Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thước đo lạm phát yêu thích của Fed lần đầu tiên giảm kể từ năm 2020

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Xu hướng lạm phát hạ nhiệt ở nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng rõ ràng hơn, với chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 11 giảm so với tháng trước đó. Đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm trên cơ sở hàng tháng kể từ 2020.

Người tiêu dùng Mỹ bắt đầu tin rằng lạm phát có thể giảm một cách bền vững. Ảnh: Eatthis.com

Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 22-12 cho thấy, trong tháng 11, chỉ số PCE, thước đo lạm phát yêu thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), giảm 0,1% so với tháng 10, lần giảm đầu tiên kể từ tháng 4-2020. Nếu tính trên cơ sở hàng năm, chỉ số này tăng 2,6%, không quá xa so với mục tiêu 2% của Fed. Dữ liệu này báo hiệu Fed đang tiến gần hơn tới chiến thắng trong cuộc chiến lạm phát và càng làm tăng thêm triển vọng nền kinh tế có thể tránh được suy thoái mà giá cả vẫn được kiểm soát.

Chỉ số PCE xem xét các khoản chi tiêu của người tiêu dùng ở thành thị và nông thôn cũng như các khoản chi tiêu do bên thứ ba thay mặt họ thực hiện. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sử dụng định nghĩa hẹp hơn về chi tiêu tiêu dùng, chỉ xem xét chi tiêu ở các khu vực đô thị do người tiêu dùng trực tiếp thực hiện. Chỉ số CPI của Mỹ tăng 0,2% trong tháng 11, cao hơn mức tăng 0,1% trong tháng 10. Đây là dấu hiệu về niềm tin vào nền kinh tế của các hộ gia đình Mỹ.

Theo CME Group, các nhà đầu tư trên trường lãi suất tương lai đang đặt cược rằng có 90% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp chính sách vào tháng 3-2024.

Sau khi chịu áp lực vì tình trạng giá cả tăng cao và lo ngại suy thoái kinh tế trong hai năm qua, người tiêu dùng Mỹ đang trở nên lạc quan hơn. Một thước đo về tâm lý người tiêu dùng, do Đại học Michigan công bố hôm 22-12, tăng 14% trong tháng 12 so với tháng 11, lên mức cao nhất trong 5 tháng khi các hộ gia đình hạ thấp kỳ vọng về lạm phát vào năm tới. Joanne Hsu, giám đốc cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan, cho biết dữ liệu mới nhất cho thấy người tiêu dùng Mỹ bắt đầu tin rằng lạm phát có thể giảm xuống một cách bền vững.

“Điều ngạc nhiên là chỉ số PCE lại xuống thấp như thế”, Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng Mỹ của BMO Capital Markets, nói và dự báo Fed sẽ giảm lãi suất bốn đợt vào năm 2024, với lần cắt giảm đầu tiên sẽ được thực hiện vào tháng 7.

Nền kinh tế Mỹ đã thách thức các dự đoán suy thoái vào năm 2023, phần lớn nhờ lạm phát hạ nhiệt nhanh, trong khi người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu bất chấp chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của Fed, đẩy lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm.

Dữ liệu lạm phát mới nhất, đã được cung cấp trước cho các quan chức Fed khi họ họp tuần trước, nhấn mạnh lý do tại sao Chủ tịch Fed, Jerome Powell tỏ ra thoải mái hơn với triển vọng chuyển từ tăng lãi suất sang cắt giảm lãi suất. Các quan chức Fed đưa ra kế hoạch cắt giảm lãi suất 75 điểm cơ bản, chia thành 3 đợt trong năm tới nhưng chưa đặt ra mốc thời gian. “Lạm phát tiếp tục giảm tốc, thị trường lao động tiếp tục cân bằng và cho đến nay mọi việc vẫn rất tốt”, ông Powell nói trong cuộc họp báo tuần trước của Fed.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng nền kinh tế Mỹ có thể tiến tới ‘hạ cánh mềm’, với lạm phát quay trở lại mục tiêu của Fed mà không xảy ra suy thoái. Một thước đo riêng biệt từ tổ chức tư vấn Conference Board trong tuần này cho thấy niềm tin của người tiêu dùng Mỹ đang tăng lên và kỳ vọng của họ về cơn suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới đã giảm xuống mức thấp nhất trong năm nay. Dana Peterson, nhà kinh tế trưởng của Conference Board, ghi nhận cuộc khảo sát tháng 12 cho thấy người Mỹ nhìn chung vẫn chưa hài lòng về lạm phát, nhưng họ lại tăng kế hoạch mua những mặt hàng có giá trị lớn như ô tô và các thiết bị tiêu dùng lớn.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết trong một báo cáo riêng hôm 22-12 rằng lượng đơn đặt hàng lâu bền tăng 5,4% trong tháng 11 so với tháng trước, đảo ngược mức giảm 5,1% trong tháng 10.

Sự thay đổi quan điểm của công chúng về nền kinh tế có thể tác động đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Những lo ngại của người Mỹ về nền kinh tế khiến tỷ lệ cử tri hài lòng với công việc của Tổng thống Joe Biden giảm xuống các mức thấp. Hỗ trợ cho sức mạnh của nền kinh tế Mỹ là thị trường lao động, tiếp tục tạo thêm việc làm trong năm nay, dù với tốc độ chậm hơn so với năm 2022. Mức tăng lương của người lao động Mỹ giảm bớt, nhưng lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn, giúp nhiều người lao động có cuộc sống tốt hơn.

Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thu nhập cá nhân sau thuế của người Mỹ tăng 0,4% trong tháng 11 so với tháng trước, tốt hơn từ mức 0,3% trong tháng 10. Mức lương cao hơn và hoạt động tuyển dụng mạnh mẽ đã khuyến khích nhiều người Mỹ trở lại làm việc. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nhóm người trong độ tuổi từ 25-54, đạt 83,3% trong tháng 11, gần tỷ lệ cao nhất trong hơn hai thập niên. Điều đó giúp người sử dụng lao động dễ dàng tìm được nhân sự hơn, ngăn chặn nguy cơ tiền lương tăng quá nhanh đến mức gây áp lực lên lạm phát.

“Điều ngạc nhiên lớn nằm ở thị trường lao động trong nước. Nếu bạn thêm nhiều người hơn bước vào đội ngũ những người có việc làm, tổng thu nhập trong nền kinh tế sẽ tăng lên và tổng chi tiêu cũng tăng lên”, Michael Gapen, người đứng đầu bộ phận kinh tế Mỹ của ngân hàng tại Bank of America, bình luận.

Sau mức tăng trưởng vững chắc trong năm nay, các nhà kinh tế nhận định nền kinh tế Mỹ sẽ chậm lại vào năm 2024, giúp lạm phát giảm tốc hơn nữa. Các nhà kinh tế của BMO Capital Markets dự báo mức tăng trưởng của Mỹ sẽ xuống còn 1% trong quí 4- 2024 so với cùng kỳ năm 2023, chậm hơn mức tăng dự kiến 2,6% trong quí 4-2023 so với cùng kỳ năm 2022.

Anderson của BMO cho rằng tốc độ tăng trưởng của Mỹ chậm lại một chút trong nửa đầu năm 2024 và cải thiện nhẹ trong nửa cuối năm. “Đó là một chiến thắng cho Fed nếu họ có thể đạt được điều này”, ông nói.

Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới