(KTSG Online) - Nạn đào vỉa hè để tân trang vào dịp cuối năm cứ lặp đi lặp lại hàng chục năm qua, dù ai cũng thấy rõ sự bất hợp lý, gây phiền toái và làm người dân thiệt hại nhưng cách làm vẫn như cũ. Chẳng lẽ quy trình đào đường như vậy là không thể thay đổi, không thể bố trí thời gian nào khác hơn?
Ngán ngẩm trước cảnh cứ vào mùa Tết là đường sá bị đào tung ngổn ngang, người dân Hà Nội đã nhại bài thơ Ông Đồ nổi tiếng của nhà thơ Vũ Đình Liên thành “Mỗi năm hoa đào nở/ lại thấy ông đào đường”.
Đến hẹn lại lên... báo, cứ vào tháng 12 hàng năm là hình ảnh đường phố, vỉa hè ở các quận trung tâm thành phố Hà Nội bị đào xới ngổn ngang để sửa chữa, chỉnh trang đô thị xuất hiện nhiều trên báo chí.
Từ đầu tháng 11 đến nay, nhiều con đường thuộc các quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng … ở Hà Nội trở thành công trường lát đá mới tân trang vỉa hè, ngổn ngang thiết bị máy móc, vật liệu xây dựng. Việc thi công kéo dài gây cản trở giao thông, kẹt xe, người đi bộ phải xuống lòng đường không an toàn. Việc đào bới vỉa hè còn gây tiếng ồn từ máy khoan bê tông, bụi bặm, bùn đất dơ bẩn lan ra cả vào nhà dân trong khu vực chung quanh.
Thiệt hại lớn nhất là các tuyến được bị đào xới vào ngay “mùa làm ăn” của đa số là các khu thương mại, tập trung cửa hàng buôn bán của người dân. Một số tiểu thương Hà Nội cho báo chí biết, họ bị mất nhiều khách vì vỉa hè bị đào xới ngổn ngang, dơ bẩn nên khách hàng không có đường vào cửa hàng. Có hộ kinh doanh quần áo ở quận Cầu Giấy cho biết, doanh thu sụt gần 80% so với ngày thường trong hai tuần gần đây(1).
Thiệt hại chung cho cả nền kinh tế còn lớn hơn. Doanh thu các cửa hàng sụt giảm sẽ kéo theo tiền nộp thuế cũng giảm gây thiệt hại cho Nhà nước. Nạn kẹt xe khiến người dân, doanh nghiệp tốn kém vì công việc chậm trễ, thời gian quay vòng xe ít đi. Thêm vào đó là thiệt hại kép vì lượng nhiên liệu tiêu hao do kẹt xe cao hơn 30-40% so với khi đường thông thoáng.
Người dân còn bức xúc hơn khi nhà thầu thi công đào xới cả một đoạn vỉa hè của con đường rồi làm dần dần khiến tình trạng ngổn ngang kéo dài. Lẽ ra, với đặc thù thi công trong đô thị, họ phải làm cuốn chiếu từng đoạn ngắn, đào đến đâu làm cho xong đến đó.
Lý giải về việc tập trung đào đường cuối năm, các cơ quan chức năng cho biết, theo quy trình thực hiện dự án, đến tháng 9 bản vẽ thi công mới được phê duyệt xong và việc tái thẩm định khiến họ khởi công chậm thêm một tháng nữa(2).
Việc chính quyền một đô thị lớn như Hà Nội để quy trình quản lý đào đường vừa lạc hậu vừa phiền toái cho người dân lặp đi lặp lại trong hàng chục năm qua thật khó giải thích ổn thỏa với người dân.
Tất cả những vướng mắc về quy trình đều có thể tháo gỡ, chẳng hạn như đưa ra quy định thời gian cấm đào đường dài hơn, có thể từ giữa tháng 12 đến giữa tháng 3. Quy định này sẽ kéo theo mọi kế hoạch phải thực hiện sớm từ quí 2 và triển khai trong quí 3 thay vì khởi động trong quí 4 như hiện tại.
Ngoài ra, cần đưa thêm tiêu chí công khai danh sách nhà thầu để người dân giám sát trong quá trình thi công và sau khi hoàn thành dự án. Nếu nhà thầu nào bị người dân phàn nàn về chất lượng thi công thì sau khi kiểm tra nếu chính xác cơ quan quản lý cần loại khỏi việc tham gia thầu trong các năm kế tiếp.
Cơ quan chức năng cũng phải chọn lọc các nhà thầu có năng lực thi công tốt, đầy đủ máy móc thiết bị, có khả năng làm cuốn chiếu từng đoạn dự án, phải chấm dứt tình trạng đào xới ngổn ngang rồi thi công như "rùa bò".
Việc thi công dứt điểm từng đoạn không khó với trình độ thi công và máy móc thiết bị của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Có thể thấy rõ điều này qua các dự án sửa chữa, nâng cấp đường ở TPHCM. Một số đường chính như Võ Văn Kiệt, Điện Biên Phủ trong nhiều năm qua việc tráng nhựa hoàn chỉnh chỉ làm trong một đêm, sau đó việc sơn lại vạch kẻ đường, gia công các nắp cống, hố kỹ thuật chỉ mất thêm một ngày nữa là hoàn chỉnh.
-------------------
(2) https://tienphong.vn/van-nan-dao-duong-tai-ha-noi-ranh-ca-nam-voi-vang-thang-cuoi-post1596163.tpo
Rất thú vị. Rõ ràng vấn đề này chính người Hà Nội nhìn ra, nhưng lại lên báo Sài Gòn.
Làm thế nào các bạn ở thesaigontimes chuyển ngay tin này cho mấy anh/chị đại biểu quốc hội để nói lên tiếng nói của dân.
Triết gia vĩ đại Hegel từng nói: Cái gì tồn tại là hợp lý/ Cái gì hợp lý sẽ tồn tại. Bởi vậy, có những việc tưởng như vô lý, nhưng vẫn cứ diễn ra thường xuyên, đến hẹn lại lên, tựa như là hợp lý. Vì 2 lý do: Không có chuẩn mực để phân biệt vô lý và hợp lý ? Hoặc, mặc nhiên chấp nhận sự vô lý, đánh đồng với sự hợp lý, tuy hai mà một. Cả hai đều sai hoặc cực đoan. Trách nhiệm của một con người thực sự có trách nhiệm là phải biết biến cái hợp lý phổ biến trở thành cái xứng đáng tồn tại, chứ không phải là ngược lại.
Khi làm bất cứ việc gì, người ta cũng xuất phát từ ba động lực: đam mê/ nghĩa vụ/ quyền lợi. Đào đường, lát vỉa hè, liên tục năm này qua năm khác, chắc chắn không phải vì đam mê và nghĩa vụ rồi ?
…đâu chỉ mỗi dân là biết làm ăn !