Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Zhongzhi và cuộc khủng hoảng shadow banking

Phạm Sỹ Thành (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sự lớn lên nhanh chóng của các ngân hàng bóng mờ (shadow bankking) đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng diện rộng. Chính phủ Trung Quốc phải đưa ra những biện pháp kiểm soát hậu quả của một hệ thống tín dụng ngoại bảng ngân hàng được thiết kế cẩu thả và quản lý lỏng lẻo.

Logo của Zhongrong Ding Xin được nhìn thấy trên tòa nhà văn phòng của Zhongrong International Trust, một quỹ tín thác thuộc sở hữu một phần của Zhongzhi Enterprise Group, ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Từ rủi ro đến khủng hoảng

Điểm hấp dẫn lớn nhất với những người mua các sản phẩm quản lý tài sản (WMP) là lãi suất của chúng cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng. Đối với những bên đi vay, shadow banking có lợi thế là cung cấp các khoản tín dụng quy mô lớn với tiêu chuẩn ít ngặt nghèo hơn so với các ngân hàng truyền thống. Vì thế, sự bùng nổ của shadow banking tại Trung Quốc không phải là điều khó lý giải. Phần lớn lợi nhuận của shadow banking đến từ việc cho vay để đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro hoặc phụ thuộc nhiều vào chính sách vĩ mô như bất động sản, cơ sở hạ tầng, khai khoáng… nên khi có thay đổi về quan điểm điều hành thì dòng tiền của shadow banking nhanh chóng bị ảnh hưởng.

Khủng hoảng bất động sản đã tạo ra tình trạng thiếu thanh khoản cho các quỹ tín thác như Zhongrong, bởi ước tính cho thấy khoảng 10% tổng tài sản ủy thác - khoảng 300 tỉ đô la Mỹ của tổ chức này - gắn liền với lĩnh vực bất động sản. Với toàn bộ shadow banking, con số này là 7,4% tổng tài sản. Điều này không có nghĩa rằng những gì diễn ra ngày hôm nay là hệ lụy của chính sách ba lằn ranh đỏ ban hành năm 2018, mà đó chỉ là kết quả tất yếu của một hệ thống tín dụng ngoại bảng ngân hàng được thiết kế cẩu thả và quản lý lỏng lẻo.

Sử dụng số liệu tổng hợp từ các nguồn: Công ty thông tin tài chính Wind, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc (CBA), Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) và Hệ thống đăng ký quản lý tài sản ngân hàng Trung Quốc, có thể thấy ba đặc điểm mang tính rủi ro cao mà shadow banking đã thai nghén ngay từ đầu.

(1) Một WMP điển hình có thời gian đáo hạn ngắn (dưới ba tháng). 49,5% tổng số WMP được phát hành từ tháng 1-2007 đến tháng 2-2019 có thời hạn từ một đến ba tháng. Hơn 75% sản phẩm có thời gian đáo hạn dưới sáu tháng. Đặc biệt là vào khoảng năm 2011, các WMP có kỳ hạn dưới ba tháng chiếm hơn 70% tổng lượng phát hành.

(2) Nó cung cấp lãi suất hàng năm là 3-5%. Trung bình 64,4% WMP phát hành từ tháng 1-2007 đến tháng 2-2019 có lãi suất hàng năm là 3-5% và 25,3% sản phẩm có lãi suất 5-8%. Đây là thời kỳ lạm phát ở mức thấp. Kể từ năm 2010, lãi suất trung bình đã tăng lên quanh mức 5%. Để thu hút tiền mặt, các quỹ tín thác như Zhongrong đưa ra lãi suất cao tới 6% hoặc 8% cho kỳ hạn một năm, gấp đôi số tiền mà các ngân hàng thương mại trả cho các sản phẩm tương tự. Khi chứng khoán và bất động sản sụt giảm trong hai năm, những quỹ này đã thu hút hàng ngàn tỉ nhân dân tệ nhờ vào mức lãi suất hấp dẫn.

(3) Nó không có sự đảm bảo về vốn rõ ràng. Tính năng độc đáo nhất của WMP là cơ cấu bảo đảm vốn. Trong khoảng thời gian từ tháng 1-2007 đến tháng 2-2019, chỉ có 9,2% WMP được phát hành có bảo đảm thanh toán gốc và lãi rõ ràng và 21,2% sản phẩm chỉ đưa ra bảo đảm thanh toán gốc. Phần lớn (69,6%) WMP không có sự đảm bảo về vốn nào cả. Từ góc độ hợp đồng, WMP không phải là khoản đầu tư an toàn.

“Cây không thể mọc lên trời”

Các công ty tín thác, công ty quản lý tài sản và các tổ chức tài chính phi ngân hàng (NBFI) khác cảm thấy thoải mái khi cho chính quyền địa phương và sàn huy động vốn địa phương (LGFV) vay với lãi suất cao. Giả định rằng sự bảo lãnh rộng rãi của chính phủ đối với cả người đi vay và người cho vay đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể rủi ro tài chính trên toàn hệ thống, khi các ngân hàng ngầm bắt đầu chiếm gần một phần ba tổng lượng cho vay từ năm 2012-2016.

Việc Bắc Kinh để những nhà phát triển bất động sản tầm cỡ như Evergrande hay các shadow banking như Zhongrong, Zhongzhi vỡ nợ phát đi tín hiệu về việc thi hành kỷ luật thép đối với lĩnh vực tài chính tiền tệ. Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng là điều khó xảy ra.

Nỗi lo sợ chính của Bắc Kinh trong năm 2016 là nếu hệ thống tài chính tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh chóng và không được kiểm soát như vậy, thì nhiều bong bóng tài chính sẽ bắt đầu vỡ, tương tự như những gì diễn ra trên thị trường chứng khoán năm 2015.

Những bong bóng đó có khả năng gây ra hậu quả chính trị lớn hơn nhiều, đặc biệt là trên thị trường bất động sản, do tỷ lệ sở hữu nhà cao ở Trung Quốc. Giới lãnh đạo buộc phải cân nhắc những lựa chọn khó khăn về cách làm chậm tốc độ tăng nợ chung và thu hẹp hệ thống shadow banking mà không ảnh hưởng quá nghiêm trọng đến nền kinh tế rộng lớn, điều này có thể gây ra tình trạng thất nghiệp và bất mãn xã hội.

Hơn nữa, họ cần tránh những thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong chính sách, vì có thể gây ra cuộc khủng hoảng thị trường liên ngân hàng tương tự như vào tháng 6-2013 hoặc một sự lây lan khác trên thị trường tài chính.

Chiến dịch giảm đòn bẩy bắt đầu bằng một cuộc phỏng vấn cấp cao với một “nhân vật có thẩm quyền” đăng trên Nhân dân Nhật báo vào ngày 9-5-2016. Cuộc phỏng vấn chiếm gần như toàn bộ trang đầu và trang thứ hai của Nhân dân Nhật báo. Nó đưa ra một lời phê bình đáng chú ý về mô hình tăng trưởng của Trung Quốc từ năm 2012-2016 và những hạn chế của các công cụ chính sách truyền thống nhằm ổn định nền kinh tế: “Ổn định kinh tế dựa vào phương pháp cũ, dựa vào đầu tư và áp lực tài chính ở một số lĩnh vực đã làm tăng thêm khả năng xảy ra rủi ro kinh tế. Cây không thể mọc lên trời, đòn bẩy cao tiềm ẩn rủi ro cao. Nếu xử lý sai sẽ dẫn đến khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống, gây suy thoái kinh tế, thậm chí khiến tiền tiết kiệm của người dân cạn kiệt, rất nguy hiểm. Sự so sánh này cho chúng ta thấy điểm nhấn của công việc phải nằm ở đâu - không thể có thêm đòn bẩy để kích thích nền kinh tế”.

Nhiều người cho rằng “nhân vật có thẩm quyền” đó là Lưu Hạc, khi đó là phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, đồng thời là quan chức hàng đầu quản lý các vấn đề kinh tế và tài chính trong Tiểu ban Lãnh đạo Kinh tế và Tài chính Trung ương.

Vào cuối tháng 10-2016, Bộ Chính trị nhận xét rằng Trung Quốc cần “kiềm chế bong bóng tài sản và bảo vệ trước các rủi ro kinh tế và tài chính”. PBoC cũng đã công bố báo cáo chính sách tiền tệ hàng quí và trong quí 4-2016, báo cáo này tập trung chủ yếu vào thị trường bất động sản, với một số đề cập đến tác động nguy hiểm của “bong bóng” và sự cần thiết phải hạn chế tình trạng bong bóng để ngăn chặn đầu cơ tài chính. PBoC đã sử dụng từ “bong bóng” 16 lần trong báo cáo quí 4-2016 (so với 7 lần trong báo cáo trước đó).

Sau tuyên bố của Bộ Chính trị vào tháng 4-2017 nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh tài chính, Tân Hoa xã đã xuất bản bảy bài bình luận trong suốt tuần đầu tháng 5-2017 kêu gọi nâng cấp quy định của khu vực tài chính và kêu gọi các tổ chức tài chính tự chịu trách nhiệm trong việc cải thiện kiểm soát rủi ro. Các bài bình luận cũng cam kết giải quyết các rủi ro và yêu cầu chính quyền địa phương hợp tác với các nỗ lực của chính quyền trung ương để phục vụ tốt hơn nền kinh tế thực. Bài bình luận chính liên kết an ninh tài chính với an ninh quốc gia.

Tại Hội nghị Công tác Tài chính Trung ương (NFWC) - tổ chức năm năm một lần - năm 2017, Bắc Kinh đã đề xuất những thay đổi cơ bản đối với hệ thống tài chính của Trung Quốc, bao gồm các gói cứu trợ và tái cơ cấu các ngân hàng nhà nước. Sau hội nghị này, Tân Hoa xã đã đăng một bài xã luận dài 3.300 từ sử dụng từ “rủi ro” 28 lần, đồng thời mô tả việc giảm đòn bẩy là một chiến dịch dài hạn. Các tuyên bố của Bộ Chính trị ủng hộ việc giảm đòn bẩy vẫn tiếp tục trong nhiều quí.

Đầu năm 2023, CBIRC đã soạn thảo và trình thông qua quy định mới đối với shadow banking. Theo đó, các công ty ủy thác nên chia hoạt động kinh doanh thành ba loại: quản lý tài sản, dịch vụ tài sản và quỹ tín thác từ thiện. CBIRC cho biết các công ty ủy thác không còn được cung cấp các dịch vụ “phân kênh” để lách các quy định, cũng như không sử dụng các nhóm vốn phi tiêu chuẩn dưới bất kỳ hình thức nào. CBIRC cho các công ty ủy thác thời gian ân hạn là ba năm để tuân thủ các quy định mới. Bên cạnh đó, CBIRC đang nghiên cứu chi tiết để mở rộng phạm vi của chương trình thí điểm các WMP liên quan đến hưu trí, hiện đang được áp dụng tại 10 thành phố bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.

Tín hiệu chính sách sau vụ Zhongzhi

Trọng tâm tổng thể của những nỗ lực quản lý này là buộc các khoản huy động và cho vay ngoại bảng trở lại bảng cân đối chính thức của ngân hàng. Một trọng tâm khác là phá vỡ giả định về bảo đảm ngầm đằng sau việc phát hành WMP là người gửi tiền chỉ có lãi chứ không có mất tiền.

Việc Bắc Kinh để những nhà phát triển bất động sản tầm cỡ như Evergrande hay các shadow banking như Zhongrong, Zhongzhi vỡ nợ phát đi tín hiệu về việc thi hành kỷ luật thép đối với lĩnh vực tài chính tiền tệ. Các tác động chắc chắn sẽ xảy ra với cả hệ thống ngân hàng, người gửi tiền và bên đi vay. Nhưng một cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng là điều khó xảy ra, bởi lẽ Bắc Kinh thường rà soát rất kỹ bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp và ngân hàng trước khi quyết định chấp thuận cho một định chế nào đó được phá sản.

Về tác động đối với hệ thống tài chính tiền tệ Trung Quốc, việc giảm đòn bẩy và kiểm soát nhằm vào shadow banking giúp đem lại nhiều tác động tích cực. Đầu tiên, tăng trưởng tín dụng và nợ nói chung chậm lại đáng kể, với sự sụt giảm hoàn toàn về tín dụng trong hệ thống shadow banking.

Chiến dịch nhìn chung đã thành công ở mục tiêu chính của nó, đó là giảm quy mô của hệ thống shadow banking, đặc biệt về khối lượng tín dụng chảy qua các kênh ít được kiểm soát hơn này. Tốc độ tăng trưởng tín dụng chung từ năm 2009-2016 đạt trung bình 17,5%. Năm 2017, giảm xuống còn 8,4%. Vào cuối năm 2018, nó đã chạm mức thấp nhất là 6,8%. Thứ hai, các khoản nợ phi tiền gửi, chẳng hạn WMP và các khoản nợ liên ngân hàng khác, đã được thu hẹp và được thay thế bằng các khoản tiền gửi ổn định hơn.

Việc thắt chặt tiền tệ làm giảm vị thế đòn bẩy trong các thị trường đầu cơ, trong khi nỗ lực quản lý nhằm đánh dấu các khoản đầu tư của WMP theo giá trị thị trường đã làm giảm tổng khối lượng huy động vốn liên ngân hàng, buộc các ngân hàng phải thu hút tiền gửi trên bảng cân đối kế toán của họ. Từ năm 2012-2016, tỷ lệ tiền gửi trong tổng nguồn vốn giảm mạnh từ 79,6% xuống 71,4% nhưng đến năm 2021 đã tăng lại mức 74,6%.

Thứ ba, các khoản cho vay quay trở lại bảng cân đối kế toán chính thức của các ngân hàng, thay thế các khoản phải thu đầu tư và các loại tài sản tín dụng khác. Yêu cầu về tỷ lệ khớp thanh khoản (LMR) và các biện pháp quản lý khác đã khuyến khích các ngân hàng hạch toán tài sản ngoại bảng dưới dạng các khoản cho vay. Kết quả là, các khoản cho vay tăng lên trong tổng tài sản trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng phải đối mặt với áp lực nặng nề hơn trong việc tăng mức vốn để thích ứng với mức độ và tỷ trọng nợ ngân hàng trên bảng cân đối kế toán ngày càng tăng. Các khoản vay ngân hàng chính thức tăng liên tục trong tổng tài sản của các ngân hàng được khảo sát, từ 46,3% năm 2016 lên 55,4% vào năm 2021.

Thứ tư, vỡ nợ và rủi ro tín dụng trong các tổ chức tài chính phi chính thức trở nên phổ biến hơn nhiều. Bắt đầu với mạng lưới cho vay ngang hàng (P2P), vốn đã vỡ nợ với số lượng lớn trong năm 2017 và 2018, chiến dịch giảm đòn bẩy đã loại bỏ tín dụng của nhiều loại tổ chức cho vay, dẫn đến khó khăn trong việc tái cấp vốn. Các ngân hàng nhỏ bắt đầu vỡ nợ vào năm 2019 và trái phiếu doanh nghiệp vỡ nợ với số lượng lớn hơn nhiều vào năm 2020. Các nhà phát triển bất động sản và các công ty ủy thác bắt đầu vỡ nợ với số lượng lớn hơn kể từ năm 2021.

Nhưng cần lưu ý rằng, các vấn đề của shadow banking có thể ảnh hưởng đến các ngân hàng nhỏ khi chúng thường trực tiếp tiếp xúc với hoạt động tài trợ ngầm, trong khi các ngân hàng lớn hơn cung cấp vốn cho các ngân hàng nhỏ hơn. Để ứng phó với rủi ro này, năm ngoái, chính quyền các tỉnh của Trung Quốc sử dụng số tiền huy động được từ các đợt phát hành trái phiếu đặc biệt để bơm số vốn kỷ lục 218,3 tỉ nhân dân tệ (31 tỉ đô la Mỹ) vào các ngân hàng yếu kém cấp vùng, tiếp xúc nhiều với lĩnh vực bất động sản.

Cuộc họp chính sách của NFWC có sự tham dự của Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng 10-2023 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn hiệu quả các rủi ro tài chính và trấn áp mọi hoạt động tài chính bất hợp pháp. Trong một phiên nghiên cứu tiếp theo, cơ quan quản lý ngân hàng, cơ quan cũng giám sát các công ty tín thác tuyên bố sẽ sử dụng “liều thuốc mạnh” để giải quyết những rủi ro lớn. Đây là những tín hiệu ủng hộ mạnh mẽ cho cả việc thắt chặt tiền tệ và quy định từ lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Những tín hiệu chính sách này khó có thể bị đảo ngược nhanh chóng.

(*) Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc (CESS)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới