Chủ Nhật, 12/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chứng khoán 2024 – ngành nào sẽ hút tiền?

Triêu Dương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Hầu hết dự báo tin rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ diễn biến tích cực hơn trong năm 2024, nhờ các nền tảng vĩ mô tiếp tục được cải thiện, chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn nới lỏng. Những ngành nào sẽ hút tiền trong năm nay?

Nhóm ngân hàng là đầu tàu mạnh mẽ nhất kéo VN-Index đi lên, cho thấy những kỳ vọng của nhà đầu tư dành cho nhóm này trong năm nay. Ảnh: LÊ VŨ

Nhóm ngành tăng trưởng

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang mở màn năm 2024 khá tích cực, dù TTCK thế giới, như thị trường Mỹ, đúng như dự báo - đã điều chỉnh trước áp lực chốt lời tại đỉnh cao. Cụ thể, chỉ số VN-Index đã có năm phiên đầu tiên của năm đi lên liên tiếp, với mức tăng gần 2,7%, leo từ vùng 1.130 điểm lên 1.160 điểm tính đến đầu tuần này (8-1-2024).

Dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, khi đây là nhóm được cho rằng sẽ có kết quả kinh doanh năm 2023 tích cực nhưng vẫn đang bị định giá thấp, với chỉ số VN 30 tăng hơn 2,8% trong cùng khoảng thời gian khi đi từ vùng 1.131 điểm lên hơn 1.163 điểm. Nhóm cổ phiếu này chính là động lực chính kéo VN-Index đi lên trong những phiên vừa qua, dẫn đến hiện tượng “xanh vỏ đỏ lòng” xuất hiện trở lại.

Trong đó, nhóm ngân hàng là đầu tàu mạnh mẽ nhất kéo VN-Index đi lên, cho thấy những kỳ vọng của nhà đầu tư dành cho nhóm này trong năm nay. Thống kê cho thấy từ phiên ngày 2-1 đến 8-1, trong 10 cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến mức tăng điểm của VN-Index đã có đến chín cổ phiếu ngân hàng, gồm VCB đóng góp gần 9,2 điểm, BID (+4,4 điểm), CTG (+3,3 điểm), MBB (2,7 điểm), TCB (+2 điểm), ACB (1,4 điểm), VIB (+0,8 điểm), SHB (+0,8 điểm), OCB (+0,7 điểm).

Dù đối mặt với không ít thách thức, các ngân hàng dự kiến tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2023 vừa qua, mà kết quả lợi nhuận dự kiến mới được công bố của một số ngân hàng như VCB, BIDV hay VietinBank đã minh chứng cho kỳ vọng này. Trong năm 2024 này, dù đối mặt với thách thức nợ xấu, ngành ngân hàng có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi tích cực hơn.

Từ đầu năm đến nay, nhóm ngân hàng là đầu tàu mạnh mẽ nhất kéo VN-Index đi lên, cho thấy những kỳ vọng của nhà đầu tư dành cho nhóm này trong năm nay.

Với hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 đã sớm được phân bổ cho các ngân hàng ngay trong ngày cuối năm 2023, đặc biệt định hướng tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm nay vẫn ở mức cao là 15%, các ngân hàng sẽ chủ động hơn trong việc thúc đẩy phát triển kinh doanh ngay từ đầu năm nay. Bên cạnh đó, chi phí vốn của các ngân hàng đang giảm nhanh khi lượng tiền gửi lãi suất cao đáo hạn có thể ảnh hưởng tích cực lên hệ số biên lãi ròng (NIM), cũng như tạo điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay để thúc đẩy tín dụng. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất cũng có thể thúc đẩy tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng tăng trở lại, càng giúp kéo giảm chi phí vốn.

Nhóm ngành tăng trưởng thứ hai cũng được kỳ vọng lớn là cổ phiếu chứng khoán.

Hầu hết dự báo tin rằng TTCK trong năm nay sẽ duy trì xu hướng đi lên tích cực, giao dịch sôi động hơn, đặc biệt là khi hệ thống giao dịch mới KRX được triển khai, vì vậy hoạt động kinh doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) có thể tiếp tục khởi sắc. Triển vọng nâng hạng thị trường vào năm 2025 có thể thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài quay lại mua ròng để đón đầu. Mặt bằng lãi suất thấp sẽ giúp các CTCK có lợi thế tăng cường hoạt động cho vay ký quỹ, nhất là khi thời gian qua các CTCK cũng đã tăng mạnh được vốn điều lệ, đảm bảo nâng cao các tỷ lệ an toàn theo luật định. Nếu hoạt động tự doanh là động lực chính của nhóm chứng khoán trong năm 2023, nguồn thu từ hoạt động cho vay ký quỹ cùng với hoạt động môi giới sẽ đóng góp lớn hơn vào kết quả lợi nhuận của nhóm này trong năm 2024.

Và nhóm hưởng lợi chính sách

Xu hướng chuyển đổi số trong nền kinh tế sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành công nghệ viễn thông tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Chiến lược chuyển đổi số quốc gia đã đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030, theo đó không chỉ các doanh nghiệp mà ngay cả các cơ quan nhà nước cũng đang nỗ lực chuyển đổi để nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Việt Nam cũng đang hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới, mang lại cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

Theo đó, các doanh nghiệp trong nhóm này sẽ có nhiều cơ hội tăng trưởng với các dự án hợp tác lớn hơn và kỳ vọng tiếp tục “ăn nên làm ra”. Theo định hướng phát triển ngành thông tin và truyền thông, tổng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông năm 2024 và 2025 sẽ tăng lên 175 tỉ đô la Mỹ và 185 tỉ đô la Mỹ. Xuất khẩu công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đạt 148 tỉ đô la năm 2024 và đạt 160 tỉ đô la năm 2025. Việt Nam hiện có lợi thế nguồn nhân lực trẻ và chi phí lao động vẫn thấp hơn nhiều quốc gia khác trong ngành còn non trẻ này.

Với việc nâng cấp quan hệ với hàng loạt nền kinh tế phát triển lớn gần đây như Mỹ hay Nhật Bản, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nói chung và dòng vốn vào lĩnh vực công nghệ cao có thể gia tăng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-12-2023 (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 36,6 tỉ đô la, tăng 32,1% so với năm trước.

Việt Nam đang có lợi thế với trữ lượng đất hiếm lên đến 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc, nên khả năng thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu càng lớn.

Theo đó, bất động sản khu công nghiệp cũng là ngành còn nhiều dư địa phát triển trong dài hạn, nhất là khi nguồn cung bị thắt chặt do quy trình đền bù và thủ tục pháp lý trì trệ đã đẩy mặt bằng giá thuê đất khu công nghiệp tiếp tục tăng lên.

Bên cạnh đó, việc đầu tư nâng cao năng lực hạ tầng là nhiệm vụ cần thiết cho nền kinh tế Việt Nam nếu muốn thu hút thêm vốn FDI. Vì vậy, các dự án đầu tư công sẽ cần phải tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2024. Theo đó, nhiều dự án hạ tầng quan trọng dự kiến sẽ khởi công trong năm 2024 giúp tăng tính kết nối liên tỉnh như giai đoạn 1 đường Vành đai 4 TPHCM, trong khi các dự án lớn đang triển khai như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam cần phải tăng tốc nhanh hơn, còn các dự án đường vành đai tại các tỉnh phía Nam cũng được tiếp tục mở rộng và hoàn thiện.

Các dự án đầu tư hạ tầng này giúp kết nối giao thông tốt hơn và không chỉ mang lại lợi ích lớn cho các công ty phát triển bất động sản khu công nghiệp, mà rõ ràng các doanh nghiệp xây dựng hay vật liệu xây dựng cũng sẽ được hưởng lợi, gồm nhóm doanh nghiệp sắt thép, xi măng, cát, đá,... Đặc biệt, do nhóm này thường thâm dụng vốn vay và sử dụng đòn bẩy lớn, nên mặt bằng lãi suất giảm cũng sẽ giúp biên lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này cải thiện tốt hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới