(KTSG Online) - Tính đến 13-12, nguồn vốn rót cho các startup tại Indonesia đạt 1,4 tỉ đô la Mỹ, giảm 54% so với năm ngoái. Tuy vậy, giới khởi nghiệp và nhà đầu tư mạo hiểm vẫn lạc quan về năm 2024, đặc biệt là các startup chuyên cung cấp giải pháp số hóa tiệm tạp hóa ở Indonesia, theo hãng dữ liệu Tracxn.
Một năm ảm đạm
Triển vọng kinh doanh ảm đạm trong năm 2023 không chỉ ở Indonesia mà còn bao trùm các hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Theo công ty dịch vụ quản lý vốn cổ phần Carta có trụ sở chính ở Mỹ, tính đến tháng 10-2023, có 87 startup trên nền tảng của Carta từng huy động ít nhất 10 triệu đô la Mỹ đã đóng cửa trong năm nay. Peter Walker, người đứng đầu bộ phận quản lý chính của Carta, đã viết trong một bài đăng trên LinkedIn rằng, về tổng thể 543 startup trên Carta đã đóng cửa tính đến tháng 10-2023, so với 467 công ty khởi nghiệp trong cả năm ngoái.
Indonesia có hệ sinh thái khởi nghiệp đứng thứ hai Đông Nam Á, đứng sau Singapore và trên Việt Nam. Đồng nghĩa với đó, các startup tại Indonesia cũng đối diện một năm 2023 khó khăn như những cộng đồng khởi nghiệp ở các nơi khác.
Điều này được thể hiện khi có nhiều startup đã phải sử dụng các biện pháp quyết liệt, gồm cả sa thải hàng loạt, tìm mọi giải pháp để tồn tại. Khó khăn chồng chất, một số công ty khởi nghiệp Indonesia phải đối diện thực tế khắc nghiệt là đóng cửa, trong khi các startup trong khu vực chọn cách co cụm và không dám cạnh tranh.
Hồi tháng 2-2023, tại Indonesia, nhà điều hành không gian làm việc chung CoHive đã đóng cửa sau khi bị Tòa án Trung tâm Jakarta tuyên bố phá sản. Qua tháng 3-2023, nền tảng thương mại JD.com của Trung Quốc rời Indonesia và Thái Lan. Tháng 9, nền tảng công nghệ tài chính (fintech) Lummo bắt đầu quá trình tự giải thể. Đến tháng 11 vừa rồi, Rumahku – hãng con của hãng công nghệ bất động sản PropertyGuru ở Indonesia - đã ngừng hoạt động. Còn nền tảng du lịch trực tuyến Pegipegi đã ngừng hoạt động trong tháng này.
"Những gì chúng tôi chứng kiến cho thấy các startup đang phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng. Họ phải hoạt động ở các phân khúc thị trường có chi phí cao nhưng tỷ lệ chuyển đổi, tìm được khách hàng rất thấp ở Indonesia. Đây là một thách thức nhưng không phải là không thể xoay chuyển”, Yinglan Tan, CEO và đối tác sáng lập của quỹ Insignia Ventures nhận định về tương lai của các dự án khởi nghiệp tại nền kinh tế có quy mô lớn nhất ASEAN hiện nay.
Vẫn còn những startup mang đến hy vọng trong năm mới
Bất chấp những thông tin xám xịt, giới startup xứ vạn đảo vẫn lạc quan. Họ hy vọng vào triển vọng kinh doanh tốt đẹp của năm mới 2024. Trong 10 startup có số tuyển dụng cao nhất ở châu Á tính đến kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, theo TechinAsia, có 3 startup từ Indonesia, 4 từ Singapore và 3 từ Trung Quốc.
Các công ty hỗ trợ công nghệ số hóa các nhà bán lẻ nhỏ và truyền thống Indonesia – còn gọi là warung tech, tức số hóa các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ – được xem là lĩnh vực yêu thích của các nhà đầu tư mạo hiểm trong giai đoạn 2019-2020.
Roshan Raj Behera, đối tác tại hãng tư vấn chiến lược Redseer Strategy Consultants, dự báo rằng các hãng công nghệ hỗ trợ chuyên giải quyết các nhu cầu quan trọng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ dễ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong năm mới 2024. “Triển vọng kinh tế vĩ mô ở Indonesia và Đông Nam Á tiếp tục vượt trội hơn nhiều khu vực khác. Tâm lý thị trường vốn được cải thiện có thể sẽ thúc đẩy đầu tư tư nhân”, Behara phân tích.
Các chuyên gia giới khởi nghiệp kỳ vọng thị trường gọi vốn sẽ có sự cải thiện trong năm tới, giảm thiểu sự bất ổn trong hệ sinh thái khởi nghiệp Indonesia.
“Chúng tôi hy vọng rằng sẽ không còn nhiều công ty nữa phải giải thể trong năm tới, đặc biệt là khi thị trường đã thực hiện quá trình điều chỉnh trong hai năm qua. Đối với các công ty khởi nghiệp được quỹ mạo hiểm hậu thuẫn, chúng tôi nhận thấy các công ty có chiến lược phát triển dài hạn vẫn tiếp tục tăng trưởng", theo nhận định của Glen Ramersan, đối tác tại quỹ mạo hiểm TNB Aura.
Theo DealStreetAsia, TechinAsia, Tracxn