(KTSG) - Cuốn sách “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh” dày 422 trang là tập hợp những kết quả nghiên cứu, nhận định, phân tích, kiến giải của 25 chuyên gia hàng đầu về phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam về một tương lai phát triển bền vững, hùng cường của đất nước vào năm 2045. Sách do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành vào tháng 11-2023, nhằm góp sức kiến tạo con đường dân giàu nước mạnh của Việt Nam.
Bằng cách kết hợp kinh nghiệm thực tiễn, góc nhìn sâu sắc cùng sự nhạy bén của nhiều chuyên gia, cuốn Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh mang đến cho người đọc một cái nhìn tổng quan về kinh tế - xã hội, những vấn đề đặt ra cũng như giải pháp cần thiết vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh. Hai đồng chủ biên sách là GS. Trần Văn Thọ, giáo sư danh dự Đại học Waseda (Nhật Bản), hiện là thành viên Hội đồng cố vấn dự án Việt Nam 2045 của Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Việt Nam và nhà báo Trần Hữu Phúc Tiến, chuyên gia tư vấn giáo dục và nghiên cứu lịch sử.
Theo GS. Trần Văn Thọ, chỉ còn hai năm nữa Việt Nam tròn 50 năm hòa bình thống nhất và Đại hội 13 của Đảng đã đặt mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập cao. Cuốn sách ra đời để góp tiếng nói vào cuộc thảo luận của toàn xã hội về mục tiêu phát triển dài hạn này của Việt Nam. Cuốn sách sẽ trả lời câu hỏi: Để đạt mục tiêu dân giàu nước mạnh trong khoảng hai thập niên tới, Việt Nam cần chuẩn bị những tiền đề gì? Về các tiền đề này, cuốn sách sẽ bàn vấn đề cần đổi mới thể chế ở những lĩnh vực nào? Cần chiến lược, chính sách cụ thể gì để kinh tế phát triển nhanh, bền vững?
Trong sách, GS. Trần Văn Thọ đã đóng góp bài “Điều kiện để tham gia sâu và cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu”. Bài viết nhấn mạnh, để làm được điều này, Việt Nam cần khẩn trương thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao từ các công ty đa quốc gia (MNCs), đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và cải thiện thể chất của doanh nghiệp trong nước nhằm giúp họ tham gia sâu và cao hơn vào mạng lưới cung ứng, kể cả việc liên doanh với các MNCs.
Theo ông Trần Hữu Phúc Tiến, những nội dung đề cập trong sách cũng là đề tài để các bạn sinh viên tranh luận, đồng thời mong muốn nhiều trí thức trẻ hôm nay sẽ trở thành tác giả của các công trình nghiên cứu, các tác phẩm phản biện tương tự trong tương lai.
TS. Huỳnh Thế Du, tác giả bài “Tài chính và bất động sản: Để tránh những chu kỳ khủng hoảng” đưa ra đề nghị Nhà nước cần quy định chặt chẽ các yêu cầu đảm bảo an toàn trong hoạt động của các tổ chức tài chính; các doanh nghiệp cần nâng cao khả năng quản lý rủi ro; và người dân cần trang bị kiến thức cần thiết về tài chính và đầu tư.
TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong bài “Vài suy nghĩ về vấn đề hoàn thiện nhà nước pháp quyền”, đã nhấn mạnh, nhà nước pháp quyền không phải là nhà nước ban hành thật nhiều luật. Sự chồng chéo của các văn bản luật sẽ gây ra khó khăn trong quá trình vận hành và ứng dụng trong thực tiễn. Do đó, các vấn đề này cần được sớm khắc phục và cải thiện. Trong bài “Trách nhiệm giải trình của Nhà nước trong thời kỳ mới”, TS Nguyễn Khắc Giang (Đại học Victoria, New Zealand) đã phân tích trách nhiệm giải trình từ ba thể chế chính (tổ chức quần chúng công, truyền thông và tổ chức xã hội dân sự). Ông cho rằng để thực hiện giải trình, cần xây dựng hành lang pháp lý, bao gồm việc kiện toàn khuôn khổ hoạt động của các tổ chức trung gian (như luật về hội) và tạo ra cơ chế để người dân được thể hiện quan điểm, thực hiện được giải trình theo quy định của Hiến pháp.
Theo kỹ sư Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, trong bài “Giáo dục nghề nghiệp trước sức ép của nền kinh tế mới”, để đạt được những mục tiêu về xây dựng nguồn nhân lực ở bậc trung (huấn luyện nghề nghiệp), cần đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp với Nhà nước và thay đổi nhận thức xã hội về nghề để con đường “nhất nghệ tinh” thu hút được giới trẻ. Ông cho rằng giáo dục nghề nghiệp cần đổi mới phương thức đào tạo theo cách tiếp cận hiện đại và rèn luyện học viên mạnh mẽ về tác phong lao động, tính kỷ luật và tinh thần trách nhiệm.
Riêng về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), PGS.TS. Lê Anh Tuấn ở trường Đại học Cần Thơ qua bài “Phát triển ĐBSCL: nơi thể hiện sâu sắc nhất vấn đề tam nông” cho rằng, liên kết tam nông (nông dân, nông nghiệp, nông thôn) là quan trọng nhưng hiện vẫn còn nhiều rào cản. Theo ông, Việt Nam cần nhắm đến một nền nông nghiệp thông minh, áp dụng cho một nông thôn mở theo hướng kinh tế thị trường và người dân sẽ là những nông doanh gia (aro-bussinessmen) quyết định và thụ hưởng các giá trị gia tăng từ nông sản của mình.
Thú vị là ở đầu sách, nhóm tác giả đã đề tặng: “Cuốn sách này dành tặng hai nữ lưu Phạm Chi Lan và Vũ Kim Hạnh”. Kế đó là dòng “cảm tưởng” của ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Tôi vô cùng trân quý chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và nhà báo Vũ Kim Hạnh, hai nhà trí thức, hai người phụ nữ mà cuộc đời của họ là tấm gương suốt đời trăn trở, suốt đời hoạt động không mệt mỏi để cống hiến cho dân tộc, cho đất nước. Việc phát hành cuốn sách “Vì một Việt Nam dân giàu nước mạnh” không chỉ nhằm đóng góp các giải pháp phát triển đất nước mà còn là món quà nhằm vinh danh hai người phụ nữ này thật không gì trân trọng và phù hợp hơn”.
Tuần rồi, cuốn sách này đã được giới thiệu tại trường Đại học Cần Thơ. Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cao cấp, để tiến tới một Việt Nam có nền kinh tế phát triển vào năm 2045 là một hành trình dài, nhiều gian nan, thử thách. “Kinh tế thế giới lẫn Việt Nam luôn có sự chuyển biến nhanh chóng, vì vậy, thế hệ trẻ khi đọc cuốn sách này cần hiểu những giá trị mà thời đại mới đặt ra nhằm nắm bắt thời cơ đưa đất nước phát triển thịnh vượng”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.