(KTSG Online) - Trong bối cảnh khó khăn chung, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng hiếm hoi của bức tranh kinh tế năm 2023. Dòng vốn ngoại được các chuyên gia dự báo tiếp tục chảy nhiều vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực vi mạch bán dẫn, công nghệ cao, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng.
- Cứ 100 đô la vốn FDI thì có 41 đô la đầu tư vào Đông Nam bộ
- Nhật Bản đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ để chạy đua sản xuất chip 1nm
Bứt tốc chặng cuối
Sau nhiều năm là “điểm sáng” của nền kinh tế, vào năm 2022, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam quay đầu sụt giảm đến 11% so với năm liền kề trước đó. Bước sang nửa đầu năm 2023, xu hướng thận trọng của nhà đầu tư tiếp tục ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư toàn cầu và tác động tới nền kinh tế gần 100 triệu dân trong nước.
Bởi lẽ, trong 6 tháng đó, dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp để vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng cả nước cũng chỉ thu hút được khoảng 13,43 tỉ đô la Mỹ vốn ngoại cam kết, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, mức sụt giảm này đã thể hiện rõ khó khăn chung của nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trước nhiều rủi ro và biến động trong năm 2022 và vẫn đang kéo dài sang năm vừa qua.
Từ đây, nỗi lo cho dòng vốn ngoại rót vào Việt Nam tiếp tục suy giảm càng lớn hơn. Nhất là xung đột chính trị tại một số quốc gia trên thế giới gay gắt, áp lực lạm phát tăng cao, giá cả bùng nổ ở nhiều quốc gia; điều kiện tài chính toàn cầu có xu hướng thắt chặt ảnh hưởng mạnh đến doanh nghiệp, thương mại và đầu tư quốc tế...
Tuy nhiên, bước sang quí 3, khi dự án tăng vốn hơn 1 tỉ đô la của LG Innotek ở Hải Phòng được ghi nhận, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam bắt đầu có sự “đảo chiều”. Cụ thể 7 tháng, con số này là gần 16,24 tỉ đô la, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo đà đó, quí 3, dòng vốn FDI tiếp tục chảy nhiều vào Việt Nam. Tổng vốn FDI đăng ký tính tới cuối tháng 9 đạt 20,21 tỉ đô la, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, tức chỉ trong 3 tháng tăng tới 6,78 tỉ đô la; vốn thực hiện ước đạt 15,91 tỉ đô la, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.
Kể từ thời điểm đó, xu hướng ngày càng tích cực, nhất là khi các dự án quy mô lớn tiếp tục được đầu tư. Đáng lưu ý là những dự án đầu tư nhà máy nhiệt điện Thái Bình, vốn đăng ký đầu tư 1,99 tỉ đô la; dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà, Quảng Ninh, vốn đăng ký đầu tư 1,5 tỉ đô la.
Dự án Nhà máy Lite-On Quảng Ninh, sản xuất máy tính, vốn đầu tư 690 triệu đô la hay dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian, tỉnh Bắc Giang, vốn đầu tư 621 triệu đô la...
Nhờ đó mà từ một nỗi lo lớn của hồi đầu năm, khép lại năm 2023, thu hút vốn ngoại đã quay đầu ngược chiều với tình hình khó khăn chung, trở thành một điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2023.
Cụ thể số liệu công bố của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, năm 2023, cả nước có 36,61 tỉ đô la vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 32,1% so với kết quả của năm 2022.
Đáng chú ý, trong số này, vốn đăng ký mới đạt gần 20,2 tỉ đô la và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỉ đô la, tương ứng tăng 62,2% và tăng 65,7% so với kết quả của năm 2022.
Số vốn giải ngân FDI trong năm 2023 cũng rất ấn tượng, đạt khoảng 23,1 tỉ đô la, cao hơn nhiều năm gần đây. Điều này cho thấy dòng vốn FDI thực sự được chuyển đổi thành nhà máy, dây chuyền sản xuất, tạo ra sản phẩm và chuyển hóa thành hiệu quả kinh tế - xã hội.
Việc giải ngân nhiều trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm cho thấy nhà đầu tư FDI rất tin tưởng vào môi trường đầu tư trong nước và sức hấp dẫn của nền kinh tế gần 100 triệu dân. Đây cũng là khả năng thích ứng và hiệu quả cạnh tranh về chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam, trong bối cảnh cuộc đua mời gọi đầu tư ngày càng quyết liệt trên toàn cầu.
Sự phục hồi và bắt đầu tăng trưởng trở lại của dòng vốn FDI vào Việt Nam từ nửa cuối năm 2023 cũng như đưa vào giải ngân vốn cao là động lực rất quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và các năm tiếp theo trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Kỳ vọng làn sóng thứ tư
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký năm vừa qua tăng 32,1% là mức tăng cao nhất và ấn tượng tính từ khi dịch Covid-19 xuất hiện và bùng phát từ năm 2020.
Năm 2020 dòng vốn FDI vào Việt Nam giảm 25%; năm 2021 vốn FDI tăng 9,2% và năm 2022 giảm 11%.
Trao đổi với KTSG Online về nguyên nhân vốn FDI cam kết vào Việt Nam tăng cao trong năm 2023, Tiến sĩ Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho là do đường lối đối ngoại xác định định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài "đa phương hóa, đa dạng hóa đối tác" (Nghị quyết 50 BCT) đã được thực thi cụ thể trong năm vừa qua, trong bối cảnh địa chính trị phức tạp, nên Việt Nam vẫn duy trì được là điểm đến đầu tư an toàn.
Đáng chú ý, các địa phương trong cả nước đã đồng loạt đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ (hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI hiện hữu như cải cách thủ tục hành chính); đồng thời tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước...
Cũng theo ông Thắng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động, tích cực, vượt khó, lăn lộn với thị trường, tìm kiếm dự án và nhà đầu tư nước ngoài thích hợp để tiến hành hợp tác đầu tư theo đúng xu hướng đầu tư mới trên thế giới hướng vào đầu tư xanh, công nghệ cao... phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài trong gian đoạn hiện nay và các năm tới của Việt Nam.
"Các điều kiện đảm bảo cho đầu tư nước ngoài có hiệu quả như ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị - xã hội, và cơ sở hạ tầng cứng (hệ thống giao thông, bến cảng, logistics... đều đã được tăng cường. Nguồn nhân lực vẫn còn khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư nước ngoài", ông Thắng nói.
Nhận định về dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng cao trong năm 2023, các chuyên gia tư vấn đầu tư cũng cho rằng cú huých nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước, nhất là Mỹ, Nhật Bản và EU... đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... gia tăng vào Việt Nam.
Đó là kết quả chuyển hóa từ sự thành công trong hoạt động vận động đầu tư của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng chính quyền các địa phương trong thời gian vừa qua. Đơn cử, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các cuộc đối thoại, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp FDI, lắng nghe kiến nghị, từ đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ nhiều vướng mắc. Chính phủ cũng liên tục cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng.
Cụ thể, dòng vốn FDI từ Mỹ đầu tư vào Việt Nam năm 2023 tăng so với nhiều năm trước, đạt khoảng 626 triệu đô la. Dòng vốn FDI từ châu Âu cũng tăng lên trong năm qua, trong đó đáng chú ý là Đức, đầu tàu kinh tế châu Âu đăng ký đến 366 triệu đô la vào Việt Nam. Hay Nhật Bản với gần 6,57 tỉ đô la vốn đầu tư, tăng 37,3% so với năm trước đó...
Các chuyên gia nhận định, cơ hội thu hút đầu tư FDI của Việt Nam trong năm 2024 và những năm tới đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Có thể nói, các ý kiến dự báo lạc quan rằng Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của chu kỳ mới thu hút FDI.
Với một nền kinh tế có độ mở rất cao, các phân tích cho rằng Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội thu hút FDI chất lượng cao từ các doanh nghiệp lớn trên thế giới. Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết, trong đó có 16 FTA đang được thực thi hiệu quả, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế.
Những yếu tố quan trọng khác tạo nên cơ hội trong thu hút FDI vào Việt Nam như sự ổn định chính trị, nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát được kiềm chế... sẽ tiếp tục là điểm cộng để nhà đầu tư tin tưởng đến "lót ổ".
Đáng chú ý, đầu tư FDI vào Việt Nam năm 2024 và những năm tới được kỳ vọng phụ thuộc nhiều vào việc thực thi những cam kết của Mỹ trong nâng cấp quan hệ với Việt Nam. Báo Nikkei gần đây nhận định rằng: “Việt Nam có thể đón đợt bùng nổ đầu tư nước ngoài lần thứ tư”.
Hãng tin này cho rằng, chuyến thăm Việt Nam vào tháng 9-2023 của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể kích thích làn sóng đầu tư của Mỹ vào Việt Nam, tạo cơ hội hình thành làn sóng đầu tư nước ngoài thứ tư.
Việt Nam đã trải qua 3 lần đón làn sóng đầu tư nước ngoài. Làn sóng thứ nhất bắt đầu từ năm 1991, sau khi Diễn đàn Đầu tư Việt Nam được tổ chức. Làn sóng thứ hai bắt đầu vào năm 2005, khi đầu tư nước ngoài bùng nổ trở lại sau những tác động của khủng hoảng tài chính khu vực năm 1998. Làn sóng thứ ba trong những năm 2017-2018, khi hàng loạt tập đoàn lớn, dự án lớn đầu tư vào Việt Nam.
Kỳ vọng những dự án công nghệ cao và các "đại bàng"...
Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh trong năm 2023 tạo tiền đề thuận lợi cho thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2024. Bởi lẽ, Việt Nam đang có rất nhiều kinh nghiệm trong thu hút FDI. Đặc biệt trong quan hệ quốc tế, cú huých nâng cấp quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ đã tạo hiệu ứng lan tỏa tới dòng vốn FDI từ Mỹ, châu Âu vào Việt Nam.
Tương tự, Nhật Bản – đất nước mạnh về công nghệ kỹ thuật và luôn nằm trong tốp đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, cuối tháng 11 vừa qua cũng trở thành đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, tiếp tục mang đến cho Việt Nam nhiều kỳ vọng thu hút nguồn vốn từ xứ sở mặt trời mọc.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thời gian qua cũng tiếp các tập đoàn, với tinh thần đối thoại, đặt vấn đề và trao đổi toàn diện về thông tin liên quan đến dự án, lĩnh vực thu hút đầu tư, mục đích đầu tư của nhà đầu tư tiềm năng; trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tác là tập đoàn đa quốc gia, làm chủ công nghệ hiện đại và tài chính dồi dào.
Đại diện nhiều tập đoàn nước ngoài, trong đó có những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán dẫn, đầu tư, khai thác cơ sở hạ tầng và năng lượng đều xác nhận quan tâm và có ý định tăng cường hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong tương lai gần.
Gần đây, tỉ phú Jensen Huang, Chủ tịch, CEO của Nvidia (Mỹ), tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã đến Việt Nam thăm và làm việc tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Hà Nội.
Báo chỉ dẫn lời của Chủ tịch Nvidia nhấn mạnh AI là làn sóng lớn nhất từ trước đến nay. "Việt Nam đã chuẩn bị tốt và đây là thời cơ của các bạn. Đây cũng là thời điểm tuyệt vời cho hai bên thiết lập quan hệ chiến lược, AI và chip - cả hai ngành mang tính sống còn cho sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia. Việt Nam là đối tác của Nvidia", ông Jensen Huang nói.
Không chỉ đầu tư sản xuất ở Việt Nam, một điểm lưu ý nữa là các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đang có kế hoạch thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), một khâu rất quan trọng trong sản xuất để làm bệ phóng cho những sản phẩm công nghệ cao hiện đại.
Cụ thể hãng tin Nikkei tháng trước đưa tin hãng công nghệ Apple đang phối hợp với BYD, nhà lắp ráp iPad chủ chốt tại Trung Quốc, để chuyển nguồn lực giới thiệu sản phẩm (NPI) sang Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên "Táo khuyết” chuyển NPI của một sản phẩm chủ chốt sang sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này. Bởi, NPI là quy trình sản xuất bao gồm từ khâu lên kế hoạch, phác thảo ý tưởng cho đến lắp ráp sản phẩm. Quy trình này yêu cầu nguồn lực từ cả doanh nghiệp công nghệ và đối tác cung ứng linh kiện, chẳng hạn như kỹ sư và đầu tư vào trang thiết bị nghiên cứu để thử nghiệm tính năng sản phẩm.
Hiện nay, hầu hết NPI của Apple đều được tiến hành tại Trung Quốc và Cupertino, nơi đặt trụ sở chính của gã khổng lồ iPhone. Năm ngoái, BYD cũng là đối tác đầu tiên của Apple chuyển dây chuyền lắp ráp iPad sang Việt Nam. Các nguồn tin của Nikkei cho hay, dây chuyền được chuyển giao dành cho sản xuất thử nghiệm mẫu iPad sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 2 năm nay và có mặt trên thị trường vào nửa cuối năm 2024.
Mới đây, ông John Neffeur, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) và lãnh đạo các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu Mỹ như Intel, Qualcom, Ampere, ARM… đã tới TPHCM, và thăm khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Tại buổi tiếp của Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, ông John Neuffer nhận định, trên bản đồ ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, Việt Nam hiện có vị thế về khâu kiểm thử - đóng gói cũng như về thiết kế back-end (thiết kế đoạn code và chương trình để vận hành ứng dụng, website). Thời gian tới, Việt Nam có thể thúc đẩy phát triển thêm các khâu khác trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn; trong đó, việc tập trung đầu tư vào khâu thiết kế có nhiều thuận lợi hơn.
Trong bối cảnh mối quan hệ hợp tác chung giữa hai nước, ông John Neuffer tin tưởng quan hệ hợp tác lĩnh vực công nghiệp bán dẫn giữa Mỹ và Việt Nam nói chung, với TPHCM nói riêng sẽ được thúc đẩy, thành công hơn nữa trong thời gian tới.
Còn Synopsys đang đầu tư thành lập Trung tâm thiết kế chip bán dẫn và Trung tâm ươm mầm sáng tạo hợp tác cùng Khu công nghệ cao TPHCM. Hay Tập đoàn Công nghệ Marvell (Mỹ) cũng thành lập Trung tâm Thiết kế vi mạch hàng đầu thế giới tại TPHCM…
Mỹ là nền kinh tế có thế mạnh về công nghệ và dịch vụ với nhiều tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới. Do đó, những động thái trên được giới phân tích đánh giá là bước tiến mới của Việt Nam trên con đường thâm nhập ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn với trị giá hàng trăm tỉ đô la Mỹ và có sức ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực trên thế giới.
Ông Wade Cruse, đối tác điều hành khu vực Đông Nam Á của Bain & Company (Mỹ), tập đoàn tư vấn thuộc nhóm “Big 3” thế giới, cùng với McKinsey & Company và Boston Consulting Group, nhận định rằng Việt Nam là một trong hai quốc gia hàng đầu được các nhà sản xuất bán dẫn lựa chọn kế tiếp. Trong xu hướng dịch chuyển đầu tư của các nhà bán dẫn toàn cầu, ông Wade Cruse khẳng định cơ hội và triển vọng cho Việt Nam về thu hút đầu tư ngành bán dẫn chắc chắn là cao.
Hay với Nhật Bản, hiện đang có hơn 5.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỉ đô la Mỹ, đứng thứ 3 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam.
Hàng loạt doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đều có dự án đầu tư tại Việt Nam, như Toyota, Renesas, Honda, Yamaha, Mitsubishi, Sumitomo, Canon, Marubeni, Panasonic, Toshiba, Sharp, Tokyu, Fujikura, Aeon Mall, Kyocera, Hoya, Nippon, Daikin, Toto… Khoản đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn này không ngừng được mở rộng và nâng cao chất lượng sản phẩm, kỹ thuật ở Việt Nam.
Theo chia sẻ của ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng văn phòng JETRO tại TPHCM, khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao từ Nhật Bản đã mở rộng sang Việt Nam. “Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản”, ông nói.
Do vậy, giới quan sát cho rằng cơ hội thu hút đầu tư FDI trong năm 2024 đang mở ra như năm 2008, thời điểm Việt Nam vừa tham gia WTO. Các yếu tố như cuộc chiến kiểm soát công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai đang mở ra cơ hội cho Việt Nam trong thu hút FDI công nghệ cao, các "đại bàng" thế giới...
Dù vậy, Việt Nam cũng đang gặp không ít thách thức để thu hút các dự án công nghệ cao, các tập đoàn lớn khi mà cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư không chỉ xảy ra trong khu vực mà ngay cả các nước phát triển, hay nước "xuất khẩu" về đầu tư...
Vấn đề nhân lực công nghệ cao được xem là một thách thức không nhỏ. Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu từ 1-1-2024 cũng làm mất lợi thế ưu đãi thuế của Việt Nam trong thu hút đầu tư FDI quy mô lớn.
Theo các chuyên gia, để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần thay đổi môi trường đầu tư để giữ chân các "ông lớn" FDI, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mới. Đó là cần thực hiện các giải pháp như sử dụng nguồn thu từ thuế tối thiểu toàn cầu trong thời gian tới để hỗ trợ thu hút đầu tư FDI; hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp FDI.
Chính sách cũng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp FDI công nghệ cao bằng tiền mặt, thông qua phát triển hạ tầng; đẩy mạnh hỗ trợ đào tạo lao động; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút được nhà đầu tư FDI mới có chất lượng cao hơn... Chính sách đầu tư cần thông thoáng hơn, vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cần làm tốt hơn, và cần sớm nâng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.
KCN Long Hậu mở rộng khu nhà xưởng xây sẵn tiêu chuẩn đón làn sóng đầu tư
Công ty cổ phần Long Hậu, chủ đầu tư tại KCN Long Hậu, gần đây đã tổ chức lễ khởi công mở rộng khu nhà xưởng xây sẵn tiêu chuẩn tại xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Theo ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh của Công ty cổ phần Long Hậu, khu nhà xưởng xây sẵn là phương án nhanh, linh hoạt và tối ưu chi phí cho nhà sản xuất trong bối cảnh quỹ đất dần thu hẹp, giá đất tiếp tục tăng trong khi giá thuê nhà xưởng vẫn ổn định.
Theo ông, doanh nghiệp thuê kho xưởng để sử dụng trước mắt, nếu thị trường tốt và vận hành ổn định thì thuê đất, xây nhà xưởng sau. Thực tế, việc đầu tư xây dựng nhà xưởng sẽ mất từ 6 tháng đến 1 năm (với điều kiện có sẵn mặt bằng), nên đối với nhóm khách hàng có nhu cầu dịch chuyển và muốn đẩy nhanh tốc độ đầu tư, nhà xưởng xây sẵn là giải pháp phù hợp.
Diện tích mỗi xưởng cho thuê từ 3.300 m2 – 6.600 m2, phù hợp với nhóm ngành công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, cơ khí chính xác, chế biến đóng gói thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm, thiết bị y tế và kho bãi. Công trình dự kiến hoàn thành bàn giao vào quí 2/2024.