Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Không làm tre thì chết!’

Trương Điện Thắng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đầu tháng 9-2023, bà Diệp Mỹ Hạnh lại ra Hội An thăm Võ Tấn Tân, ông chủ Taboo Bamboo Workshop, thăm hỏi, bàn công việc xong rồi về. Tân chụp tấm hình hai cô cháu, chú thích một câu: “Năm nào cô cũng ra thăm và nói một câu trước khi về: Mi mà không làm tre nữa thì chết với cô!”.

1. Ai cũng biết, Tiến sĩ thực vật học Diệp Mỹ Hạnh, bà chủ làng tre sinh thái Phú An, ở Bến Cát, Bình Dương. Làng tre với hơn 300 giống tre hình thành từ năm 2012 đến nay. Làng tre Phú An cũng là nơi tổ chức Hội thảo Tre thế giới năm 2022. Bà cũng nổi tiếng với dự án “Bức tường xanh” ở Ninh Thuận để cổ vũ cho khả năng đưa khí thải carbon về 0. Bà đang thực hiện dự án này ở Đồng Tháp để ứng dụng dự án du lịch tre ở đồng bằng sông Cửu Long.

Năm nay bà đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn đăm đắm với các giá trị về môi trường và mong muốn giới thiệu sự đa dạng của cây tre Việt Nam ra thế giới. Năm 2010 bà đã được Liên hiệp quốc trao giải thưởng Xích đạo về đa dạng sinh học.

Tiến sĩ Diệp Mỹ Hạnh và Võ Tấn Tân.

Trước tình hình khan hiếm về năng lượng trên thế giới, bà Hạnh vẫn đau đáu việc làm sao tăng giá trị của loài thực vật gắn liền với người Việt Nam này, “Khi đó thì người nông dân sẽ khá lên nhờ sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ cho tiêu dùng…”, như bà từng nói. Bà cũng ao ước mang cây tre ra trồng trên các đảo ở Trường Sa khi điều kiện cho phép…

Bởi vậy, trong tổ chức Hội thảo Tre thế giới năm 2022 do bà đăng cai tại Bình Dương, thì Võ Tấn Tân là đại biểu duy nhất ở Quảng Nam được mời tham dự. Và sau đó là cuộc tham quan của các đại biểu dự hội nghị đến Hội An và xưởng tre của Tân…

Võ Tấn Tân, sinh năm 1968, là người con của thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh, ngoại ô Hội An. Từ nhỏ vừa đi học vừa theo cha đi làm nhà tre lợp lá dừa nước theo đặt hàng trong làng, ra tận Đà Nẵng. Chung quanh làng là rừng dừa Bảy Mẫu, nên việc khai thác lá dừa là rất thuận lợi. Khi du lịch phát triển, phong trào làm nhà tre lợp lá dừa tăng lên, có lúc ra tận Quảng Ninh và nhiều tỉnh phía Bắc. Nhưng cũng ở quy mô nhỏ, thiết kế đơn giản.

Tân tốt nghiệp trung học, thì thi đậu vào đại học và theo học ngành công nghệ thông tin. Công việc làm công ăn lương chẳng có gì là suôn sẻ. Anh quyết định bỏ nghề và quay về Cẩm Thanh với cây tre và rừng dừa giàu có của quê mình. Trên rẻo đất nhỏ bên cạnh rừng dừa và bãi đậu xe cho du khách tham quan, anh làm nhà ở và mở ra xưởng làm đồ thủ công mỹ nghệ bằng tre. Tự tay thiết kế và học tập để phát triển nghề nghiệp…

2.Xuống bãi đậu xe đưa đón du khách đến rừng dừa Bảy Mẫu, vào chiếc cổng đơn sơ và con đường lát gạch chỉ rộng 2 mét, rợp bóng cây dành cho người đi bộ, chúng ta đã đi vào thế giới của Tân. Có hôm tôi ngồi nghe anh kể: Tre ở Cầm Thanh tuy không nhiều nhưng anh có thể đi nhiều nơi để mua các loại tre phù hợp. Thuận lợi ở đây là cửa sông, xen trong rừng dừa là những con lạch luôn có nước lưu chuyển và phía dưới là bùn tích tụ. Đó là môi trường để ngâm tre thường xuyên rất tốt. Tre có khi phải mua ở các huyện đồng bằng, miền núi hoặc ra tận các tỉnh phía Bắc, tùy theo mặt hàng mình sẽ sản xuất. Tre ngâm từ tám tháng đến một năm để chống mối mọt rồi phơi khô để đưa vào sản xuất…

Mẫu mã thì theo đơn đặt hàng hoặc mình tự thiết kế. Xưởng Taboo Bamboo Workshop luôn có 10 người làm việc liên tục, kể cả trong hai năm dịch bệnh. Nhờ vậy mà thu nhập ổn định, thợ thầy yên tâm làm việc.

Trong gian xưởng của anh, tre bán thành phẩm đủ loại đặt bên cạnh các máy móc của thợ. Phía đối diện là gian nhà xinh xắn trưng bày hàng mẫu, sản phẩm các loại hải sản làm bằng tre, đồ chơi trẻ em, đèn tre, lọ hoa, và vài chục chiếc xe đạp khung tre, mấy mẫu bàn ghế nhỏ nhắn… Bên ngoài là mấy con cá chép, cá chuồn khổng lồ làm bằng nan tre treo trên lối đi. Mới đây, tôi lại thấy anh sản xuất mấy con cua và tôm khổng lồ, trông rất lạ. Té ra các nhà hàng hải sản ở Đà Nẵng, Hà Nội vào đặt làm để trang trí.

Tân nói, anh thích làm những sản phẩm nhỏ mà giá trị mỹ thuật cao ấy là để nâng cao giá trị của cây tre Việt Nam. Cây tre theo cách làm của Tân, không còn một mẫu thừa nào, từ gốc đến ngọn.

Chú cá chuồn làm bằng tre.

Anh kể trong mấy năm trước, có khách hàng người Ý tìm đến, thấy chiếc nạng bằng tre khá đẹp, ông ta đã đặt làm hàng loạt cho một cơ sở chăm sóc người già bên ấy. Lại có đoàn thiện nguyện đến tham quan, thấy anh sản xuất xe đạp bằng tre, họ đã đặt mua với số lượng lớn để tặng cho các trung tâm thiếu nhi. Còn tại Hội An, các đợt tranh tài thể thao cũng đặt hàng anh sản xuất hàng trăm mẫu các loại cúp kỷ niệm bằng tre để làm giải thưởng hoặc tặng phẩm cho vận động viên, thay vì đồ bằng nhựa hoặc kim loại…

Bạn cua làm bằng tre nhưng sống động, uy dũng.

Tiếng tăm đồn xa, nhất là khi Tân mở các kênh thông tin điện tử. Bây giờ, khách hàng châu Âu, châu Mỹ đã đặt hàng online tại Taboo Bamboo Workshop ngày càng nhiều. Và đặc biệt, đây đã trở thành một điểm tham quan, học nghề và tìm hiểu giá trị từ cây tre Việt Nam duy nhất khi đến Hội An của du khách…

3. Chơi với nhau lâu, một hôm Tân nói: Điều tâm đắc với em bây giờ là đón các đoàn khách ở lứa tuổi học sinh, bất kể là từ đâu đến. Ở đó, em có thể truyền bá kiến thức cho chúng, và cả các bậc phụ huynh, về giá trị bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường lẫn các ý nghĩa về văn hóa, lịch sử của cây tre Việt Nam. Nhiều du khách rất thích thú khi nghe kể người Việt mình từ khi sinh ra đã nằm nôi, nằm giường tre, dùng các vật dụng trong sinh hoạt hàng ngày cũng từ cây tre mà ra. Ăn ở, sinh hoạt trong cái nhà tranh tre. Đến khi nằm xuống cũng dựa vào cây tre làm quan làm quách…

Sau những lần thuyết trình đó là các buổi hướng dẫn cho các em biết cưa, đục, đan lát, đánh bóng hoàn thiện các sản phẩm mà các em yêu thích để mang về làm vật lưu niệm. Nhiều bạn gái trẻ đã bỏ ra 5-7 giờ để làm việc như vậy với sự hướng dẫn của những người thợ ở đây. Có những gia đình du khách dẫn theo con cái họ từ châu Âu đến Hội An trong kỳ nghỉ hè, chỉ để nghe và thao tác cùng với tre… với tốn kém chỉ bằng họ ăn một bữa ăn bình thường ngoài phố, nhưng có bạn nói là cô đã thu hoạch được một kiến thức về văn hóa tre khổng lồ khi đến đây.

Có cả một chuyên gia về chống xói lở bờ sông ở Texas, Mỹ cũng liên hệ để hỏi ý kiến về kinh nghiệm chống sạt lở bờ sông ở Việt Nam thông qua bạn bè trên trang của Tân. Trong các bình luận tôi đọc được, nhiều bạn ở Việt Nam còn gợi ý đóng cọc tre để chống sạt lở cho phía bạn. Quả là một ví dụ thú vị!

4. Tôi từng nghe những tâm sự của Tiến sĩ Diệp Mỹ Hạnh về những mong ước của bà khi nói về ích lợi của cây tre Việt Nam mà bà đã giới thiệu cùng các đồng nghiệp và đọc các dự án về Đường xanh của bà nên rất thích thú. Lần bà ra Hội An thăm Tân, lại được nghe một câu thân thương, mộc mạc: “Mi mà không làm tre nữa thì chết với cô!”. Một câu nói giản dị của người phụ nữ trí thức gốc Nam bộ ấy, cứ làm tôi xúc động. Bởi Tân đã và đang làm một công việc rất cụ thể về ứng dụng của cây tre, để tăng giá trị của loài cây này. Đó cũng là điều mà vị Tiến sĩ thực vật học đã vào tuổi thất thập này mong ước!

Bây giờ về các “xã nông thôn mới” chỉ ở vùng quê Quảng Nam của tôi thôi, những hàng tre, lũy tre xanh mượt, râm mát ngày xưa đã bị chặt bỏ dọc những con đường, thay bằng bờ rào bê tông cốt thép, tôi lại càng thấy bao nhiêu ý nghĩa sâu thẳm trong câu nói ấy của bà!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới