Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Những xu hướng tại nơi làm việc

Ngân Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Môi trường làm việc trên thế giới được dự báo sẽ chứng kiến nhiều thay đổi trong năm 2024, với động lực chính đến từ những sự phát triển vượt bậc của công nghệ.

Tác động ngày càng sâu rộng của AI tạo sinh

Kể từ khi ChatGPT bắt đầu tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu vào tháng 11-2022, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh đã trở thành chủ đề gây tranh cãi nhất năm 2023. Các công cụ AI tạo sinh đang phát triển nhanh chóng đến mức có thể cung cấp các giải pháp tăng hiệu quả trong bất kỳ nhiệm vụ, công việc nào.

Những người lao động, một mặt vừa lo sợ cho sự nghiệp của mình, mặt khác lại đang để mắt đến những cơ hội mới được tạo ra. Chỉ riêng trên nền tảng LinkedIn, số lượng người dùng viết về AI trên toàn cầu đã tăng 70% trong năm nay, trong khi các bài đăng về việc làm có đề cập đến AI đã tăng hơn gấp đôi trong hai năm qua. Số yêu cầu tuyển dụng cho vị trí giám đốc, người phụ trách AI cũng đã tăng gấp 3 lần trong vòng năm năm qua, và xu thế này vẫn chưa có dấu hiệu chậm lại trong năm 2024.

Theo Fortune, có một quan điểm ngày càng trở nên phổ biến rằng, AI sẽ không thay thế việc làm của con người, nhưng những người sử dụng AI sẽ thay thế những người không thể sử dụng công nghệ mới. Do vậy, các nhân viên ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của việc bổ sung cho mình các kỹ năng AI và đảm bảo sự nghiệp trong tương lai bằng cách tham gia vào ngành công nghiệp này.

Nghiên cứu của LinkedIn cho thấy rằng trong hai năm qua, các bài đăng tuyển dụng việc làm có đề cập đến AI hoặc AI tạo sinh trên nền tảng này đã ghi nhận số đơn ứng tuyển cao hơn 17% so với các bài đăng tuyển dụng không đề cập đến AI.

“Cách chúng ta học tập sẽ cần phải phát triển để theo kịp tốc độ thay đổi ở nơi làm việc, đặc biệt là khi chúng tôi dự đoán 65% kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc sẽ thay đổi vào năm 2030”, Olivier Sabella, Phó chủ tịch của LinkedIn Talent Solutions chia sẻ với Fortune.

Đối với các doanh nghiệp, điều này có nghĩa là đã đến lúc bắt đầu suy nghĩ về cách đưa công nghệ AI vào các vị trí công việc nếu không muốn đối mặt với nguy cơ mất đi những nhân tài hàng đầu.

“Rõ ràng là AI sẽ tiếp tục đẩy nhanh sự thay đổi tại nơi làm việc vào năm 2024 và chúng ta sẽ thấy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ triển khai công nghệ để cải thiện năng suất và loại bỏ một số công việc nặng nhọc hàng ngày mà còn tìm ra cách trang bị cho lực lượng lao động những kỹ năng cần thiết để tận dụng tối đa những tiến bộ này”, ông Sabella cho biết thêm.

Hình thức làm việc từ xa sẽ không biến mất

Một khảo sát được KPMG thực hiện với 1.300 giám đốc điều hành trên toàn cầu cho thấy, 63% số CEO dự đoán, người lao động sẽ quay trở lại làm việc hoàn toàn tại văn phòng vào cuối năm 2026, trong khi chỉ 7% tin tưởng làm việc hoàn toàn từ xa sẽ trở thành tiêu chuẩn về lâu dài.

Quả thực, theo dữ liệu từ WFH Research, một dự án thu thập dữ liệu học thuật, số lượng công việc từ xa bắt đầu giảm sau mùa xuân năm 2020, thời điểm có hơn 60% số ngày làm việc diễn ra tại nhà. Đến năm 2023, con số đó đã giảm xuống còn khoảng 25% - thấp hơn nhiều so với mức đỉnh dù vẫn tăng gấp 5 lần so với mức 5% vào năm 2019.

Tuy nhiên, một dữ liệu khác lại cho thấy, số lượng công việc làm từ xa vẫn ổn định trong phần lớn thời gian của năm 2023. Và theo các chuyên gia về làm việc từ xa, con số này dự kiến sẽ tăng trở lại trong những năm tới khi các công ty điều chỉnh để thích nghi với xu hướng này.

Những người đang lo sợ về viễn cảnh phải quay trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch, giờ đây có thể cảm thấy an tâm hơn khi biết rằng, các vị trí việc làm kết hợp - cho phép nhân viên có thể làm việc tại nhà trong một khoảng thời gian nhất định mỗi tuần, đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trên toàn cầu.

Phó chủ tịch LinkedIn Talent Solutions Olivier Sabella dự đoán: “Chúng ta sẽ thấy xu hướng này vẫn tồn tại vào năm 2024 khi các công ty tiếp tục áp dụng các lựa chọn làm việc kết hợp như một cách để cân bằng giữa nhu cầu tăng cường tính linh hoạt của nhân viên với mong muốn người lao động có mặt tại văn phòng của chủ doanh nghiệp”.

Các doanh nghiệp tìm cách quản lý hiệu quả mô hình làm việc kết hợp

Trong khi một số công ty vẫn tỏ ra cứng rắn khi ban hành quy định bắt buộc nhân viên quay trở lại văn phòng làm việc trong năm nay, phần lớn các doanh nghiệp đều cho phép nhân viên làm việc tại nhà ít nhất một phần số ngày trong tuần. Khảo sát của Công ty phần mềm Scoop Technologies cho thấy, hiện chỉ có 38% các công ty tại Mỹ yêu cầu làm việc toàn thời gian tại văn phòng, giảm từ mức 39% của quí trước và mức 49% hồi đầu năm. Điều này sẽ khiến 2024 trở thành năm để các nhà tuyển dụng tìm ra mô hình làm việc kết hợp phù hợp nhất.

Stephan Meier, giáo sư kinh doanh tại Đại học Columbia, cho biết: “Chúng ta sẽ không bao giờ quay lại chính sách làm việc tại văn phòng 5 ngày/tuần. Một số nhà tuyển dụng sẽ buộc mọi người quay trở lại, nhưng tôi nghĩ trong năm tới, ngày càng có nhiều công ty thực sự tìm ra cách quản lý tốt mô hình làm việc kết hợp”.

Bà Barbara Larson, giáo sư về quản lý tại Đại học Northeastern nhận định, hiện vẫn có quá nhiều công ty tập trung vào số ngày người lao động không đến văn phòng, trong khi lại không thực sự quan tâm đến cách quản lý nhân viên khi họ vắng mặt. Theo bà, “đây là vấn đề cần sớm được giải quyết”.

Theo Giáo sư Larson, năng suất làm việc tại nhà giữa các nhân viên là rất khác nhau, vì vậy, các công ty cần phải bắt đầu phát triển các chính sách làm việc từ xa đa sắc thái hơn.

Các cải tiến về công nghệ cũng sẽ giúp số lượng việc làm từ xa gia tăng trở lại. Julia Pollak, nhà Kinh tế trưởng của ZipRecruiter kỳ vọng sẽ thấy nhiều công ty đầu tư mạnh tay hơn vào công nghệ hỗ trợ làm việc từ xa trong năm nay. Đó có thể là những căn phòng hiện đại được xây dựng cho các cuộc họp qua Zoom, có kính riêng tư giúp che chắn màn hình khỏi sự dòm ngó của người qua đường.

Giáo sư kinh tế Nick Bloom tại Đại học Stanford dự báo, trong vòng năm năm tới, các văn phòng hoàn toàn có thể bắt đầu triển khai những công cụ như hình ảnh ba chiều hay thiết bị thực tế ảo để giúp kết nối với các nhân viên làm việc từ xa. Ông nói: “Về lâu dài, công nghệ sẽ đóng vai trò thực sự quan trọng”.

Những nỗ lực hạn chế nguy cơ người lao động kiệt sức

Tầm quan trọng của hạnh phúc và sức khỏe tinh thần của nhân viên là vấn đề đang ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, trong bối cảnh số trường hợp cảm thấy bất mãn và kiệt sức ở nơi làm việc đã gia tăng đáng kể trong vài năm qua. Đáng buồn thay, các dự báo cho thấy sẽ không có thay đổi nào trong năm 2024, và thậm chí có thể còn tồi tệ hơn.

Các chuyên gia dự báo, tỷ lệ kiệt sức vì công việc có thể tăng 40% vào năm 2024. Thống kê cũng cho thấy 81% người lao động mong đợi các doanh nghiệp thực hiện các sáng kiến về sức khỏe tinh thần trong năm tới. Điều này đang đặt ra những thách thức lớn đối với các công ty trong việc giúp nhân viên của mình đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống.

Làm việc từ xa và cơ hội việc làm linh hoạt đã tăng lên trong những năm gần đây, nhưng chỉ những điều này thôi thì chưa đủ để đảm bảo phúc lợi cho người lao động. Các doanh nghiệp được khuyến cáo cần cung cấp cho nhân viên đủ nguồn lực và sự hỗ trợ để ngăn ngừa tình trạng kiệt sức.

Nhiều ý kiến cho rằng, chế độ làm việc làm việc năm ngày liên tục mỗi tuần, hiện đã không còn đáp ứng được kỳ vọng của lực lượng lao động hiện đại. Mô hình tuần làm việc bốn ngày đang dần trở nên phổ biến hơn và phản ánh sự thay đổi trong tư duy của các doanh nghiệp, ưu tiên sức khỏe và năng suất của nhân viên.

Theo một số nghiên cứu, bằng cách áp dụng tuần làm việc bốn ngày, các doanh nghiệp không chỉ có thể giảm tỷ lệ kiệt sức của nhân viên mà còn tăng mức độ hài lòng trong công việc và hiệu quả. Cách tiếp cận sáng tạo đối với lịch làm việc như vậy, sẽ đặc biệt phù hợp với các tổ chức thực sự muốn thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Thống kê cho thấy, 20% công ty tại Mỹ đã áp dụng mô hình tuần làm việc bốn ngày và 41% đang có kế hoạch thử nghiệm mô hình này. Trong thời đại mà tình trạng kiệt sức đang ảnh hưởng nặng nề đến người dân và doanh nghiệp, việc tìm ra những giải pháp cải thiện sức khỏe tinh thần của người lao động sẽ là điều hết sức cần thiết.

Nguồn: Forbes, Deskbird, USA Today, Fortune

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới