Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Đừng để bảo hộ trở thành rào cản…

ThS. Nguyễn Hoàng Nam (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường là một loại tài sản trí tuệ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế quốc gia và định hướng xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Chính vì vậy, bảo hộ quyền tác giả đối với dữ liệu tài nguyên và môi trường là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu, khuyến khích sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Để ngăn ngừa các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 về thu thập, quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường.

Theo đó, thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường là các thông tin, dữ liệu được thu nhận, xử lý, lưu trữ theo quy định, bao gồm: thông tin, dữ liệu về đất đai; thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước; thông tin, dữ liệu về địa chất và khoáng sản; thông tin, dữ liệu về khí tượng thủy văn; thông tin, dữ liệu về môi trường; thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ; thông tin, dữ liệu tài nguyên môi trường biển và hải đảo; thông tin, dữ liệu về biến đổi khí hậu; thông tin, dữ liệu về viễn thám.

Nghị định này phù hợp với nội dung của Luật Sở hữu trí tuệ trong việc bảo hộ quyền tác giả đối với sưu tập dữ liệu. Trong đó, nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả, quyền tài sản đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường được thu thập, tạo lập bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Tổ chức, cá nhân sẽ được bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường được thu thập, tạo lập từ nguồn kinh phí của tổ chức, cá nhân.

Bảo hộ quyền tác giả đối với thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu, khuyến khích sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, quy định hiện hành về bảo hộ quyền tác giả đối với dữ liệu tài nguyên và môi trường còn tồn tại một số hạn chế, có thể gây cản trở cho việc tiếp cận và khai thác thông tin, dữ liệu của các cá nhân và tổ chức có nhu cầu.

Trong bối cảnh chuyển đổi số, hợp đồng điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến. Đơn cử như nhằm thúc đẩy thương mại điện tử nói chung và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch trực tuyến nói riêng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) gần đây đã phát triển cổng thanh toán giao dịch đảm bảo ESCROW, đặt mục tiêu mỗi giao dịch đều phải được xác nhận bằng hợp đồng điện tử có tích xanh của Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam.

Hợp đồng điện tử có tích xanh là một loại hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý như hợp đồng giấy, được xác thực bởi Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam, giúp ràng buộc vai trò, trách nhiệm của các bên khi thực hiện hoàn tất giao dịch/đơn hàng trên môi trường trực tuyến, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.

Tổ chức, cá nhân khi khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu qua trang thông tin hoặc cổng thông tin điện tử phải đăng ký và được cấp quyền truy cập, khai thác từ cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu. Tuy nhiên, quy định này là quá cứng nhắc, không phù hợp với thực tiễn khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu trong bối cảnh chuyển đổi số. Mặt khác, quy định còn gây khó khăn, tốn thời gian và chi phí cho tổ chức, cá nhân trong việc khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu.

Vì vậy, Chính phủ nên chăng xem xét bỏ yêu cầu đăng ký và cấp quyền truy cập, khai thác thông tin, dữ liệu qua trang thông tin hoặc cổng thông tin điện tử, hay nói cách khác là cho phép tổ chức, cá nhân được khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu mà không cần đăng ký trước, nhưng phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng thông tin, dữ liệu đó. Về phía cơ quan nhà nước, các cơ quan cung cấp thông tin, dữ liệu phải có trách nhiệm công khai thông tin, dữ liệu một cách minh bạch, dễ tiếp cận, đồng thời có giải pháp để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu thông tin, dữ liệu.

Tuy sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nhận được sự khuyến khích từ cơ quan nhà nước nhưng chung quy, chưa có sự ghi nhận hay khen thưởng tương thích, làm các tổ chức, cá nhân thiếu động lực để tham gia xây dựng, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Về hoạt động đầu tư nghiên cứu, nhà nước khuyến khích sự chủ động của các tổ chức, cá nhân đầu tư cho việc thu nhận, tạo lập và cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường. Về hoạt động chia sẻ, nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp, hiến tặng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường cho cơ quan nhà nước góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, phục vụ lợi ích chung của xã hội.

----------

(*) Đại học Kinh tế TPHCM (UEH)

2 BÌNH LUẬN

  1. Bài học lịch sử rất rõ. Bảo hộ, nuôi dưỡng động lực sáng tạo và phát triển. Bảo thủ, triệt tiêu tiềm năng và tiềm lực. Bảo vệ, kiến tạo hành lang pháp lý ổn định, ưu việt. Bảo kê, dung túng thế lực ngấm ngầm và tác nhân phá hoại. Vấn đề quyết định còn lại nằm ở năng lực lựa chọn của nhà quản lý. Bảo hộ/ bảo vệ, ở mức độ nào là hợp lý, hợp pháp, văn minh.

  2. Hai lực lượng bảo hộ chính trong xã hôi : Nhà nước và Nhân dân. Nhà nước Việt, người tiêu dùng Việt, ưu tiên dùng hàng Việt, nhất là hàng chất lượng cao. Đó là hình thức bảo hộ tích cực, văn minh, không gì phải lăn tăn cả. Sự bảo hộ phải đến từ cả tinh thần lẫn vật chất, từ hành vi nhỏ cho đến những chủ trương lớn, khả thi và bền vững. Từ bỏ sớm kiểu làm lối mòn, hô hào, khẩu hiệu, sáo rỗng, nói một đằng làm một nẻo.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới