Thứ sáu, 29/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Một cửa mà nhiều lớp cổng

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau mấy ngày ngược xuôi, tất bật với các loại giấy tờ để đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch, tôi cũng hoàn tất các thủ tục và nộp hồ sơ vào buổi sáng. Chiều tối về tới nhà, tôi nhận được tin nhắn MOTCUATPHCM trên điện thoại với nội dung: “He thong Mot cua dien tu Chao Ong/Ba:………, ho so cua Ong/Ba co ma so ho so:……… da duoc he thong mot cua tiep nhan. Ho so dang duoc chuyen den Don vi: So Du Lich - Uy ban nhan dan Thanh pho xu ly. Tao moi ho so. Ho so……… cua Ong (Ba) vua duoc chuyen buoc Tiep nhan xu ly ly do: Tra cuu ho so tai https://dichvucong.hochiminhcity.gov.vn/vi/dossier/public”.

Đọc tin nhắn xong, tôi không nén được tiếng thở dài, nghĩ thủ tục MOTCUA nhưng sao phải đi qua quá nhiều cổng?

Sau ba ngày tham dự lớp “Cập nhật kiến thức”, tôi và các đồng nghiệp phải lên Sở Du lịch TPHCM để lấy “Đơn đề nghị” đổi thẻ và “Giấy chứng nhận khóa cập nhật kiến thức”. Về khai “Sơ yếu lý lịch”, đến phường đang cư ngụ để xác nhận nhân thân. Sau đó đi chụp ảnh, đến Trung tâm Y tế quận để hoàn thành tờ giấy “Khám sức khỏe”. Không được nộp bản chính nên tôi phải đi photocopy và công chứng Giấy chứng nhận khóa cập nhật kiến thức nói trên. Có đủ hết các loại giấy tờ thì mới làm xong bộ hồ sơ xin đổi thẻ, kèm thẻ hướng dẫn viên đã hết hạn.

Nếu việc lập bộ hồ sơ này được thuận buồm xuôi gió thì mất trung bình một tuần lễ, bao gồm ba ngày đi học, một buổi khai và xác nhận sơ yếu lý lịch, một buổi khám sức khỏe, một buổi đi photo và công chứng giấy chứng nhận, một buổi đi nhận, một buổi đi nộp hồ sơ. Không may, có khi phải thêm một buổi chờ vì phường xã hẹn hôm sau mới trả hồ sơ. Khổ nhất là các đồng nghiệp ở các tỉnh, phải về quê xác nhận.

Tôi nghĩ, việc đổi thẻ hết hạn cho một người làm hướng dẫn viên du lịch và có thể là các loại thẻ ngành tương tự khác sao có thể phức tạp như vậy. Bản thân tôi đã lên Sở Du lịch để hỏi thì được trả lời vì “ở trên quy định vậy, không thể làm khác”, tôi hỏi bên Cục Du lịch thì được hứa: “Sẽ xem lại”.

Việc đăng ký học “cập nhật kiến thức” trong ba ngày là một thủ tục bắt buộc mới cho đổi thẻ mới thì vì sao không gửi qua Zalo bộ hồ sơ cần thiết cho việc đổi thẻ này? Bởi đây cũng là một phần trong thủ tục đổi thẻ. Ngoài ra, các hướng dẫn viên đều có hồ sơ lưu trữ, sao không truy xuất mà phải khai sơ yếu lý lịch mới, có phường xã nơi thường trú xác nhận? Yêu cầu có Giấy khám sức khỏe chỉ nên dành cho các hướng dẫn viên làm việc tự do thay vì áp dụng cho tất cả các hướng dẫn viên cơ hữu của các công ty du lịch, trừ khi là trong mùa dịch. Việc cấp giấy chứng nhận khóa học cũng thành không cần thiết bởi người học đã có tên trong danh sách lớp, được điểm danh từng buổi học. Càng phi lý hơn khi buộc phải sao y chứng thực giấy này khi nộp hồ sơ - như một căn cứ cấp thẻ tạm để hành nghề do thẻ hết hạn đã bị thu hồi và chờ cấp thẻ mới. Tuy nhiên, thẻ tạm chỉ dùng trong vòng 10 ngày chờ cấp thẻ mới theo quy định.

Lớp “Cập nhật kiến thức” ba ngày thực ra chỉ cần gom lại trong một ngày học tập trung. Trước đó, học viên đăng ký học sẽ đọc trước tài liệu được gửi qua Zalo, giáo viên chỉ đến lớp tập trung trao đổi, giải đáp thêm. Thông tin, kiến thức cập nhật này thường do lực lượng “Thay mặt công ty và ngành du lịch” nội địa và “Đại điện đất nước trên tour” (quốc tế) soạn thảo nên buộc phải chuẩn, chỉnh từng nội dung, từng số liệu và được chuyển tải qua Internet, không tốn giấy, tốn công hay tiền in ấn, tổ chức buổi học.

Hàng chục năm nay, các Trung tâm Chuyển đổi đô thị UTC (Urban Transformation Center - UTC) ở Malaysia giúp người dân làm hàng chục giấy tờ liên quan đến từng người dân trong vòng một giờ đồng hồ mà họ không cần ra khỏi nhà. Dù rằng quá trình chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam đang diễn ra, chưa biết bao giờ có UTC nhưng vẫn có thể đơn giản hóa các thủ tục, chỉ cần gỡ bỏ các loại giấy không cần thiết thì đã giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm được biết bao nhiêu thời gian, ngày công.

Thủ tục đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch là chuyện rất nhỏ nhưng bộc lộ quá nhiều điểm bất cập về thủ tục cũng như cách làm lạc hậu cần thay đổi.

2 BÌNH LUẬN

  1. Năm mới, cần phải thay đổi toàn diện. Năm 2023, NÓI về CHUYỂN ĐỔI SỐ, quá nhiều và quá kêu. Năm 2024, chỉ cần tập trung toàn lực để LÀM một việc, CHUYỂN ĐỔI SỐ THỰC CHẤT, đột phá dẫn đầu và dẫn dắt trước hết phải là LĨNH VỰC CÔNG. Năm 2025, hoàn tất XONG chiến lược chuyển số lĩnh vực công, ít nhất ngang bằng trình độ ASEAN. Chuyển đổi số từ những lĩnh vực khác, tất yếu tự phát triển tốt và hiệu quả cao kéo theo thôi !

  2. Tác giả nêu một số điều vướng mắc là có thật và tôi cùng ý nghĩ. Nhưng một số điều khác thì suy nghĩ chủ quan . Bài viết nói “. Càng phi lý hơn khi buộc phải sao y chứng thực giấy này khi nộp hồ sơ – như một căn cứ cấp thẻ tạm để hành nghề do thẻ hết hạn đã bị thu hồi và chờ cấp thẻ mới. Tuy nhiên, thẻ tạm chỉ dùng trong vòng 10 ngày chờ cấp thẻ mới theo quy định.” khiến tôi nghi ngờ tác giả chưa đi làm thủ tục đổi thẻ bao giờ, vì không có việc cấp 1 thẻ tạm nào chỉ dùng cho 10 ngày cả, mà là biên nhận đã nhận hồ sơ nộp đổi thẻ. Biên nhận này không có giá trị thay thế thẻ HDV để đi hành nghề. Tôi mới đổi thẻ tại Sở Du lịch TPHCM tháng 12 sau khi học đổi thẻ. Nếu có thời gian sẽ phân tích sâu hơn về ưu, khuyết của thủ tục này. Tuy nhiên nhiều quy định trong đây thuộc về Luật Du lịch 2017 mà chỉ khi QH sửa luật mới thay đổi được, nên không trách được các sở du lịch khi phải thực hiện theo thủ tục này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới