Tính nhân văn trong “Vua thánh triều Lê”
Huy Nguyễn
NSƯT Hữu Châu (Nguyễn Quốc Công – trái) và NSƯT Thành Lộc (vua Lê Thánh Tông – phải ) trong vở "Vua Thánh Triều Lê" - ảnh: Huy Nguyễn |
(TBKTSG Online) - “Vua thánh triều Lê” được xem là phần tiếp theo của vở diễn “Bí mật vườn Lệ Chi” sẽ chính thức công diễn vào ngày 28-7-2012 tại Nhà hát Bến Thành.
Nếu màu sắc trong câu chuyện “Bí mật vườn Lệ Chi” là nỗi buồn ai oán bởi số phận oan khuất của Nguyễn Trãi, thì trong “Vua thánh triều Lê” là sự đấu tranh mạnh mẽ của vua Lê Thánh Tông trước đám gian thần thủ cựu nhằm minh oan cho bậc đại công thần này.
Được biết tác giả Lê Duy Hạnh đã viết vở kịch này trong thời gian khá dài. Sau đó, phải mất một năm chỉnh sửa và bổ sung, vở diễn mới có thể đưa lên sàn tập. Qua ngòi bút của Lê Duy Hạnh từng trang sử cũ của một triều đại đã được tái hiện. Ở đó, hoàng hậu Nguyễn Thị Anh đã âm mưu giết vua và vu oan cho Nguyễn Trãi nhằm cũng cố ngôi vị hoàng đế cho con trai Bội Cơ, còn tiệp dư Ngọc Giao và hoàng tử Lê Tư Thành là những con người thông minh nhưng hiền lành – họ không phải là đối thủ đe dọa chiếm doạt ngai vàng.
Chính vì vậy, Lê Tư Thành đã được hoàng hậu Nguyễn Thị Anh bảo bọc như con trai ruột. Đây chính là cơ hội để ông trở thành vua sau khi thái tử Bội Cơ và hoàng hậu Nguyễn Thị Anh bị ám sát. Trong vở diễn, tác giả đã làm rõ đức tính chung thủy của hoàng tử Lê Tư Thành sau khi trở thành vua Lê Thánh Tông qua màn đối thoại giữa ông và linh hồn của hoàng hậu Nguyễn Thị Anh. Lớp diễn này giúp cho người xem hiểu rõ rằng ông vừa tri ân người đã bảo bọc mình, vừa căm giận người ấy vì đã giết tiên đế và giết cả 3 đời nhà đại thần Nguyễn Trãi.
Đó chính là động lực để Lê Thánh Tông minh oan cho một vị quan trung thành và lỗi lạc. Để tạo nên xung đột kịch, tác giả Lê Duy Hạnh đã hư cấu nhân vật Nguyễn Quốc Công. Chính vị quan có quyền lực tối thượng này là đại diện cho nhóm gian thần muốn triệt tiêu tinh thần của Nguyễn Trãi nhằm thao túng quyền lực đằng sau đức vua. Tuy nhiên, sự anh minh của vua Lê Thánh Tông thôi thúc ông phải có trách nhiệm làm rõ sự thật. Bởi vì, tinh thần của Nguyễn Trãi chính là rường cột để giữ gìn đạo lý và nền tảng của sự ổn định xã hội.
Hành động minh oan cho người có công với đất nước chứng minh giá trị nhân văn trong con người vua Lê Thánh Tông. Không dừng lại ở đó, tác giả đã lồng vào câu chuyện lịch sử ấy một tình huống thấm đẫm tính thời sự qua hình ảnh các vị quan tham vơ vét tài sản của dân chúng. Một chi tiết rất đắt trong vở diễn là lúc vua Lê Thánh Tông dạy quần thần thế nào là vương đạo và thế nào là bá đạo. Vở kịch nói đến chuyện xưa nhưng người xem thấy phảng phất những gì đang diễn ra trong hiện tại.
Đạo diễn Vũ Minh thực sự đã làm cho câu chuyện trở nên sinh động và tạo hiệu ứng mạnh cho người xem qua cảnh trí sân khấu. Anh đã xây dựng phông nền sân khấu hình ảnh một quyển sách sử. Trong quyển sách ấy người xem đọc rõ chữ oan vào thời điểm vua Lê Thánh Tông đang đấu tranh giành lại sự công bằng cho Nguyễn Trãi. Đến khi nỗi oan ấy đã được giải thì chữ oan được thay bằng bốn chữ “Bình Ngô đại cáo”. Chi tiết này cho khán giả cảm nhận rõ tinh thần trung quân ái quốc của Nguyễn Trãi đã tái hiện.
Xử lý ánh sáng cũng là thế mạnh của Vũ Minh. Màu sắc sân khấu tươi sáng trong mỗi lớp diễn của vua Lê Thánh Tông thể hiện rõ đức tính thông minh và nhân ái của nhà vua. Ở lớp diễn đề cập đến Nguyễn Trãi thì màu sắc u tối bao trùm khiến cho nỗi oan của ông trở nên vô cùng nặng nề và ai oán. Phục trang đẹp cũng tạo nên sức hấp dẫn về mặt nhìn.
Một điều không thể bỏ sót trong “Vua thánh triều Lê” chính là sự ăn ý và tung hứng của bộ đôi NSƯT Thành Lộc (Lê Thánh Tông) và NSƯT Hữu Châu (Nguyễn Quốc Công). Nhìn cách họ thể hiện nhiều người đồng tình, họ không diễn mà đã thực sự sống với nhân vật. Đặc biệt, trong màn đấu lý xem ai đúng trong đạo làm người, Thành Lộc thực sự trở thành hình ảnh một vì vua thánh thiện, còn Hữu Châu trong từng cái trợn mắt, lối đi và dáng đứng đã hóa thân thành một gã gian thần đầy mưu tính.