Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tuần đầu năm mới hứng khởi của VN-Index!

Thanh Thủy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chuỗi tăng điểm kéo dài suốt tuần qua đã đưa chỉ số VN-Index lên mốc 1.154 điểm, tăng 2,28% so với tuần trước đó. Đà bứt phá trong tuần qua có sự đóng góp chủ yếu từ nhóm cổ phiếu ngân hàng sau thông tin tăng trưởng tín dụng năm 2023 gần đạt chỉ tiêu và Ngân hàng Nhà nước đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024, phân bổ cho các ngân hàng ngay từ đầu năm. Tính chung trong cả tuần, nhiều cổ phiếu ngân hàng có đà tăng mạnh như MBB (tăng 9,92%), VCB (tăng 7,35%), OCB (tăng 7,15%), CTG (tăng 7,01%), SHB (tăng 6,94%)... Thanh khoản cải thiện rõ rệt khi giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên cả ba sàn đạt hơn 19.000 tỉ đồng, tăng 31,4%.

Mặc dù vậy, sau tuần cuối năm 2023 trở lại mua ròng, nhà đầu tư nước ngoài đã nhanh chóng quay đầu bán ròng trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024, với giá trị bán ròng 1.190 tỉ đồng.

Trên thế giới, cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đều tăng điểm trong phiên giao dịch cuối tuần qua. Tuy nhiên, tính trong cả tuần, chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite đều chung xu hướng đi xuống sau chuỗi chín tuần tăng điểm liên tiếp. Nasdaq Composite giảm 3,25% còn S&P 500 và Dow Jones giảm lần lượt 1,52% và 0,59%. Một thông tin kinh tế quan trọng được công bố trong tuần qua là báo cáo về tình hình lao động tháng 12 của Mỹ. Cụ thể, số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp đã tăng thêm 216.000 việc làm, vượt dự báo 170.000 việc làm của các chuyên gia. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp được giữ ổn định ở mức 3,7% - một dấu hiệu cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn đang mạnh mẽ. Diễn biến này có thể sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên trong năm nay. Trước đó, thị trường từng kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất sớm nhất vào tháng 3. Một thông tin khác là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ của Mỹ cho thấy hoạt động kinh doanh nhìn chung vẫn đang mở rộng. Tuy vậy, kết quả chỉ ở mức 50,6 điểm - thấp hơn gần 2 điểm so với ước tính của Dow Jones cũng như kết quả của tháng 11 (52,7 điểm).

Về các tin tức trong nước, theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 39.430 tài khoản trong tháng 12-2023. Xét về cơ cấu, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng cuối năm chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 39.240 tài khoản. Trong khi đó, tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 190 tài khoản. Như vậy, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng trở lại sau hai tháng liên tiếp sụt giảm trước đó do hoạt động rà soát và thanh lọc của các cơ quan chức năng về dữ liệu người tham gia chứng khoán. Đáng chú ý, số lượng tài khoản tăng trở lại trong bối cảnh TTCK có diễn biến khá tích cực trong tháng 12-2023 (VN-Index tăng 3,3% qua đó kết thúc năm tại mức 1.129 điểm, tăng 12,2% so với năm 2022). Mức tăng này đưa TTCK Việt Nam lọt tốp các thị trường tăng mạnh nhất châu Á, bất chấp việc khối ngoại bán ròng cả tỉ đô la chỉ tính riêng trên sàn HOSE.

Tính chung cho cả năm 2023, số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm tổng cộng 385.700 tài khoản. Theo đó, Việt Nam đang có hơn 7,2 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân, tương đương khoảng 7% dân số. Theo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 mới được phê duyệt, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc chín triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Về xu hướng thị trường, sau tuần đầu năm tăng điểm khá tốt nhờ sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu trụ cột là ngân hàng, VN-Index nhiều khả năng sẽ có một nhịp tích lũy trở lại khi gặp vùng kháng cự 1.150-1.170 điểm. Tuy vậy, diễn biến phân hóa, “đảo lớp” giữa các nhóm cổ phiếu nếu diễn ra, sẽ là yếu tố giúp duy trì sự sôi động của dòng tiền. Trong tháng 1 này, nhà đầu tư sẽ lần lượt chờ đón các thông tin quan trọng như: chỉ số CPI của Mỹ, kết quả cuộc họp định kỳ của Fed, kỳ họp bất thường của Quốc hội và quan trọng nhất là mùa báo cáo kết quả kinh doanh quí 4 và cả năm 2023 của các doanh nghiệp. Nhóm ngân hàng đang tiên phong trong mùa báo cáo này với những kết quả khá khả quan từ VCB, BID, CTG, STB... Trên cơ sở dòng tiền vẫn đang có sự cải thiện và chuỗi thông tin đáng mong chờ trong tháng 1 này, chỉ số VN-Index được kỳ vọng sẽ vẫn duy trì xu hướng tích cực, giúp các hoạt động “trading” có nhiều cơ hội hơn so với giai đoạn tháng 12-2023.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới