Chủ Nhật, 20/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng đối diện thách thức về tinh chỉnh hoạt động

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chất lượng tài sản, cách thức quản trị, chỉ số an toàn, xử lý các ngân hàng yếu kém là những trọng điểm hướng đến trong việc điều chỉnh quy định pháp lý hoạt động các tổ chức tín dụng trong năm 2024.

Trong năm 2023, cơ quan quản lý ban hành rất nhiều văn bản quy định hoạt động của ngành với nhiều thay đổi. Trong số những thông tư đã có hiệu lực, cũng có những thông tư hoãn thi hành một số quy định trong thông tư khác, nhằm kích cầu tín dụng, kiểm soát nợ xấu và hỗ trợ thị trường bất động sản.

Trong cuộc họp đầu năm 2024, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng nhấn mạnh năm nay ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có sự thay đổi lớn để bắt kịp với xu hướng mới, đồng bộ quy định ở nhiều lĩnh vực.

NHNN đang điều chỉnh khá nhiều chính sách, quy định hoạt động trong ngành. Ảnh: N.K

Kỳ vọng thông qua Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi

Sau khi được đưa ra tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra tháng 11-2023 vừa qua, câu chuyện sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tiếp theo. Sau đó NHNN sẽ xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi này.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi một số điều vào năm 2017, đã tạo nền móng vững chắc cho hoạt động TCTD (không chỉ liên quan đến ngân hàng mà còn các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô), tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế cần được bổ sung.

Chẳng hạn, có một số quy định trong việc tổ chức, quản trị, điều hành và hoạt động nghiệp vụ, còn gặp vướng mắc hoặc chưa đồng bộ với các văn bản luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước, Luật Hợp tác xã,… Tương tự, các hoạt động của TCTD như ngân quỹ, giao đại lý thanh toán, quy định về thư tín dụng (L/C), các quan hệ giao dịch giữa các TCTD với nhau,…cũng phát sinh nhiều vấn đề mà giai đoạn xây dựng bộ Luật đầu tiên chưa bao quát hết.

Một trong những vấn đề lớn được nhắc đến trong lần sửa đổi này là tăng cường kiểm soát chất lượng quản trị, như minh bạch hóa sở hữu cổ phần, hạn chế tình trạng thao túng TCTD, xử lý và kiểm soát các TCTD yếu kém. Luật cũng sẽ tiếp tục tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu, kế thừa tinh thần của Nghị quyết số 42 Quốc hội thông qua năm 2017.

Xem xét gia hạn Thông tư 02 tái cơ cấu nợ

Có hiệu lực từ 24-4-2023 đến 30-6-2024, Thông tư này quy định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tại các nhà băng. Thông tin từ NHNN cho biết sau 8 tháng triển khai, đã có trên 171.000 tỉ đồng nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ (bao gồm cả gốc và lãi).

Tại buổi họp báo đầu năm, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ có báo cáo tổng hợp, đề xuất việc gia hạn nếu cần thiết, gửi Thủ tướng Chính phủ ba tháng trước khi Thông tư hết hiệu lực.

Các chuyên gia đánh giá Thông tư này góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Mặc dù giữ quan điểm gia hạn để tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn cho thị trường, doanh nghiệp, nhưng NHNN cũng nhấn mạnh rằng các TCTD cũng vẫn phải đảm bảo kiểm soát thực chất các khoản hỗ trợ, không phản ánh đúng tình trạng nợ nhằm đảm bảo an toàn tài chính.

Bàn lại câu chuyện của vàng miếng

Lãnh đạo NHNN cho biết đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng với Nghị định 24 của Chính phủ ban hành năm 2012. Mục tiêu đặt ra khi đó là chống vàng hóa, không để ảnh hưởng đến câu chuyện vĩ mô, bao gồm cả lãi suất.

Quan điểm NHNN là không “bảo hộ” giá vàng miếng thương hiệu SJC, nhưng cũng “không thể chấp nhận” mức chênh lệch giá lên tới 20 triệu đồng so với vàng thế giới. Thời gian báo cáo dự kiến ngay trong tháng 1-2024.

Trong tuần đầu tháng 1, NHNN cũng ban hành Quyết định 02, sửa đổi, bổ sung Quyết định 1623 ban hành tháng 8-2012, về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN.

Hoàn thiện Thông tư 06 có nhiều tranh cãi

Ban hành 28-6-2023, Thông tư 06 sửa đổi Thông tư 39/2016 về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, trong đó bổ sung 4 nhu cầu vốn không được cho vay.

Thông tư này có nhiều tranh cãi, đặc biệt là từ giới bất động sản. Sau đó, NHNN đã ban hành Thông tư 10/2023 vào tháng 8-2023, ngưng hiệu lực thi hành của 3/4 nhu cầu vốn không được cho vay trên, thời gian áp dụng cho đến khi có quy định mới.

Hầu hết các chuyên gia đánh giá các quy định trên sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng tiền vay và đầu tư. Chẳng hạn như quy định ngân hàng không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp, hay không cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh, vào những dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay.

“Chưa đủ điều kiện kinh doanh” là câu nói gây nhiều tranh cãi. Từ phía góc nhìn của cơ quan quản lý, việc siết lại các dự án bất động sản rủi ro cao là một điều chỉnh pháp lý phù hợp với quan điểm quản trị rủi ro đứng từ góc độ ngân hàng, nhưng đồng thời ảnh hưởng đến cả những doanh nghiệp, dự án, khách hàng tốt.

Sửa hàng loạt quy định liên quan đến an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng và ngành

Năm 2023 được xem là năm có rất nhiều quy định mới trong việc quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng. Chẳng hạn như quy định phải báo cáo những giao dịch có giá trị lớn, hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền; quy định về hoạt động thông tin tín dụng; quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ, bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai;…

Đáng chú ý trong đó có một số quy định liên quan trực tiếp đến chỉ số an toàn hoạt động của ngành, tháo gỡ khó khăn thị trường và được nhắc đến nhiều. Chẳng hạn như lộ trình giảm tỷ lệ vay vốn ngắn hạn cho vay dài hạn (theo Thông tư 08/2020), điều chỉnh cách tính tỷ lệ LDR ở một số Ngân hàng thương mại quốc doanh (Thông tư 26/2022); cho phép ngân hàng được quyền mua trái phiếu doanh nghiệp (Thông tư 03/2023).

Cuối tháng 12, NHNN cũng vừa ban hành Thông tư 22/2023, sửa đổi bổ sung một số điều Thông tư 41/2016. Thông tư này đặc biệt quan trọng vì quy định tỷ lệ an toàn vốn hoạt động, trong đó đáng chú ý là sửa đổi, bổ sung liên quan đến cách tính rủi ro của các khoản vay thế chấp nhà, bổ sung khái niệm khoản vay để mua nhà ở xã hội, mua nhà ở theo các chương trình, dự án hỗ trợ của Chính phủ. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới