Thứ sáu, 3/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chuỗi cà phê quốc tế đua mở rộng để giành ‘miếng bánh’ ở Ấn Độ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các chuỗi cà phê quốc tế như Starbucks, Tim Hortons và Costa Coffee đang nhanh chóng mở rộng tại thị trường Ấn Độ để thuyết phục người tiêu dùng ở trong những đất nước uống trà nhiều nhất thế giới chi tiêu cho những tách Flat White (đồ uống kết hợp giữa cà phê espresso và sữa tươi nóng) và cà phê Frappuccino.

Các chuỗi cà phê quốc tế bao gồm Starbucks đang nhanh chóng mở rộng ở Ấn Độ nhưng một số nhà phân tích cho rằng họ có thể đánh giá quá cao về khả năng và nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng Ấn Độ cho đồ uống tùy ý. Ảnh:  Getty

Tuần trước, Starbucks công bố kế hoạch tăng gần gấp ba số lượng cửa hàng cà phê ở Ấn Độ, lên 1.000 vào năm 2028. Thông qua một liên doanh với Tập đoàn Tata, chuỗi này mở cửa hàng đầu tiên ở đất nước đông dân nhất thế giới cách hơn một thập niên. Giờ đây, Starbucks cho biết sẽ mở rộng ra bên ngoài các đô thị lớn để tiếp cận các thành phố nhỏ hơn tại một đất nước mà người tiêu dùng thường mua cốc trà sữa masala giá chỉ 0,12 đô la Mỹ từ những người bán hàng rong trên đường.

Sau chuyến thăm Ấn Độ trong tháng này, Laxman Narasimhan, CEO chuỗi cà phê có trụ sở tại Seattle (Mỹ), nói với Financial Times rằng, Ấn Độ là một thị trường có tiềm năng to lớn về lâu dài.

“Sự phát triển của cơ sở hạ tầng, lượng người tiêu dùng ngày càng tăng cùng với sự áp dụng công nghệ rộng rãi ở đây sẽ tạo ra cơ hội tốt để củng cố các cửa hàng Starbucks”, ông nói

Song Starbucks đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt khi các nhà đầu tư lớn khác trong lĩnh vực thực phẩm như McDonald's và Domino's cũng nhắm đến các quán cà phê ở Ấn Độ. Theo các nhà phân tích, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh như McDonald's và Domino's ghi nhận tăng trưởng 25% mỗi năm từ năm 2010 đến 2020 khi họ xây dựng hàng nghìn cửa hàng trên khắp Ấn Độ.

Các thương hiệu thực phẩm quốc tế thường thâm nhập thị trường Ấn Độ thông qua các đại lý nhượng quyền hoặc các đối tác địa phương quen thuộc với thị trường. Pret A Manger, chuỗi cà phê và thức ăn nhanh của Anh,  ra mắt tại Ấn Độ vào năm ngoái thông qua sự hợp tác với tập đoàn Reliance Industries của tỉ phú Mukesh Ambani, Một năm trước đó, chuỗi cà phê Tim Hortons của Canada cũng tiến vào thị trường này

Costa Coffee, do một công ty nhượng quyền tại Ấn Độ của Yum Brands (Mỹ), đã công bố kế hoạch bổ sung thêm 50 quán cà phê mỗi năm. Trong khi đó, năm ngoái, các chuỗi cà phê bản địa như Third Wave Coffee và Blue Tokai Coffee Roasters gấp rút huy động tiền từ các công ty đầu tư mạo hiểm để mở thêm hàng trăm cửa hàng mới. .

Tarushi Chauhan, một kỹ sư 29 tuổi ở Delhi, cho biết. cô bắt đầu uống cà phê khi phát hiện ra Frappuccinos của Starbucks khi còn là sinh viên.

“So với năm năm trước, đặc biệt là ở các thành phố lớn, mọi người đang kiếm được nhiều tiền hơn và họ không ngần ngại chi 500 rupee (6 đô la Mỹ) cho một tách cà phê”, cô chia sẻ.

Cà phê cao cấp vẫn nằm ngoài tầm với của hầu hết người dân Ấn Độ. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính, hiện tại, chỉ có 60 triệu người Ấn Độ có thu nhập trên 10.000 đô la/năm và con số này sẽ tăng lên 100 triệu vào năm 2027. Ankur Bisen, nhà phân tích bán lẻ của Technopak Advisors, nhận định thị trường cà phê Ấn Độ bị hạn chế bởi khu vực địa lý và thu nhập hộ gia đình.

Cà phê từ lâu đã là một phần của văn hóa Ấn Độ. Đất nước này nằm trong số những nước trồng cà phê lớn nhất thế giới. theo truyền thống, cà phê là thức uống phổ biến ở miền nam Ấn Độ, nơi cà phê được pha trộn với rau diếp xoăn, sữa nóng và đường.

Chuỗi cà phê Café Coffee Day, ra mắt vào năm 1996, có trụ sở tại thành phố Bengaluru, đã tiên phong thúc đẩy văn hóa cà phê quốc tế ở Ấn Độ với những quán cà phê bài trí đẹp mắt. có Wi-Fi trước khi cuộc khủng hoảng nợ buộc chuỗi phải đóng cửa nhiều cửa hàng. Giá cổ phiếu của chuỗi này đã giảm 80% so với mức đỉnh năm 2018.

Các thương hiệu quốc tế như Starbucks tìm cách chiều lòng khách hàng ở Ấn Độ bằng cách sử dụng cà phê đặc sản được trồng ở Ấn Độ và điều chỉnh thực đơn cho phù hợp với khẩu vị địa phương.

“Mọi người sẵn sàng chi tiền cho cà phê chất lượng tốt. Khi các thương hiệu bắt đầu thấy doanh số tăng lên, họ sẽ càng tập trung tham vọng kiếm tiền từ cà phê”.  Rohan Kuriyan, quản lý của Balanoor Plantations, một công ty trồng trà và cà phê ở bang Karnataka, miền nam Ấn Độ, nói

Jasper Reid, người sáng lập IMM, công ty điều hành chuỗi cà phê ở Ấn Độ dưới thương hiệu Jamie Oliver, cho biết, các cửa hàng cà phê được các nhà đầu tư quốc tế đặc biệt ưa chuộng vì chi phí vận hành chúng thấp hơn so với các loại nhà hàng thức ăn nhanh khác. Ông cho biết, một cửa hàng cà phê thông thường có thể tiêu tốn khoảng 25% trong số hàng chục triệu rupee cần thiết để mở một cửa hàng bánh mì kẹp.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, trong cuộc đua mở hàng trăm cửa hàng cà phê mới trên khắp đất nước Ấn Độ, các thương hiệu có thể đã đánh giá quá cao về khả năng và nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng cho đồ uống tùy ý.

Reid nhấn mạnh, muốn thành công, các chuỗi cà phê cần phải kiên nhẫn để tận dụng cơ hội từ Ấn Độ. “Những người có xu hướng chiến thắng thường có tầm nhìn rất dài, có đủ lượng vốn phù hợp với tầm nhìn đó và sẽ không vội mở rộng quá nhanh”, ông nói.

Theo Financial Times

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới