(KTSG Online) - Chưa hết khó với sức mua ở thị trường quốc tế suy giảm, doanh nghiệp xuất khẩu giờ đây còn đối diện với thách thức mới khi cước tàu biển tăng vọt do tình trạng mất an ninh tại khu vực Biển Đỏ.
Giá cước vận tải qua Biển Đỏ được ghi nhận tăng hơn gấp đôi so với tháng 12-2023, trong đó tuyến đường thương mại Á - Âu chịu ảnh hưởng nặng nhất.
- Cước tàu biển ‘nhảy vọt’ ảnh hưởng doanh nghiệp xuất khẩu nông, thuỷ sản ra sao?
- Chi phí logistics nông sản Việt Nam đang cao hơn các nước trong khu vực
"Sốc" với giá cước tăng vọt
Mới phục hồi được từ 30% - 40% đơn hàng xuất khẩu đi thị trường châu Âu sau hơn 1 năm khó khăn, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Viet Products giờ đây tiếp tục lo lắng về việc nhà nhập khẩu sẽ ngưng nhận hàng hóa.
"Do cước phí vận tải biển tăng nhanh chóng từ 100 - 150% nên các khách hàng ở khu vực châu Âu như Đức, Thụy Điển, Đan Mạch... đã đề nghị chúng tôi tạm dừng xuất hàng. Thị trường vừa chớm phục hồi, nay phải lại chịu thêm sức ép từ cươc tàu biển. Với tình hình này, chưa rõ khi nào khách hàng tiếp nhận hàng hóa trở lại trong khi nguồn lực của doanh nghiệp cũng cạn dần", ông nói.
Trong khi đó, Phúc Sinh Group, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu Việt Nam cho biết, trung bình mỗi ngày, Phúc Sinh xuất 5 - 10 container hàng hóa. Tuy nhiên, từ khi xảy ra căng thẳng ở biển Đỏ, cước tàu biển tăng quá nhanh khiến hoạt động xuất khẩu cà phê, hồ tiêu và các mặt hàng gia vị của doanh nghiệp này bị đình trệ và sụt giảm nhiều.
Theo doanh nghiệp này, hiện cước tàu biển từ Việt Nam đi Mỹ tăng hơn 100% tức từ gần 2.000 lên 4.500 - 5.000 đô la Mỹ/container; đi đến khu vực Trung Đông, cụ thể là Israel tăng hơn 200%, từ 1.800 lên 6.000 - 7.000 đô la/container. Đáng chú ý là hàng hóa từ Việt Nam đến thị trường EU tăng từ mức 600 lên 4.000 đô la/container.
Nhận định về vấn đề giá cước tăng "sốc", ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho rằng, hầu hết doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, đáng lo nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ bởi rất khó xoay sở hơn với các hợp đồng đã ký.
"Hiện nay, Phúc Sinh cũng đang ảnh hưởng bởi giá cà phê nguyên liệu đã tăng cao, nay cước phí cũng theo đà tăng lên. Không biết doanh nghiệp sẽ chấp nhận tình trạng này được bao lâu để duy trì các hợp đồng", Chủ tịch Phúc Sinh Group chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành nghề khác cũng đang lo lắng khi vừa trải qua hơn một năm kinh doanh rất khó khăn đã phải phải đối mặt với thách thức mới. Thủy sản, dệt may, nông sản, da giày... là những ngành đang gánh chịu tác động nặng nề của cước tàu biển tăng.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây cũng có công văn gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về tác động của tình hình phát sinh tại khu vực biển Đỏ đến các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản. Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội VASEP, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ thêm nhiều khó khăn khi cước tàu biển bắt đầu tăng mạnh.
Thêm nỗi lo ngoài giá cước
Kể từ tháng 1-2024, một loạt hãng tàu đã thông báo tăng giá cước vận chuyển đi Mỹ, EU và các nước. Nguyên nhân do căng thẳng tại Biển Đỏ ảnh hưởng đến an toàn và đường vận tải của nhiều hãng tàu, nên họ buộc phải thay đổi hành trình, dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn, chi phí tăng lên
Nếu tình trạng này kéo dài nhiều doanh nghiệp lo ngại, giá cước vận tải biển sẽ tiếp tục tăng và có thể lên mức như hồi dịch Covid-19 (trên 20.000 đô la/container). Điều đáng lo nữa là, đối tác của châu Âu sẽ tính đến phương án tìm nhà cung cấp thay thế mà không phải đi qua khu vực Biển Đỏ, đồng nghĩa các doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ mất đơn hàng.
Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco) cho biết, doanh nghiệp có một số đơn hàng phải vận chuyển qua khu vực Biển Đỏ nên gần đây đã nhận được thông báo tăng giá cước từ một số hãng tàu biển. Mức tăng từ 200-500 container/container với thời gian áp dụng từ ngày 1-1-2024.
"Giá cước chỉ tăng ở một số tuyến nhưng chúng tôi lo lắng sự cố này sẽ tạo thành hiệu ứng domino lên tất cả các chuyến khác cũng như cả ngành logistics. Đó là chưa kể nhiều chi phí khác cũng gia tăng, khiến doanh nghiệp khó chồng thêm khó”, ông Trần Quốc Mạnh nói.
Tương tự, theo đại diện VASEP, cước tàu biển tăng sẽ là thách thức mới cho doanh nghiệp thủy sản trong năm 2024. Nếu căng thẳng tại biển Đỏ tiếp diễn hoặc leo thang, có thể dẫn đến hệ lụy là chi phí vận tải tăng, giá sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Điều này có thể làm ảnh hưởng tới sức cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Hay với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi, áp lực không đơn thuần là chuyện giá mà rủi ro đến từ việc thời gian giao hàng bị kéo dài. Đại diện công ty TNHH Ant Farm cho biết, hợp đồng đã ký, khách hàng có thể thông cảm khi tàu đến chậm nhưng chất lượng sẽ không rõ thế nào. Điều này có thể ảnh hưởng đến các đơn hàng sau.
Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, việc giá cước vận tải qua Biển Đỏ tăng hơn gấp đôi so với tháng cuối cùng năm 2023, trong đó tuyến đường thương mại Á - Âu chịu ảnh hưởng nặng nhất khiến thế giới lo lắng.
Hãng tin dẫn lời Rahul Sharan, quản lý cấp cao tại Công ty nghiên cứu thị trường Drewry (Anh) cho rằng, sự thay đổi hải trình không chỉ làm tăng thời gian đi biển thêm 10 đến 14 ngày, mà còn làm tăng thêm chi phí nhiên liệu. Do đó, các hãng vận chuyển đã áp thêm các phụ phí để bù vào chi phí phải bổ sung.
"Chí phí bảo hiểm rủi ro chiến tranh đã tăng gấp đôi trong tuần qua và chúng tôi dự kiến nó sẽ còn tăng hơn nữa", The National News dẫn lời của ông Sharan.
Giới phân tích cho rằng nếu không được kiểm soát, tình hình an ninh ngày càng xấu đi sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Các chuyến hàng sẽ bị chậm trễ do thời gian vận chuyển kéo dài, trong khi chi phí đối với hoạt động vận chuyển năng lượng và hàng hóa phi năng lượng giữa châu Âu, Trung Đông và châu Á sẽ tăng cao.
Có 80% lượng hàng hóa đi bờ Đông nước Mỹ/Canada và EU đều qua kênh đào Suez. Do xung đột Hamas - Israel, lực lượng chính trị - quân sự Houthi ở Yemen tấn công các tàu bị cho là liên quan Israel khi đi vào biển Đỏ. Vì thế, các hãng tàu phải vòng qua mũi Hảo Vọng (Nam Phi), hành trình mất thêm 7 - 10 ngày, dẫn đến vòng quay của con tàu lâu hơn, phát sinh chi phí vận tải nhiều hơn (vòng quay 1 chuyến tàu mất khoảng 2 tuần). Một số tuyến vận tải phải cắt bỏ chuyến hàng hằng tuần dẫn đến thiếu chỗ hoặc đưa thêm tàu vào khai thác làm tăng thêm chi phí.