Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Lượng khách Trung Quốc ra nước ngoài dự kiến tăng mạnh trong dịp Tết

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tin tốt đối với các điểm đến quốc tế, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á, là lượng du khách Trung Quốc bay ra nước ngoài dự kiến tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán 2024. Nhưng tin thất vọng là lượng khách từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa phục hồi về trước mức đại dịch Covid-19 do kinh tế trong nước khó khăn và công suất chuyến bay chưa phục hồi đầy đủ, theo các nhà phân tích.

Hành khách bay nước ngoài xếp hàng tại quầy làm thủ tục tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh hôm 25-1. Ảnh: China Daily

Du lịch đón Tết trở thành xu hướng mới

Các số liệu chính thức cho đến nay cho thấy, lượng khách di chuyển trong nước trong kỳ “xuân vận” (chun yun), 40 ngày cao điểm đi lại quanh dịp Tết, bắt đầu hôm 26-1, tăng trưởng mạnh. Trong thời gian này, hàng triệu người Trung Quốc trở về quê hoặc đi du lịch nước ngoài để đón mừng lễ hội mùa xuân.

Hôm 26-1, ngày đầu tiên của kỳ “xuân vận”, Trung Quốc ghi nhận có 189 triệu lượt hành khách di chuyển, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu được Tân Hoa xã trích dẫn từ các cơ quan chính phủ bao gồm Bộ Giao thông, Bộ Công an cũng như Tập đoàn đường sắt nhà nước Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo hồi giữa tháng 1, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc, Li Yang ước tính có khoảng 9 tỉ chuyến đi có thể sẽ được thực hiện trong kỳ “xuân vận”. Đó là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Ông cho biết, lái xe sẽ là hình thức di chuyển phổ biến nhất với khoảng 7,2 tỉ chuyến đi tự lái và 1,8 tỉ chuyến đi được thực hiện thông qua các hình thức vận tải khác, bao gồm cả đường thủy.

Mong muốn du lịch trong dịp Tết Giáp Thìn 2024 được phản ánh trong một báo cáo nghiên cứu của Công ty công nghệ Baidu. Báo cáo cho biết, du lịch đón mừng Tết Nguyên đán có thể trở thành xu hướng mới, được thúc đẩy bởi các chuyến du lịch gia đình cũng như hoạt động tham quan các tỉnh khác.

“Trong số các thành phố du lịch hàng đầu, Thượng Hải, Bắc Kinh, Thâm Quyến và Quảng Châu nằm trong top 4. Cáp Nhĩ Tân vượt qua các thành phố du lịch nổi tiếng truyền thống như Hàng Châu, Côn Minh, Hải Khẩu và Tam Á để xếp thứ sáu sau Thành Đô”, báo cáo của Baidu cho biết.

Nhu cầu du lịch quốc tế của người dân Trung Quốc cũng dự kiến tăng sau một loạt các thỏa thuận miễn thị thực với Thái Lan, Malaysia, Singapore cũng như Pháp, Đức, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha.

Báo cáo của Baidu cho biết, các nước Đông Nam Á như Thái Lan vẫn là điểm đến ưa thích của du khách Trung Quốc vì họ thích những nơi có khí hậu ấm áp hơn ở quê nhà. Kể từ ngày 1-3, khách Trung Quốc có thể đến đến Thái Lan mà không cần thị thực.

Theo báo cáo của Baidu, các thỏa thuận miễn thị thực cùng với giá vé máy bay trở về mức hợp lý hơn, làm tăng sức hấp dẫn, đặc biệt là đối với giới trẻ Trung Quốc, của các điểm đến đường dài như Ai Cập, Maroc, Kenya và các nước châu Phi khác.

Ngoài ra, dữ liệu từ nền tảng du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Trip.com cho thấy Singapore, Thái Lan và Malaysia nằm trong số những điểm đến hàng đầu được khách Trung Quốc ưa chuộng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sắp tới.

Sự vắng bóng của khách Trung Quốc được cảm nhận rõ ràng ở Đông Nam Á, nơi đối với nhiều nước, Trung Quốc từng là nguồn cung cấp du khách lớn nhất. Trong 11 tháng đầu năm 2023, Singapore chỉ đón lượng khách Trung Quốc tương đương 37% của mức năm 2019. Doanh thu du lịch từ khách Trung Quốc trong nửa đầu năm 2023 chỉ bằng 56% so với cùng kỳ năm  2019.

Hạn chế chi tiêu nhưng du lịch là ngoại lệ

Tết Nguyên đán Giáp Thìn là lễ hội mùa xuân thứ hai kể từ khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt về Covid-19 vào cuối năm 2022. Nhưng trong quí đầu tiên của năm nay, công suất các chuyến bay ra nước ngoài từ Trung Quốc có thể sẽ thấp hơn 30% so với mức của năm 2019, theo OAG, nhà cung cấp dữ liệu du lịch toàn cầu, có trụ sở tại Anh.

John Grant, nhà phân tích trưởng của OAG giải thích điều này phần lớn là do sự phục hồi không đồng đều của các chuyến bay kết nối Trung Quốc với Đông Bắc Á, châu Âu và Đông Nam Á.

“Cuối cùng, nền kinh tế khó khăn cũng kìm hãm nhu cầu. Khi kinh tế không ổn, mọi người, dù ở ở Trung Quốc hay Mỹ, không có điều kiện tài chính thoải mái để đi du lịch”, Grant nói.

Dù vậy, trong báo cáo phân tích xu hướng tiêu dùng của Trung Quốc vào tháng 11-2023, Daniel Zipser, đối tác cấp cao của hãng tư vấn quản lý McKinsey, cho biết một ngoại lệ đáng chú ý đối với sự thận trọng trong chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc nằm ở lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là du lịch và giải trí.

“Sau nhiều năm bị hạn chế di chuyển do chính sách kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt,  sự nhiệt tình mới dành cho hoạt động du lịch và giao lưu trong các nhà hàng và quán bar đã xuất hiện trở lại”, Zipser nói, đồng thời lưu ý sự phục hồi chậm chạp về nhu cầu du lịch quốc tế của khách Trung Quốc trong năm 2023 chủ yếu là do các hạn chế thị thực và giá vé máy bay cao.

Ông quan sát thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang ngày càng chuyển đổi chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ và dự đoán xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2024.

Dữ liệu gần đây, do nền tảng du lịch Fliggy thuộc sở hữu của Alibaba công bố, cho thấy tính đến ngày 18-12, lượng đặt chỗ cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tăng gần gấp bốn lần so với năm trước, trong đó, lượng đặt chỗ cho các chuyến du lịch nước ngoài tăng mạnh.

Nền tảng du lịch này đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng gần gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái về số lượng đặt chỗ cho các chuyến đi quốc tế trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn, với các điểm đến phổ biến bao gồm Đặc khu hành chính Hồng Kông, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia và Úc.

Sự trỗi dậy của du khách trẻ và nữ giới

Theo dự báo của Công ty tiếp thị kỹ thuật số China Trading Desk, có trụ sở tại Singapore, lượng khách Trung Quốc đi du lịch nước ngoài có thể sẽ tăng 50% trong năm 2024, phục hồi về mức 62% so với trước đại dịch.

China Trading Desk tiến hành khảo sát hàng quí đối với người dân Trung Quốc về tâm lý du lịch nước ngoài của họ. Cuộc khảo sát của trong quí 4-2023, công bố trong tháng 1 này, đã thăm dò ý kiến của 11.000 người Trung Quốc về kế hoạch du lịch và sở thích của họ.

Hơn một nửa số người được hỏi dự định chi hơn 25.000 nhân dân tệ (3.481 đô la Mỹ) cho các chuyến đi nước ngoài, không bao gồm chi phí vé máy bay và chỗ ở.

Theo khảo sát, gần 60% khách du lịch quốc tế của Trung Quốc trong năm 2023 là nữ. Hơn một nửa trong số đó có bằng cử nhân và sống ở thành phố cấp 1, tức các thành phố phát triển nhất của Trung Quốc như Bắc Kinh và Thượng Hải.

“Có sự gia tăng hấp dẫn về số lượng du khách nữ, làm nổi bật sự thay đổi về giới tính trong du lịch nước ngoài của Trung Quốc. Sự phát triển này thúc đẩy các nhà tiếp thị điều chỉnh chiến lược của họ để thu hút phân khúc du khách nữa tăng trưởng mạnh mẽ”, Subramania Bhatt, người sáng lập China Trading Desk, lưu ý.

Trong báo cáo đầu tuần qua, Bank of America Securities cho biết thế hệ trẻ là động lực lớn nhất cho sự phục hồi, chiếm 2/3 tổng lượt khách đi du lịch trong trong kỳ nghỉ năm mới.

Theo báo cáo, du khách trẻ Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm địa phương và các hoạt động ngoài trời và bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội nhiều hơn so với cha mẹ của họ.

“Theo quan điểm của chúng tôi, lượt khách Trung Quốc đi du lịch trong nước và quốc tế sẽ tiếp tục phục hồi hơn nữa trong năm nay và sẽ vẫn là một điểm sáng cho nền kinh tế”, báo cáo cho hay.

Bank of America Securities cho rằng, đối với các chính quyền địa phương, ở trong nước hoặc nước ngoài, các chiến thuật hiệu quả nên triển khai có thể bao gồm quảng bá văn hóa độc đáo của địa phương thông qua mạng xã hội, tổ chức các buổi hòa nhạc và lễ hội.

Theo SCMP, Straits Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới