Thứ năm, 24/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Chợ phiên Đồng Văn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chợ phiên Đồng Văn

Sao Mai

Thung lũng trung tâm huyện Đồng Văn tỉnh Hà Giang. Ảnh: Trung Kiên

(TBKTSG Online) - Đã một lần đến phiên chợ ở khu phố cổ Đồng Văn, thật khó cưỡng lại mong muốn quay trở lại nơi đó, bởi ở phiên chợ này, tôi thấy được những niềm vui, nỗi buồn, nhưng giây phút rạng rỡ nụ cười hạnh phúc và cả những dấu ấn cuộc sống cực nhọc của đồng bào dân tộc trên rẻo cao này...

Sẽ thật đáng tiếc nếu như du khách lên vùng cao mà không có dịp gặp những phiên chợ, bởi đó chính là nơi người ta có thể hiểu thêm về văn hoá, phong tục và tập quán sinh hoạt đa dạng của người dân địa phương vốn đồng thời có nhiều tương đồng và nét khác biệt nhau của mỗi dân tộc.

Nằm nép mình dưới chân núi Đồi Cao, bên cạnh là khu phố cổ Đồng Văn nổi tiếng với kiến trúc độc đáo của những ngôi nhà trình tường, khu chợ Đồng Văn từ lâu đã trở thành nơi hội tụ bản sắc văn hóa của những dân tộc trên cao nguyên cực Bắc. Vào ngày chợ phiên, khu phố cổ vốn nhỏ bé tĩnh lặng ngày thường trở nên náo nhiệt đông vui với đủ sắc màu sặc sỡ của những bộ trang phục truyền thống của người địa phương.Chợ phiên họp mỗi tuần một lần vào Chủ nhật tại khu chợ cổ, nằm trong quần thể phố cổ Đồng Văn, ở vị trí trung tâm thị trấn huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Chợ là nơi giao thương và giao lưu của rất nhiều dân tộc anh em sống ở nơi địa đầu cao nguyên đá: người Mông, Dao, Giáy, Tày, Nùng, Lô Lô...

Cả nhà cùng ra chợ. Ảnh: Trung Kiên

Khi sương mù vẫn còn phủ kín các đỉnh núi, cái lạnh cắt da cắt thịt còn bao trùm khắp không gian cao nguyên đá, người dân đã tấp nập xuống chợ. Họ đổ ra từ các ngả, từ đỉnh núi đi xuống, từ thung lũng đi lên, có người phải đi từ 3 giờ sáng, vượt qua mấy ngọn núi để xuống cho kịp phiên chợ. Người dắt lợn, dắt dê, dắt ngựa, người gùi củi, gùi rau… tất cả đều tấp nập trong không khí chợ phiên đông vui.

Người người đến chợ với mục đích khác nhau, họ trao đổi hàng hóa, tâm tình sau những ngày lao động vất vả; các chàng trai, cô gái đi nương bén duyên, thầm thương trộm nhớ để rồi hẹn nhau xuống chợ tâm tình... Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp đặc sắc của phiên chợ vùng cao này.

Nét độc đáo ở phiên chợ Đồng Văn không chỉ thể hiện ở việc có nhiều dân tộc tham gia mà còn là ở những mặt hàng đồng bào mang đến chợ. Từ những sản vật của núi rừng hay những mặt hàng do chính họ làm ra, từ rau, ngô, gạo, rượu ngô, mật ong, thổ cẩm đến trâu, bò, lợn, gà... Thậm chí, chỉ vài bó củi, bó rau, chục trứng... chẳng đáng là bao nhưng người ta vẫn háo hức hội tụ về đây. Họ mua về nào là dầu hỏa, muối, đèn pin, chăn, màn, cùng các đồ dùng sinh hoạt khác từ miền xuôi lên.

Những người đàn ông thường đi chợ để uống rượu và ăn thắng cố. Ảnh: Trung Kiên

Vào những ngày chợ phiên họp, hầu như các thành viên trong các gia đình đều đi chợ. Các bà, các mẹ đi chợ để mua sắm; các ông chồng ra chợ để tìm bạn uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn; trẻ em theo bố mẹ đi chơi ngắm chợ; còn lứa tuổi thanh niên nam nữ đến chợ tìm bạn tình. Sau vài phiên chợ, nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng. Họ đã mê nhau từ điệu múa, giọng hát, tiếng khèn để rồi hẹn nhau những phiên chợ sau. Cứ thế, phiên chợ đã trở thành sức hút ám ảnh tâm trí của mỗi người trong những cuộc hẹn hò.

Người dân tộc vùng này ra chợ như đi chơi, như hưởng thụ một phần quan trọng trong đời sống tinh thần sau nhưng ngày lao động vất vả; việc buôn bán không lấy làm trọng. Lưng gùi giỏ ngô, măng tươi, mộc nhĩ, một tay “cắp” chú lợn con, một tay dắt theo con dê, bò, ngựa... để đi bán, nhưng thực ra đó chỉ là cái cớ để họ xuống chợ. Thung lũng lòng chảo như chỗ nước dồn tụ về. Nơi quần tụ người, quy tụ sản vật và quây quần niềm vui.

Khu mua bán gia súc ở chợ phiên Đồng Văn.Ảnh: Trung Kiên

Hấp dẫn nhất với cả người đi chợ và người đi chơi chợ chính là các quán hàng. Các bếp lửa luôn đỏ rực, chảo mỡ rán bánh xèo xèo, bếp nướng bánh gạo quạt than tay, những thúng xôi màu hơi nóng ngùn ngụt... Nhưng có lẽ thú vị nhất là được thưởng thức món thắng cố - món ăn đặc trưng của vùng cao nguyên đá này. Bởi thế người ta thường nói, “chưa ăn thắng cố thì coi như chưa từng đến cao nguyên Đồng Văn”.

Vào ngày chợ, dù bất cứ ở đâu, ta cũng được nghe tiếng khèn tha thiết gọi bạn, cùng say trong men rượu, bắt gặp cảnh những người đàn ông Mông bưng bát rượu trên tay vây quanh nồi thắng cố nghi ngút, bắt gặp những người vợ thủy chung, nhẫn nại cầm ô che nắng cho người chồng say mèm vì vui quá chén, đợi tới khi người chồng tỉnh rượu hay hiền lành dìu chồng lên yên ngựa với lỉnh kỉnh đồ đạc, còn họ bám đuôi ngựa theo những con đường núi chênh vênh trở về nhà.

Thưởng thức bát thắng cố, nhấp chén rượu ngô thơm lừng trong tiết trời se lạnh cùng tiếng khèn văng vẳng réo rắt bên tai, tôi cảm nhận được cái thú vị, độc đáo của mảnh đất cao nguyên này, để rồi lại ước mỗi năm ít nhất một lần được tìm về với phiên chợ Đồng Văn...

Tiếng Mông gọi thắng cố là khấu tha, có nghĩa là canh thịt, bao gồm lục phủ ngũ tạng của bò, hay trâu, hoặc dê; nhưng thắng cố bò là ngon nhất. Lấy lục phủ ngũ tạng và bốn chi dưới của con bò đem rửa sạch rồi thái hình vuông bằng hai đốt ngón tay, ướp mắm muối, hạt tiêu, sả, gừng... đun nước sôi thì thả thịt vào ninh cho đến khi chín đều, ăn còn cái giòn giòn của miếng thịt thì cắt tiết đã được đánh đông thành những miếng vuông nhỏ đổ vào, đảo đều đến khi tiết chín là được. Ăn thắng cố phải ngồi xổm, đặt thức ăn lên một tấm gỗ dài và ăn bằng muôi gỗ, bên cạnh bao giờ cũng có bát muối cùng với ớt dầm thật cay.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới