(KTSG Online) – Sau 5 năm gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), xuất khẩu tôm Việt Nam sang Úc tăng mạnh khi chiếm thị phần 70%, tăng gấp đôi so với 32% trước khi ký hiệp định.
- Thẻ vàng IUU là thách thức của ngành thuỷ sản trong năm 2024
- Cước tàu biển ‘nhảy vọt’ ảnh hưởng doanh nghiệp xuất khẩu nông, thuỷ sản ra sao?
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), sau 5 năm tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thủy sản là một trong những ngành có nhiều thay đổi tích cực nhờ tận dụng ưu đãi thuế quan trong thương mại với các nước thành viên. CPTPP có hiệu lực từ 14-1-2019.
Thị phần của thủy sản Việt Nam ở thị trường các nước thành viên CPTPP đều có xu hướng tăng. Đơn cử, tại thị trường Canada, thị phần tăng từ 7-8% lên 10%, trong đó riêng tôm tăng từ 18% lên 25% và đứng số 1, còn cá ngừ tăng từ 6% lên 11% và đứng thứ 3 ở thị trường này. Tăng trưởng nhất trong các thị trường, theo VASEP là thị trường Úc. Theo đó, tôm Việt Nam sang đây đang chiếm thị phần 70%, tăng gấp đôi so với 32% trước khi ký CPTPP.
Ở chiều ngược lại, theo VASEP, ngành thuỷ sản vẫn có sự cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa từ các sản phẩm của các nước thành viên như Nhật Bản, Chile, Úc.
VASEP cho biết, những hạn chế logistics đối với ngành thủy sản hiện nay làm giảm sức cạnh tranh. Xuất khẩu thuỷ sản có điểm yếu khi phụ thuộc phần lớn vào hệ thống logistics của nước ngoài.
Điều này được thể hiện rõ nhất từ 2020 trở lại đây, khoảng thời gian có nhiều biến động như dịch Covid-19, xung đột ở châu Âu, mới đây là vùng Trung Đông (căng thẳng biển Đỏ). “Câu chuyện căng thẳng biển Đỏ hiện nay lại một lần nữa bộc lộ những vấn đề của ngành logistics Việt Nam khi mà các hãng tàu nước ngoài chi phối, độc quyền định giá và tăng giá cước cùng các giá dịch vụ vận tải khác”, theo VASEP.