Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Hiệu quả của các quỹ cổ phần và quỹ mạo hiểm Đông Nam Á suy giảm

Ricky Hồ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Hiệu quả của các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân và đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á đã suy giảm trong những năm gần đây, với tỷ suất lợi nhuận thấp của quỹ và cả startup. Trong khi mọi người nghĩ rằng startup ASEAN đang trong “mùa đông gọi vốn”, nhưng theo hãng dữ liệu đầu tư Preqin, số vốn còn tồn đọng của các quỹ cổ phần tư nhân và mạo hiểm đạt trên 36 tỉ đô la trong năm ngoái.

Thủ đô Jakarta của Indonesia. Xứ vạn đảo được xem "cái nôi khởi nghiệp ASEAN" với hơn 2.300 startup, trong đó có 9 kỳ lân trị giá từ 1 tỉ đô la và hai siêu kỳ lân trên 10 tỉ đô la. Ảnh: Bloomberg

Hãng phân tích dữ liệu đầu tư Schroders có trụ sở ở Anh chỉ ra rằng các giao dịch nhỏ và vừa được ký kết nhanh hơn, các quỹ nhỏ và trung bình ASEAN có lợi nhuận tốt hơn quỹ lớn.

Các quỹ ASEAN càng ngày càng làm ăn bết bát?

Theo hãng dữ liệu đầu tư Preqin, tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) ròng hay tỷ suất sinh lợi ròng của các quỹ hình thành trong ba năm giai đoạn 2018-2022 lần lượt đạt mức 17%, 17,3% và 10,6%, giảm từ mức 22,9% trong năm 2016 và 20,2% trong năm 2017.

DPI là tỷ số tổng lợi nhuận trên tổng vốn góp. DPI của các quỹ Đông Nam Á trong năm 2012 mang lại tỷ lệ trung bình là 321%, trong khi con số này là 13,7% cho các quỹ đầu tư từ năm 2018. Tức là tỷ suất DPI giảm hơn 95%, nói cách khác là các quỹ làm ăn rất “ạch đụi”. Hiện Preqin vẫn chưa ghi nhận được dữ liệu hai năm 2019 và 2020.

Đáng chú ý, từ năm 2018 đến năm 2020, lợi nhuận ở Đông Nam Á hầu hết thấp hơn mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương về tỷ suất lợi nhuận nội bộ ròng và bội số ròng. Trong những năm trước, thành tích của Đông Nam Á thường cao hơn khu vực rộng lớn hơn.

Các công ty quản lý quỹ thường lập ra nhiều quỹ hay vòng gọi vốn khác nhau. Dù chưa đến đến thời gian phải đóng, nhưng nhiều quỹ đã bước vào giai đoạn thanh lý, buộc phải thoái vốn ra khỏi các startup. Đây là lối thoát không dễ dàng, bởi Đông Nam Á vẫn còn tồn đọng lượng lớn quỹ chưa đưa vào sử dụng.

Dựa trên dữ liệu của Preqin, vốn cổ phần tư nhân và vốn mạo hiểm chưa thực hiện ước tính lần lượt là khoảng 17 tỉ và 19 tỉ đô la vào tháng 3 năm ngoái.

Với ít dự án hay sự kiện thanh khoản hơn, các đối tác hữu hạn (LP) góp vốn vào quỹ đầu tư tiếp cận với quỹ thận trọng hơn, dẫn đến tốc độ gây quỹ rất chậm chạp. Dữ liệu của Preqin tuần trước cho thấy vốn phân bổ cho các quỹ Đông Nam Á trong quí đầu năm 2023 đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

"Các nhà đầu tư đang chờ dịp để thoái vốn. Họ mong chỉ số DPI được cập nhật, thông báo thường xuyên hơn trước khi cam kết đi vào không gian vốn mạo hiểm tại Đông Nam Á. Hy vọng rằng chúng tôi sẽ thấy thêm một số lối thoát tại các startup kỳ lân (công ty khởi nghiệp chưa lên sàn, được định giá từ 1 tỉ đô la) đế có thể quay vòng vốn nhanh hơn trong hệ sinh thái đầu tư”, CEO Raja Hamzah Abidin của quỹ RHL Ventures viết trong báo cáo DealStreetAsia Data Vantage.

Báo cáo thường niên của Google, Temasek và Bain & Co công bố tháng 11 năm ngoái đưa ra bức tranh rõ hơn so với Preqin. Tỷ suất lợi nhuận trung bình của các nhà đầu tư hay quỹ đầu tư ở ASEAN chỉ là 4%, thua xa các con số đáng mơ ước như 50% ở Trung Quốc, 40% ở Mỹ, 20% ở châu Âu và thấp nhất là 10% ở Ấn Độ. Như vậy, theo các thông số này, đầu tư vào các startup ASEAN chỉ thu được tỷ suất lợi nhuận bằng 8-40% lợi nhuận ở nơi khác. Nói cách khác, đầu tư cùng một số vốn và trong cùng một thời gian vào các startup Ấn Độ, Trung Quốc và và Âu – Mỹ có thể kiếm được lợi nhuận nhiều hơn 2-12 lần ở Đông Nam Á.

Lợi nhuận các quỹ nhỏ và trung bình ổn định

Hoạt động gây quỹ không còn sôi nổi ở khắp châu Á. Theo nghiên cứu của hãng quản lý tài sản Schroders Capital, hoạt động gây quỹ ở ASEAN đã giảm từ 47% vào năm 2018 xuống còn 9% vào năm 2023.

Tuy nhiên, Schroders cho biết trong một báo cáo khác hồi đầu tháng này rằng, các giao dịch giá trị vừa và nhỏ, tùy theo khu vực địa lý và chiến lược, vẫn chiếm phần lớn tỷ lệ lớn trong các quỹ ASEAN.

Các nhà phân tích của Schroders chỉ ra rằng trong lịch sử, các quỹ cổ phần tư nhân vừa và nhỏ đã hoạt động tốt hơn các quỹ lớn trên cơ sở tổng giá trị sinh lợi hay tỷ suất sinh lợi IRR ròng kể từ năm 2009. Shroders nói lợi nhuận ổn định nhất ở các quỹ nhỏ, mạnh và đáng kể ở các quỹ cỡ trung bình, nhưng yếu ở các quỹ lớn.

"Trong thập niên qua, tốc độ gây quỹ của các quỹ lớn đã vượt xa tốc độ gọi vốn của startup (deal flow), khiến các quỹ cạnh tranh mạnh mẽ trong các thương vụ lớn. Tốc độ deal flow tăng chỉ 3,6 lần, trong khi việc gọi vốn của quỹ lớn tăng ở mức 10,7 lần. Ngược lại, quỹ tầm trung đã có mức tăng trưởng 4,2 lần về lưu lượng giao dịch hàng năm trong thập niên qua, trong khi số tiền gây quỹ hàng năm chỉ tăng ở mức 2,9 lần”, báo cáo của Schroders viết.

Schroders nói rằng tình trạng này sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh nhiều hơn ở phân khúc thương vụ lớn, việc định giá cao hơn có thể làm giảm lợi nhuận. “Trong thời đại mà các quỹ cổ phần tư nhân lớn tràn ngập vốn, chúng tôi tin rằng phân khúc vừa và nhỏ mang đến nhiều cơ hội đầu tư rộng rãi và hấp dẫn hơn”.

Theo DealsStreetAsia

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới