(KTSG) - Chợ ở miền núi, nhất là đối với người Mông, không chỉ là nơi mua bán mà là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể. Người ta xuống chợ để chơi, để thanh tẩy tâm hồn.
Dãy hàng ăn dài chừng 500 mét chia làm ba khu, bán thắng cố ngựa, thắng cố dê, thịt lợn luộc, lòng lợn luộc, phở, bánh đúc ngô, cơm, mèn mén… cũng là một trong những nơi vui nhất chợ Bắc Hà. Cả một tuần lao động vất vả, Chủ nhật xuống chợ là dịp để người ta nghỉ ngơi, vui chơi, gặp gỡ bạn bè. Cảnh rất ấm áp là cả gia đình bố mẹ, con cái mua bán xong dẫn nhau vào một hàng thắng cố. Gọi một bát thắng cố nghi ngút khói, thêm bát bánh đúc ngô, bát phở, bát cơm, bát mèn mén, chai rượu rồi cùng ăn uống, nói chuyện, cười đùa vui vẻ.
Mỗi tuần có một ngày quên
Ngồi uống rượu, ăn thắng cố, tôi nghe được bao nhiêu là tâm sự thú vị của những thực khách ngồi đầy trong quán “Sơn Phượng - chuyên thắng cố” ấy. Người bảo: “Tuần nào không đi chợ xem ngựa, uống rượu thì không chịu được”. Người triết lý: “Bao giờ con người hết thì con ngựa mới hết”. Cứ thế, tiếng người í ới rủ nhau đi uống rượu, tiếng khách gọi thức ăn, tiếng chủ quán trả lời khách; người rủ rỉ tâm sự; người say rượu ngồi gà gật cười hiền, người thì mắt vằn, mặt đỏ nói oang oang nhưng tuyệt nhiên không gây gổ đánh nhau, không mất hòa khí. Chỉ thấy vui vẻ và thân thiện.
Những niềm vui, nỗi buồn của cả trăm người Mông, Tày, Nùng, Dao, Giáy… đến quán cũng nhờ thế mà bay theo hơi rượu, mùi thức ăn. Mỗi tuần có một lần họ thanh tẩy tâm hồn. Chợ vì thế mà không thể thiếu được trong đời sống của người miền núi.
Chợ Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang họp Chủ nhật hàng tuần ở một thung lũng rộng bốn bề núi đá bao quanh thuộc thị trấn Mèo Vạc. Dãy hàng rượu tụ vòng quanh chợ, họp thành bốn, năm khu, dài phải đến 500 mét. Có khu chuyên bán rượu từng can, người bán cho can rượu 20 lít vào quẩy tấu gùi đến chợ, người có nhiều thì chở rượu đến bằng xe máy, mỗi xe bốn, năm can.
Đó là thế giới của phụ nữ. Người nọ nối tiếp người kia xếp những can rượu thành hàng ngang ngay ngắn trước mặt rồi úp cái quẩy tấu xuống làm ghế ngồi hoặc có người ngồi luôn lên một can rượu. Tay mỗi người đều cầm sẵn một cái thìa nhựa, sâu lòng. Khi có người đi qua, họ tươi cười, giơ tay vẫy, cất tiếng chào mời: “Mua rượu đi!” Khi có người dừng lại, rẽ vào, người bán nhanh tay thò thìa vào miệng can múc rượu đưa mời. Mặc cả được giá thì bán, người mua bao nhiêu thì đưa can, người bán lấy cái ống cắm vào can rượu của mình hút sang đong cho đủ. Rượu trao, tiền nhận rồi bắt tay cười nói vui vẻ.
Một nét đặc sắc của các phiên chợ ở cao nguyên đá Hà Giang là chợ nào cũng có những quán rượu suông - chỉ bán rượu mà không bán kèm đồ nhắm. Những quán rượu suông ở chợ Mèo Vạc nằm rải rác mỗi nơi vài điểm, nhưng tập trung nhất là khu chợ bò, lợn, gà, dê, chó và khu chợ chim họa mi. Đơn giản là vì đi buôn bán, xem đại gia súc và chim họa mi là công việc quan trọng và yêu thích của bất cứ người đàn ông Mông nào.
Ly Mí Chá, 61 tuổi, người Mông ở tổ 3, thị trấn Mèo Vạc bảo nhà cũng nấu rượu nhưng Chủ nhật ông vẫn ra chợ rủ bạn đến quán uống rượu, hút thuốc lào, nói chuyện cả giờ mới về. Ngồi uống rượu với ông, tôi học được cách mời rượu đặc trưng của người Mông. Thay vì lấy chén của bạn để rót, người ta rót đầy chén của mình rồi đưa đặt cạnh chén của bạn. Người bạn uống cạn chén của mình, nhấc chén rượu mời san sang chén của mình rồi lại rót lại một chén đưa mời bạn để đáp lại. Hoặc có khi mỗi người dùng hai chén, một chén để uống, một chén để rót rượu mời bạn. Bạn bè cứ vừa uống vừa rỉ rả nói chuyện.
Đâu chỉ là nơi để mua bán
Điều đặc biệt là không chỉ có đàn ông ngồi uống rượu mà phụ nữ cũng ngồi uống cùng chồng, bạn chồng hoặc mấy người phụ nữ rủ nhau ngồi uống rượu. Họ vừa tước lanh vừa uống rượu, cũng bá cổ, khoác vai, cũng khề khà ngồi uống cả giờ, nói to, cười giòn... rất sảng khoái. Nhưng đã 11 giờ, nắng chang chang, ở quán rượu của bà Vừ Thị Mỵ, 43 tuổi, người Mông ở thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc, tôi thấy có hai người phụ nữ một già một trẻ đang uống rượu nhấm nháp với nỗi buồn. Người phụ nữ trẻ vừa uống rượu vừa khóc tấm tứt. Người lớn tuổi hơn thì cứ để cho cô ấy tựa vào vai mình, nhẫn nhịn nghe lời tâm tình, nghe cả tiếng khóc, thi thoảng rót một chén rượu đưa sang, đồng cảm, nhân ái.
Một cái bàn, vài cái ghế đặt bên lề đường, trên vỉa hè, có hoặc không có ô che là đủ hấp dẫn để mời mọi người bắt đầu cuộc vui. Tiếng Mông, Dao, Giáy, Tày, Hoa, Việt... trò chuyện; người đi cứ đi; người mua bán cứ mặc cả bán mua; xung quanh tiếng bò ò ò, dê be be, lợn eng éc, chó gâu gâu, gà cục cục... tạo thành một cảnh tượng ồn ã, huyên náo đặc quánh hương vị, sắc màu.
Trong số hàng ngàn con người xoay tròn trong khu chợ rực rỡ, náo nhiệt, rộn ràng, ước tính mỗi phiên chợ Mèo Vạc có 200 phụ nữ bán rượu. Một người bán ít thì 10 lít, nhiều thì cả trăm lít rượu, lượng rượu tiêu thụ lên đến cả vạn lít. Tôi thấy cả những chiếc xe bán tải, xe tải mang biển số Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc... lên mua rượu chở về xuôi. Thế nên ông Ly Mí Chá mới tự hào rằng “cả chợ uống say cũng không hết rượu” để khoe về việc “trên trời dưới rượu” ở chợ quê mình.
12 giờ, chợ tan, người ngật ngưỡng ra về, người say quá thì ngồi gục đầu vào quẩy tấu hoặc lăn bịch ra đất mà nằm ngủ ngon lành, tỉnh rượu thì về. 13 giờ, bên vệ đường, tôi gặp cảnh chồng nằm lăn ra đất ngủ, vợ ngồi bên cạnh tước lanh, kiên nhẫn chờ chồng tỉnh rượu thì cùng về.
Giàng Thị Chúa, 35 tuổi, người Mông xanh ở thôn Sủng Của, xã Sủng Trái, huyện Đồng Văn đang chờ chồng say rượu nằm ngủ là Thào Chứ Nhù, 39 tuổi, người Mông xanh. Chúa cười hiền hậu bảo: “Uống rượu với bạn, vui nên chồng mình mới say. Không vui không uống say đâu”. Nhìn cảnh ấy, tôi mới thấu hiểu câu mà người phụ nữ Mông thường nói để chứng tỏ tình yêu của mình: “Cho dù có chết, hồn em cũng cầm ô đứng đợi anh”. Không gì đậm chất Mông hơn thế!
Bà Lý Trung Kiên, Trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Đồng Văn, lý giải: niềm tự hào của người phụ nữ Mông là khi đến chợ chồng mình có nhiều bạn, được nhiều người mời uống rượu, uống đến say thì thôi. Khi chồng say, họ còn tự hào và luôn sẵn sàng ngồi chờ chồng, xem đó như là bổn phận của người vợ mà không hề than vãn.
Ông Mai Thanh Sơn, tiến sĩ dân tộc học, Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ, cho biết: “Chợ ở vùng cao có vóc dáng của hội; chợ là một ngày hội, phụ nữ ăn mặc phải đẹp, đàn ông đến chợ để gặp gỡ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn thông qua chén rượu. Chợ ở đây không chỉ là nơi mua bán mà là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể”.
Cả nghìn người chen vai thích cánh, tất bật bán mua, rì rào cười nói, xì soạp uống ăn… đến tầm 12 giờ là chợ tan. Dòng người lại tỏa đi muôn ngả, mang cái phong vị ấm no về từng nếp nhà.