Thứ năm, 28/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Vốn xã hội cho phát triển

Tuệ Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(XUÂN KTSG) - Trái ngược với vị thế trên trường quốc tế được nâng cao, ngày càng trở thành một đối tác đáng tin cậy của nhiều nước và là cứ điểm sản xuất quan trọng của các tập đoàn đa quốc gia, nội tại kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đang bộc lộ một số điểm hạn chế cố hữu, mà có thể cản trở, kìm hãm lộ trình phát triển trong tương lai.

Nội tại kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đang bộc lộ một số điểm hạn chế cố hữu, mà có thể cản trở, kìm hãm lộ trình phát triển trong tương lai.

Nâng cao vị thế và niềm tin phát triển cho Việt Nam

Sau 28 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện từ tháng 9-2023. Chỉ hai tháng sau đó, đến lượt Nhật Bản trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện toàn diện thứ 6 của Việt Nam, sau Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và gần nhất là Mỹ. Kế tiếp, khả năng Việt Nam và Úc cũng sẽ sớm nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Trong một thế giới đầy bất ổn và ngày càng phân cực, mâu thuẫn và chia rẽ giữa các cường quốc leo thang, xung đột quân sự tiềm ẩn nguy cơ lan rộng, toàn cầu hóa suy yếu, khả năng một trật tự thế giới mới theo hướng đa cực đang dần hình thành..., chính sách đa dạng hóa và làm sâu sắc hơn trong quan hệ với các cường quốc có thể giúp Việt Nam hạn chế các rủi ro địa chính trị và những ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng tách rời kinh tế giữa các nước lớn.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn duy trì xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ, bất chấp sự đảo ngược dòng vốn diễn ra tại nhiều nền kinh tế mới nổi khi các nước phát triển thắt chặt chính sách tiền tệ. Đây là minh chứng rõ nhất cho thấy Việt Nam đang tận dụng tốt những lợi thế về vị trí địa lý, độ mở nền kinh tế và mối quan hệ đa dạng, gắn kết hơn với các nền kinh tế mạnh trên toàn cầu, cũng như niềm tin về triển vọng phát triển mà các nhà đầu tư quốc tế dành cho đất nước hình chữ S này.

Đáng lưu ý là Việt Nam đã có sự thay đổi lớn về chủ trương kêu gọi đầu tư nước ngoài trong những năm gần đây, khi chọn lọc và ưu tiên các dự án công nghệ tiên tiến, hiện đại, hiệu quả; tiến dần đến việc loại bỏ, thay thế những dự án kém chất lượng, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn tài nguyên. Là một trong số các nước cam kết đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa những cam kết này thông qua chính sách thu hút đầu tư nước ngoài.

Và một khi lòng tin suy giảm, khi chứng kiến cái xấu, cái sai trở nên phổ biến, được bình thường hóa, các chuẩn mực xã hội cũng có thể trở nên lệch lạc và bị kéo lùi.

Trong tháng 12-2023, CEO của Nvidia - tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã thăm Việt Nam và cam kết biến Việt Nam này thành “quê hương” thứ hai và là trung tâm lớn nhất của Nvidia trên thế giới. Sự đổ bộ hàng loạt của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, từ việc khảo sát thị trường, thành lập các trung tâm nghiên cứu, chuyển dịch nhà máy sản xuất..., không chỉ mở ra một vận hội mới cho kinh tế Việt Nam cất cánh mà còn thể hiện kỳ vọng và sự tin tưởng của những “đại bàng” này vào tương lai Việt Nam.

Trong năm vừa qua, Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được ban hành, nhằm thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước. Chính sách này nếu thực thi hiệu quả, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy bộ máy nhà nước tiếp tục cải cách hiệu quả...

Nhân tài, lòng tin và vốn xã hội

Thế nhưng, nội tại kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đang bộc lộ một số điểm hạn chế cố hữu, mà có thể cản trở, kìm hãm lộ trình phát triển trong tương lai. Không nói đến các vấn đề như điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng hay nguy cơ thiếu hụt năng lượng - có thể khắc phục bằng việc sử dụng nguồn vốn tài chính để đẩy mạnh các dự án đầu tư, mà ở đây chỉ nói đến câu chuyện “vốn xã hội”.

Về cơ bản, vốn xã hội sẽ giúp các thành viên trong xã hội hợp tác hiệu quả nhằm đạt được những mục tiêu chung, dựa trên ba yếu tố chính là các mạng lưới xã hội, các chuẩn mực xã hội và lòng tin trong xã hội. Tuy nhiên không ít vấn đề bộc lộ trong thời gian qua cho thấy vốn xã hội của Việt Nam đang bị bào mòn dần, thể hiện qua các mạng lưới bị đứt gãy, chuẩn mực xuống cấp, lệch lạc và lòng tin bị sụt giảm.

Trong lĩnh vực kinh tế, có thể kể đến việc nhiều khách hàng muốn gửi tiết kiệm tại ngân hàng bỗng dưng bị chuyển thành mua trái phiếu đầu tư và nhận lấy thiệt hại, bị chuyển thành mua bảo hiểm với hợp đồng cài cắm điều khoản theo hướng có lợi cho tổ chức bán; doanh nghiệp phát hành trái phiếu khi không đủ điều kiện rồi sau đó đứt gãy dòng tiền ảnh hưởng xấu đến trái chủ; thao túng, giao dịch nội gián gây tổn thất cho nhà đầu tư và hình ảnh thị trường chứng khoán; hàng hóa đội lốt, giả mạo xuất xứ lừa đảo người tiêu dùng... Tất cả những điều này, những kiểu kinh doanh chụp giật này, không chỉ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chu chuyển vốn trong nền kinh tế mà còn gây mất niềm tin về lâu dài đối với các doanh nghiệp nội địa.

Những lĩnh vực vốn được xem là ngôi đền thiêng như y tế hay giáo dục cũng không tránh khỏi cảnh bị “nén bạc đâm toạc”. Thậm chí ngay cả trong giai đoạn đất nước đối mặt với những thử thách cam go nhất như đại dịch Covid-19, cũng không ngăn được một bộ phận, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp, lợi dụng cơ hội để “đánh quả”, gây ra những đại án như kit test Việt Á hay chuyến bay “giải cứu”.

Những vi phạm mang tính hệ thống và có sự cấu kết như vậy rõ ràng đã làm suy giảm lòng tin xã hội. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại không kém là hành vi của những tổ chức, cá nhân sai phạm đã lan tỏa, ảnh hưởng tiêu cực đến những thành phần còn lại, khi những tổ chức, cá nhân làm đúng, làm thực chất cũng bị nghi ngờ, rồi trở nên e ngại, chùn tay và co lại để tự bảo vệ mình. Cán bộ nhà nước không dám làm vì sợ sai; động lực đầu tư khu vực tư nhân suy yếu khi các doanh nghiệp vì lo sợ mà phòng thủ và ngày càng trở nên yếu ớt, giảm sức đề kháng, khả năng cạnh tranh; người có tiền không biết kênh đầu tư nào thật sự an toàn; các cá nhân trở nên nghi kỵ lẫn nhau..., tất cả đều kìm hãm sự phát triển.

Bên cạnh những tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm nghiêm trọng rõ ràng cần phải xử lý để răn đe, cũng có một số cá nhân mà sai phạm là do bị... kéo theo vì những chiến lược sai lầm, sai sót, sơ suất trong công việc, hoặc đơn giản chỉ vì cả nể, tin vào lãnh đạo, đối tác hoặc đi theo một thứ “văn hóa” có sẵn đầy tiêu cực. Trong đó có những người có năng lực thật sự, đã trải qua một quá trình phấn đấu, nỗ lực không ngừng để thăng tiến, từng làm việc tại các công ty quốc tế, có vị trí nhất định, nhưng rồi cũng không tránh khỏi hậu họa khi sa chân vào những liên minh “ma quỷ”. Điều này đặt ra câu hỏi nhân tài sẽ phát triển như thế nào nếu đặt vào một môi trường có thể đưa đẩy họ vào vòng xoáy sẽ có lúc dính đến sai phạm?

Một điều cũng cần phải thừa nhận là các cơ chế giám sát đã không chặt chẽ ngay từ đầu, vì nếu có thì sai phạm và thiệt hại khi phát hiện sớm và xử lý nghiêm sẽ dễ khắc phục. Còn cứ để dung dưỡng, níu kéo, khiến sai phạm kéo dài nhiều năm, đến lúc bung bét rồi mới xử lý mạnh tay, thì kéo theo biết bao người dính vào, từ số lượng nạn nhân bị thiệt hại cho đến số lượng người sai phạm gây ra thiệt hại. Hệ quả là những đại án với tần suất ngày càng tăng không chỉ gây ra sự sợ hãi mà còn ảnh hưởng đến niềm tin trong xã hội, khi không ít tổ chức và cá nhân dính đến từng là những hình mẫu và niềm cảm hứng cho nhiều người. Khi đó, con người, cộng đồng và xã hội sẽ mất phương hướng, mất đi động lực để phấn đấu vươn lên.

Và một khi lòng tin suy giảm, khi chứng kiến cái xấu, cái sai trở nên phổ biến, được bình thường hóa, các chuẩn mực xã hội cũng có thể trở nên lệch lạc và bị kéo lùi. Đơn cử như những sai phạm, trục lợi trong môi trường y tế hay giáo dục khiến hình ảnh người thầy thuốc, nhà giáo không còn thiêng liêng như xưa. Không ít người đã hành xử thiếu chuẩn mực, thậm chí có hành vi bạo lực với những người đang hành nghề trong môi trường được xem là cao quý này.

Khi lòng tin và các chuẩn mực suy giảm, chất keo kết dính các mối quan hệ xã hội bị ảnh hưởng, các mạng lưới trong xã hội cũng không còn chắc chắn. Các đối tác làm ăn không tin cậy lẫn nhau và thiếu sự gắn kết, người mua và người bán luôn ở thế dè chừng, khách hàng luôn nghi ngờ về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp..., thực trạng này sẽ khiến chi phí cho giao dịch, thủ tục, các quy trình pháp lý tăng lên, tất yếu sẽ trở thành một rào cản lớn gây trở ngại và kìm hãm sự phát triển.

Đó thật sự là điều đáng suy nghĩ...

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới