Thứ hai, 4/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Giá uranium tăng lên mức cao nhất trong 16 năm

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Onine) - Uranium, nhiên liệu của ngành điện hạt nhân, tăng giá lên mức cao nhất trong 16 năm sau khi Kazatomprom, công ty sản xuất uranium lớn nhất thế giới, cảnh báo không đạt được mục tiêu sản lượng.

Một công nhân của Kazatomprom kiểm tra mức độ phóng xạ của uranium oxide tại mỏ uranium East Mynkuduk PV-19 ở miền nam Kazakhstan. Ành: Reuters

Trong phiên giao dịch hôm 11-1, giá uranium giao ngay ở mức 97,45 đô la Mỹ/pound (0,453 kg) sau khi tăng gấp đôi trong năm 2023. Mức giá này chỉ thấp hơn mức giá ba con số của uranimum vào năm 2007.

Giá tăng sau khi Kazatomprom, công ty khai khoáng do nhà nước kiểm soát ở Kazakhstan, cho biết tình trạng thiếu hụt acid sulfuric và trì hoãn xây dựng ở mỏ uranium mới phát triển có thể kéo dài đến năm 2025. Acid sulfuric được sử dụng để chiết xuất uranium từ quặng thô nhờ chi phí thấp và hiệu quả đối với các loại quặng uranum khác nhau.

Kazatomprom, sản xuất hơn 1/5 sản lượng uranum toàn cầu, cảnh báo sản lượng trong năm nay sẽ thấp hơn dự kiến do thiếu acid sulfuric. Công ty nói thêm rằng kế hoạch sản xuất trong năm tới cũng có thể bị ảnh hưởng.

“Nếu khả năng tiếp cận acid sulfuric bị hạn chế tiếp tục trong suốt năm nay và nếu công ty đạt tiến độ xây dựng tại các mỏ mới phát triển vào năm 2024, kế hoạch sản xuất năm 2025 của Kazatomprom cũng có thể bị ảnh hưởng”, công ty cho biết trong một tuyên bố hôm 11-1.

Những thách thức sản xuất đối với Kazatomprom có thể tạo thêm động lực tăng giá cho uranium. “Việc Kazatomprom đang giảm bớt kỳ vọng tăng trưởng càng cho thấy một thị trường tăng giá và thắt chặt”. Robert Crayfourd, nhà quản lý danh mục đầu tư của quỹ Geiger Counter của Công ty quản lý tài sản CQS, bình luận.

Nguồn cung uranium tăng vọt trong những năm gần đây nhờ sự quan tâm trở lại của các chính phủ đối với năng lượng hạt nhân carbon thấp. Các nước phương Tây đang kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy hạt nhân. Đầu tuần này, Công ty năng lượng EDF Energy ở Anh công bố kế hoạch trì hoãn việc đóng cửa bốn lò phản ứng. Trong khi Trung Quốc và các nước khác đang chạy đua xây dựng các lò phản ứng mới.

Giá uranium tăng cao là sự đảo ngược hoàn toàn tình trạng dư cung kéo dài hàng thập niên sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản vào 2011 khiến toàn cầu phải giảm sử dụng năng lượng hạt nhân.

Uranium chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng chi phí cho năng lượng hạt nhân do việc xây dựng các lò phản ứng rất tốn kém. Điều đó có nghĩa là mối quan tâm của các công ty điện lực không phải giá cả và mà sự sẵn có của nhiên liệu hạt nhân. Họ đang cạnh tranh mua uranium với các quỹ phòng hộ, vốn đang đẩy mạnh đầu tư vào nhiên liệu này để tận dụng cơ hội từ sự chuyển đổi sang năng lượng xanh hơn của nhiều nước.

“Hiện tại không có nhiều uranium để bán. Ngay cả các nhà sản xuất cũng mua nhiên liệu này”. Nick Lawson, CEO của Ocean Wall, một công ty đầu tư, nói khi đề cập đến việc các công ty khai khoáng mua nguồn cung uranium để đáp ứng các hợp đồng đã ký kết". Ông cho biết các nhà sản xuất điện hạt nhân cũng đang cạnh tranh với các quỹ phòng hộ để từng uranium.

Kazakhstan là cường quốc toàn cầu về sản xuất uranium, tạo ra 43% nguồn cung toàn cầu chủ yếu thông qua Kazatomprom. Nhưng các công ty điện lực phương Tây ngày càng lo ngại về nguồn cung uranium nằm trong phạm vi kiểm soát của Nga và Trung Quốc.

Sau nhiều năm thăng trầm với điện hạt nhân, thế giới đã đi đến kết luận rằng loại năng lượng sạch này là cách tốt nhất để đạt được các mục tiêu xã hội rộng lớn: bảo vệ môi trường, loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và cung cấp điện cho giao thông vận tải và công nghiệp. Tất nhiên, năng lượng hạt nhân chưa bao giờ thực sự lỗi thời và đang cung cấp gần 20% nhu cầu điện của Mỹ, 25% nhu cầu điện của châu Âu, và lên đến mức 68% ở Pháp.

Cổ phiếu của các công ty khai thác uranium tăng mạnh trong tuần này sau thông báo từ Anh và Mỹ về kế hoạch đầu tư lần lượt 300 triệu bảng Anh và 500 triệu đô la Mỹ để tăng cường sản xuất nhiên liệu uranium mác cao và có độ làm giàu thấp (HALEU). Nhiên liệu này, rất quan trọng để triển khai các lò phản ứng mô-đun nhỏ, hiện chỉ được sản xuất thương mại ở Nga.

Giá uranium tăng giữa lúc 24 nước, bao gồm Mỹ, Nhật Bản Canada, Anh và Pháp, cam kết vào tháng trước tại hội nghị khí hậu COP28 của Liên hợp quốc rằng họ sẽ tăng gấp ba lần công suất năng lượng hạt nhân vào năm 2050.

Trung Quốc, nước không nằm trong cam kết đó, vẫn dẫn đầu toàn cầu về hoạt động xây dựng nhà máy điện hạt nhân, với kế hoạch tăng gần gấp đôi công suất lên 100 gigawatt (GW) vào cuối thập niên này. Trung Quốc chiếm 22 trong số 58 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng trên toàn thế giới.

Luật mới ở Mỹ cũng có thể tác động đến giá uranium, thậm chí sớm hơn các yếu tố khác. Để giảm sự phụ thuộc vào Nga, nước cung cấp hơn 20% sản lượng uranium của toàn cầu, hồi tháng 12, Quốc hội Mỹ đã thông một đạo luật đòi hỏi đến năm 2027 Mỹ phải cung cấp một phần nhiên liệu hạt nhân trong nước. Đạo luật yêu cầu 20 tấn nhiên liệu HALEU phải dựa vào các nguồn cung trong nước vào cuối năm 2027.

Trong tuần qua, hai ngân hàng Bank of America và Berenberg Bank nhận định tình trạng thắt chặt thị trường uranium có thể đẩy giá vượt 100 đô la/pound trong những ngày tới.

Theo Mining, Blomberg, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới