Thứ tư, 25/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp Việt Nam – Campuchia hợp tác về ngân hàng, hàng không, xuất nhập khẩu

Trúc Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Trong khuôn khổ chuyến thăm chính chức Việt Nam của Thủ tướng Campuchia Hun Manet, ngày 12-12, doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia đã ký kết nhiều biên bản thỏa thuận hợp tác, bản ghi nhớ trong lĩnh vực hàng không, ngân hàng, xuất nhập khẩu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước. Ảnh: TTXVN

TTXVN cho biết, sáng 12-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã chứng kiến lễ trao giấy chứng nhận đầu tư, các biên bản thỏa thuận hợp tác, bản ghi nhớ gồm chứng nhận mở đường bay thẳng Hà Nội - Siem Reap cho Hãng hàng không Vietjet; biên bản ghi nhớ cung cấp tín dụng giữa Ngân hàng Quân đội tại Campuchia và Công ty KNN, Công ty Mekong Land Development; biên bản ghi nhớ về xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Tập đoàn CT Group và Công ty Angkor Sok Sen Chey.

Trước đó, hai Thủ tướng cùng dự Diễn đàn xúc tiến đầu tư và thương mại Việt Nam - Campuchia. Thủ tướng Campuchia cho biết đang tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đến với Campuchia, đặc biệt là những lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghệ số, tài chính, sản xuất xe hơi…

Về phía Việt Nam, người đứng đầu Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp cùng với Chính phủ hai nước kết nối, bổ trợ giữa hai nền kinh tế, trọng tâm là về tài chính, hạ tầng giao thông vận tải, năng lượng điện, viễn thông, du lịch; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau về xây dựng chính sách giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức cạnh tranh trong khu vực để cùng nhau xúc tiến, thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do với trên 60 nước, vùng lãnh thổ. Việt Nam hướng đến thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự kết nối lan tỏa giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới