cả hàng hóa phải tuân thủ sẽ phát sinh chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện đã nảy sinh nhu cầu xác định hàng hóa nào tại Việt Nam có thể ghi Made in Vietnam. Trước đây do nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước của WTO nên nhu cầu này không cao. Nay nhiều nước quay về chủ trương bảo hộ sản xuất trong nước, tổ chức lại các chuỗi cung ứng, nhất là với danh nghĩa các chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều nước nhấn mạnh đến yếu tố “Made in...” nhằm hỗ trợ đúng địa chỉ. Lấy ví dụ, nếu chúng ta muốn khuyến khích sản xuất xe điện, hỗ trợ người mua xe điện bằng tín dụng thuế, rất cần thiết xác định xe nào thật sự sản xuất tại Việt Nam, xe nào nhập hầu như toàn bộ linh kiện từ nước ngoài về lắp ráp để từ đó có chính sách phù hợp.
Trong bối cảnh đó, thiết nghĩ Bộ Công Thương nên tiếp tục xây dựng và nhanh chóng ban hành bộ tiêu chí xác định xuất xứ hàng hóa để từ đó có thể giúp doanh nghiệp cơ sở ghi nhãn Made in Vietnam; bộ tiêu chí này có thể là một phụ lục của một nghị định về nhãn hàng hóa. Song song đó, cần sửa đổi Nghị định 111/2021 để việc ghi xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa có thể trở thành một chọn lựa cho doanh nghiệp chứ chưa phải là nội dung bắt buộc. Tuy nhiên cũng cần có lộ trình để việc ghi như thế là nội dung bắt buộc sau một thời gian chuẩn bị vì đây là thông lệ nhiều nước đã thực hiện.
Hiện nay có những hàng hóa được doanh nghiệp thuê sản xuất ở nước khác nhưng nhập về Việt Nam ghi nhãn mập mờ để cố tình gây hiểu nhầm là hàng sản xuất tại Việt Nam. Điều này gây thiệt hại cho người tiêu dùng, tạo ra sức ép cạnh tranh bất lợi cho hàng sản xuất trong nước nên cần phải chấn chỉnh. Việc xác định thế nào là hàng hóa Made in Vietnam đi kèm lộ trình bắt buộc ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sẽ góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm mà vẫn hoàn toàn tuân thủ các quy định của WTO.
Cả nghĩ quá, nên việc gì cũng vướng. Câu chuyện này các nhà quản lý bàn cãi mãi, lâu lắc, vẫn chưa thấy ra vấn đề. Đơn giản hóa, luôn là giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề, cứ tưởng là rắc rối, phức tạp. Trước hết, là sự tự tin. Cái mác “Made in VN”, chính là sự định vị, tự chủ và tự tôn về những hàng hóa dịch vụ hoàn chỉnh, cuối cùng, do chính ta làm ra, giới thiệu đến bàn dân thiên hạ toàn cầu. Thứ hai, sự tự trọng. Ta phải chịu trách nhiệm chính về những gì đã sản xuất, quảng bá, giới thiệu, cả về lượng và chất hàng hóa dịch vụ cuối cùng, đưa đến tay người tiêu dùng. Thứ ba, sự tự hào. Sản phẩm dịch vụ hàng hóa của ta càng đi xa, đi khắp nơi, đất nước và con người VN càng được biết đến, được ngưỡng mộ, đó là sự quảng cáo vô hình, nhưng đầy mạnh mẽ và có sức thuyết phục hơn mọi lời nói, mọi lời ca tụng, đôi khi sáo rỗng, thái quá.
Tôi thường mua hàng điện, điện tử của Trung Quốc vì giá rẻ. Nhận thấy có hai loại hàng TQ, một loại trên bao bì có in chữ Made in China và một loại không hề có chữ này. Loại có in chữ Made in China xài tốt, bền còn loại không có in chữ này xài rất tệ, dễ hư. Chắc chắn bên Trung Quốc cũng có qui định về chất lượng hàng hóa có in chữ Make in China. Cần kiểm tra chất lượng sản phẩm và qui định sản phẩm nào được quyền in chữ Make in Vietnam lên bao bì, nếu sản phẩm nào không được phép mà in chữ này sẽ bị phạt nặng để bảo đảm uy tín cho dòng chữ Make in Vietnam.
Không có Make in. Chỉ có Made in, thôi. Nội hàm câu chữ này đã thành thông lệ quốc tế từ lâu rồi. Ta không nên “vẽ” thêm nữa.