Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tài sản của 20 gia tộc giàu nhất châu Á: Hồng Kông hao hụt, Ấn Độ trỗi dậy

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Cơn suy thoái bất động sản khiến bốn trong số năm gia tộc tỉ phú Hồng Kông nằm trong danh sách 20 gia tộc giàu nhất châu Á chứng kiến tài sản hao hụt trong năm qua, theo chỉ số Chỉ số Tỉ phú Bloomberg (BBI). Ngược lại, tài sản của các gia tộc tỉ phú Ấn Độ ngày càng tăng. Một điều bất ngờ nữa là không có gia tộc nào ở Trung Quốc đại lục nằm trong danh sách, trong khi đó, Thái Lan có 3 gia tộc.

5 gia tộc giàu nhất châu Á, gồm Ambani (Ấn Độ), Hartono (Indonesia), Mistry (Ấn Độ), Kwok (Hồng Kông) và Chearavanont (Thái Lan). Ảnh: techsauce.co

Các gia tộc tỉ phú Hồng Kông, với khối tài sản đáng kể nằm ở bất động sản, chịu tổn thất nặng nề do đà lao dốc của thị trường chứng khoán địa phương. Bên cạnh đó, họ còn có nguy cơ đối mặt với cuộc bất động sản kéo dài ở Trung Quốc.

Dù vậy, theo BBI, tổng tài sản của 20 gia tộc giàu nhất khu vực châu Á đang ở mức cao hơn bao giờ hết, khoảng 534 tỉ đô la Mỹ, tăng 55 tỉ đô la kể từ tháng 3-2023. Điều này chủ yếu là nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ ở Ấn Độ, làm tăng khối tài sản của các gia tộc tỉ phú ở đất nước đông dân nhất thế giới gồm Ambani, Mistry, Jindal, Birla và Bajaj. Với giá trị tài sản lên đến 102,7 tỉ đô la, tăng gần 5 tỉ đô la so với cách đây một năm, gia tộc Ambani, chủ sở hữu tập đoàn Reliance Industries, đứng đầu bảng xếp hạng 20 gia tộc giàu có nhất châu Á. Xếp ở vị trí thứ hai là gia tộc Hartono, hoạt động trong lĩnh vực tài chính và thuốc lá ở Indonesia, có khối tài sản 44,8 tỉ đô la Mỹ.

Đó một dấu hiệu khác cho thấy mức độ tập trung của cải và quyền lực ở châu Á đang thay đổi như thế nào khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại. Trung Quốc đã đóng vai trò là cường quốc kinh tế của khu vực trong nhiều thập kỷ, tạo ra khối của cải khổng lồ cho những chủ doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực gắn liền với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2020, không có gia tộc Trung Quốc đại lục nào xuất hiện trong bảng xếp hạng 20 gia tộc giàu nhất châu Á.

Trái lại, thời vận của Ấn Độ đang lên. Trong tuần qua, thị trường chứng khoán của nước này vượt qua Hồng Kông để vươn lớn đứng thứ tư thế giới về quy mô vốn hóa.

Một trong những người thua cuộc nổi bật nhất trong quá trình sắp xếp lại bản đồ phân bổ của cải ở châu Á là gia tộc họ Cheng ở Hồng Kông, chủ sở hữu của Chow Tai Fook Jewellery, chuỗi cửa hàng trang sức lớn nhất Trung Quốc. Khối tài sản trị giá 23,6 tỉ đô la Mỹ hiện nay của gia tộc này được gầy dựng từ vốn liếng ban đầu là một cửa hàng trang sức duy nhất cách đây gần một thế kỷ.

Tuy nhiên, trong tuần này, giá cổ phiếu của Công ty xây dựng New World Development (NWD), tài sản hàng đầu của gia tộc họ Cheng, giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm. Công ty đã sử dụng đòn bẩy tài chính cao hơn nhiều so với các công ty cùng ngành ở Hồng Kông.

Năm ngoái, văn phòng đầu tư của gia tộc họ Cheng đã chuyển gần 3 tỉ đô la Mỹ thông qua một thỏa thuận mua cổ phần để củng cố tài chính của NWD. Khối tài sản của gia tộc này giảm 2,4 tỉ đô la Mỹ so với cách đây một năm, đánh dấu lần đầu tiên suy giảm kể từ khi Bloomberg theo dõi dữ liệu vào năm 2019. Hiện gia tộc họ Cheng xếp thứ 9 trong số 20 gia tộc giàu nhất châu Á.

Sau chứng kiến tài sản sứt mẻ, tỉ phú Henry Cheng đã đảo ngược giả định bấy lâu nay rằng con trai cả của ông, Adrian Cheng, CEO của NWD, sẽ nắm quyền lãnh đạo đế chế kinh doanh của gia tộc. Hồi tháng 11, ông cho biết vẫn đang tìm người kế nhiệm và các thành viên trong gia đình có thể sẽ phụ trách các mảng kinh doanh khác nhau.

Ba người con của Henry hiện nắm giữ những vai trò hàng đầu tại các đơn vị kinh doanh chủ chốt của gia đình. Sonia Cheng, người con thứ hai của ông Henry, nắm quyề  điều hành chuỗi khách sạn Rosewood hạng sang và được bổ nhiệm làm đồng phó chủ tịch của Chow Tai Fook Jewellery Group tháng 6-2022. Giá trị thị trường của công ty bán lẻ trang sức này đã tăng hơn gấp đôi kể từ mức thấp trong đại dịch Covid-19 vào năm 2020 và hiện cao gấp bốn lần so với giá trị vốn hóa của NWD.

Một tháng sau khi Henry bình luận về việc kế vị, con trai út Brian Cheng của ông, một cựu lãnh đạo ngân hàng đầu tư, được bổ nhiệm làm đồng CEO của đơn vị cơ sở hạ tầng của gia đình, NWS Holdings.

Marleen Dieleman, giáo sư của Trường Kinh doanh IMD (Thụy Sĩ), người nghiên cứu về các doanh nghiệp gia đình, nhận xét, việc bổ nhiệm các thành viên gia đình lãnh đạo các bộ phận khác nhau là một chiến lược kế thừa tốt, đặc biệt, nếu các hoạt động kinh doanh cơ bản có quy mô lớn. “Nhưng chiến lược này cũng tạo ra sự phân mảnh”, ông lưu ý.

Trở lại năm 1989, khi mới tiếp quản đế chế kinh doanh của gia đình, Henry Cheng đã bắt tay mở rộng NWD nhanh chóng,  khiến công ty chìm trong nợ nần. Cheng Yu-tung, cha của Henry, ngay sau đó phải vào cuộc để dàn xếp một loạt vụ bán tài sản để huy động nguồn vốn cần thiết.

Bất chấp cú vấp ngã này, Henry vẫn tiếp tục củng cố vị thế với tư cách là một trong những ông trùm kinh doanh hàng đầu Hồng Kông. Ông đã giám sát các dự án phát triển bất động sản lớn và quyết định mở rộng sự hiện diện của Chow Tai Fook ở Trung Quốc đại lục.

Ba gia tộc tỉ phú khác của Hồng Kông chứng kiến tài sản suy giảm trong năm qua, bao gồm gia tộc Kwok , hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, gia tộc Pao (vận tải biển, bất động sản), gia tộc Lee (bán lẻ). Tại Hàn Quốc, tài sản của gia tộc họ Lee, kiểm soát Tập đoàn Samsung, cũng suy giảm về mức 18,2 tỉ đô la Mỹ. Đáng chú ý, trong danh sách 20 gia tộc giàu nhất châu Á, Thái Lan đóng góp 3 gia tộc gồm Chearavanont, Yoovidhya và Chirathivat với tổng tài sản hơn 70 tỉ đô la Mỹ. Trong năm qua, tài sản của 3 gia tộc này đều tăng.

Theo Bloomberg

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới