Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Sắp trình đề xuất cơ chế gỡ khó cho điện khí, điện gió ngoài khơi

Nguyên Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Theo Bộ Công Thương, các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi cần có Nghị quyết đặc thù của Quốc hội để triển khai đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII, đồng thời giúp Việt Nam thực hiện được cam kết phát thải carbon bằng 0 đến năm 2050.

Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn (tỉnh Bình Thuận) do các nhà đầu tư Đan Mạch phát triển. Ảnh: DNCC

TTXVN đưa tin, Bộ Công Thương giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì, phối hợp với các đơn vị gồm Cục Điều tiết điện lực, Vụ Dầu khí và Than, Vụ Pháp chế, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, tổng hợp báo cáo Chính phủ để kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết tháo gỡ những vướng mắc đối với quy định của pháp luật hiện hành trong triển khai các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII trước ngày 30-12-2023.

Đây là nội dung kết luận cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án điện khí, bao gồm khí khai thác trong nước và thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII đã được tổ chức trước đó.

Theo đó, Quốc hội cần có Nghị quyết đặc thù với các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi để triển khai đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII. Theo Quy hoạch điện VIII, từ nay đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện bổ sung từ các dự án điện khí (30.424 MW) và điện gió ngoài khơi (6.000 MW) chiếm khoảng 50% tổng công suất điện cần bổ sung.

Việc phát triển nguồn điện khí và điện gió ngoài khơi sẽ giúp Việt Nam thực hiện được cam kết trung hoà carbon đến năm 2050. Các dự án điện khí là những nguồn điện chạy nền, linh hoạt, ổn định sẽ hỗ trợ cho các dự án điện gió và điện mặt trời để đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Theo Bộ Công Thương, qua rà soát có một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ đối với việc phát triển dự án điện khí và điện gió ngoài khơi mà chưa được pháp luật hiện hành quy định rõ ràng.

Đối với các dự án điện LNG có các vướng mắc chính là bao tiêu sản lượng khí tối thiểu; cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện và cơ chế mua khí phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Trong khi đó, các dự án điện gió ngoài khơi đang gặp các vướng mắc gồm cấp có thẩm quyền giao khu vực biển; cho phép hay chấp thuận cho các tổ chức sử dụng khu vực biển để thực hiện các hoạt động đo đạc, quan trắc, điều tra, thăm dò, khảo sát nhằm phục vụ lập dự án điện gió ngoài khơi.

Đến nay, do Quy hoạch không gian biển quốc gia chưa được phê duyệt nên chưa có cơ sở triển khai thực hiện Quy hoạch điện lực; Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; Điều kiện tiếp cận thị trưởng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi.

Theo kết luận của Bộ Công Thương, các dự án điện khí và điện gió ngoài khơi cần kiến nghị Quốc hội có Nghị quyết đặc thù để triển khai đáp ứng tiến độ theo Quy hoạch điện VIII. Riêng dự án điện gió ngoài khơi cần đưa vào danh mục dự án quan trọng quốc gia cần phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù.

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới