Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Điện hạt nhân sáng giá giữa cuộc khủng hoảng năng lượng

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau khi thoát ra khỏi tình trạng phá sản cách đây 4 năm, Công ty thiết bị và công nghệ năng lượng hạt nhân Westinghouse Electric (Mỹ) vừa được hai công ty của Canada mua lại với giá 7,9 tỉ đô la Mỹ. Thương vụ được chốt vào hôm 11-10 giữa lúc cuộc khủng hoảng năng lượng do tác động của cuộc chiến tranh ở Ukraine thúc đẩy mối quan tâm mới trong một ngành công nghiệp điện sạch vốn không còn được nhà đầu tư ưa chuộng.

Công nghệ và thiết bị của Westinghouse được sử dụng ở một nửa trong tổng số 440 lò phản ứng hạt nhân trên thế giới. Ảnh: Getty

Brookfield Renewable Partners, một trong những nhà đầu tư năng lượng sạch lớn nhất thế giới và Cameco, nhà cung cấp nhiên liệu uranium, quyết định thâu tóm toàn bộ cổ phần của Westinghouse Electric từ Công ty Brookfield Business, khi họ đặt cược rằng những lo ngại về khí hậu và an ninh năng lượng sẽ làm hồi sinh ngành điện hạt nhân.

Brookfield Renewable Partners sẽ mua 51% cổ phần của Westinghouse với giá 2,3 tỉ đô la Mỹ, còn Cameco sẽ mua 49% cổ phần còn lại với giá 2,2 tỉ đô la Mỹ. Nếu tính cả khoản nợ 3,4 tỉ đô la Mỹ hiện tại trong bảng cân đối kế toán của Westinghouse, hai công ty có trụ sở ở Canada này đang định giá Westinghouse ở mức 7,9 tỉ đô la Mỹ.

Công ty Westinghouse, thuộc sở hữu của Toshiba (Nhật Bản), đã rơi vào tình trạng phá sản vào năm 2017 do các khoản nợ xấu. Một năm sau đó, Brookfield Business mua lại Westinghouse với giá 4,6 tỉ đô la Mỹ như là một phần của chương trình tái cấu trúc.

Công nghệ và thiết bị của Westinghouse được sử dụng ở một nửa trong tổng số 440 lò phản ứng hạt nhân trên thế giới.

Tim Gitzel, Giám đốc điều hành Cameco, nói: “Chúng tôi đang chứng kiến một số yếu tố cơ bản tốt nhất của thị trường trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Nguồn năng lượng sạch này ngày càng trở nên quan trọng trong một thế giới ưu tiên điện khí hóa, phi carbon và an ninh năng lượng.”

Cameco cũng thông báo bán cổ phiếu trị giá 650 triệu đô la Mỹ để huy động tài chính cho thương vụ.

Cho đến gần đây, các nhà hoạch định chính sách phương Tây vẫn tránh xa việc phát triển các nhà máy hạt nhân quy mô lớn mới vì lo ngại về an toàn và chi phí lớn cũng như tiến độ hoàn thành thường bị chậm trễ. Nhưng tính cấp bách trong nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đã đưa năng lượng hạt nhân trở lại tâm điểm của sự chú ý, vì nó có thể cung cấp năng lượng không phát thải carbon 24 giờ mỗi ngày, bất kể thời tiết ra sao.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng công suất điện hạt nhân toàn cầu cần phải tăng gấp đôi vào năm 2050 để đạt được mục tiêu đưa phát thải carbon về mức zero ròng.

Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine càng làm tăng mối quan tâm đối với năng lượng hạt nhân khi các nước gấp rút tìm kiếm sự thay thế đáng tin cậy cho dầu và khí đốt của Nga.

Các nỗ lực của châu Âu nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu của Nga đã làm thay đổi thái độ đối với điện hạt nhân. Đã xảy ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc loại bỏ điện hạt nhân ở Đức trong năm nay, trong khi đó, Pháp tuyên bố sẽ xây dựng 14 lò phản ứng hạt nhân mới vào năm 2050.

Trong ngắn hạn, Westinghouse có thể hưởng lợi từ các nỗ lực thúc đẩy việc thay thế các nhà cung cấp ở hơn 30 lò phản ứng của phương Tây đang vận hành dựa vào công nghệ của Nga. Westinghouse đã tìm kiếm sự cấp phép nhanh chóng để cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng hạt nhân ở các nước bao gồm Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Bulgaria và Phần Lan. Các nhà máy điện hạt nhân ở những nước này được xây dựng dựa trên thiết kế của Nga và đang sử dụng nhiên liệu hạt nhân của Nga. Trong nhiều trường hợp, Công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom của Nga là nhà cung cấp được cấp phép duy nhất của họ. Cho đến nay, Rosatom được miễn trừ khỏi các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Thương vụ nói trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà đầu tư lớn và chính phủ xem năng lượng hạt nhân là nhân tố quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trong khi một số tổ chức vận động năng lượng sạch tiếp tục kêu gọi chấm dứt năng lượng hạt nhân, nhiều ý kiến khác cho rằng việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch khỏi lưới điện mà không cần sự hỗ trợ của năng lượng hạt nhân sẽ là thách thức lớn.

Cameco, nhà khai thác uranium lớn nhất Bắc Mỹ, đã vật lộn trong nhiều năm sau thảm họa rò rỉ phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản, dẫn đến việc đóng cửa hầu hết các lò phản ứng hạt nhân ở nước này, cũng như khiến các nước khác xem xét lại năng lượng hạt nhân. Cổ phiếu của Cameco đã tăng khoảng 185% kể từ đầu năm 2020 sau khi nhu cầu uranium phục hồi. Việc mua cổ phần của Westinghouse sẽ giúp Cameco tiếp cận trực tiếp hơn với các khách hàng cần nhiên liệu uranium của mình.

Westinghouse được thành lập vào năm 1886 bởi doanh nhân, kỹ sư người Mỹ George Westinghouse. Công ty này từng là một trong những thương hiệu mang tính biểu tượng của Mỹ, với danh mục đầu tư công nghiệp cạnh tranh với General Electric.

Theo Financial Times, WSJ, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới