Thứ Ba, 8/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Trở về cùng nhau

Minh Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Quê tôi là một thị xã vùng bán sơn địa. Mùa đông đến, những ngọn núi mờ sương, những mặt nước trầm mặc, những triền lau lách đẹp đến nao lòng. Sau này, rất nhiều doanh nghiệp lớn tới quê tôi khai thác du lịch. Nhưng, mọi đứa trẻ lớn lên ở chỗ tôi đều ôm giấc mơ đi thật xa tới các kinh đô ánh sáng.

Ảnh: N.K

Bằng cách này hay cách khác, bạn bè tôi đều đạt ước nguyện. Có thời điểm về quê, tôi hầu như chỉ gặp người già và trẻ em. Người độ tuổi lao động đều dồn về đô thị lớn để kiếm việc, kiếm tiền.

Những kỳ họp lớp đầu tiên, chúng tôi rất cố gắng tổ chức ở quê, để còn tiện mời thầy cô tham dự, sau đó rủ nhau trở lại các điểm vui chơi hồi nhỏ, cùng nhau đi núi, đi chùa… Cỡ 15-20 năm trước, hầu như ai cũng còn cha mẹ, còn ngôi nhà tuổi thơ, nên đều hồ hởi sắp xếp việc và từ các miền đất nước trở về, vừa họp lớp vừa kết hợp thăm cha mẹ.

Mấy kỳ gần đây, ban liên lạc của lớp hò hét rất vất vả, nhưng cuối cùng chỉ có thể tổ chức ở Hà Nội hoặc TPHCM. Do là, năm tháng trôi đi, chúng tôi thêm những sợi tóc bạc, thì lưng cha mẹ cũng thêm còng. Chúng tôi vào cỡ U50, các cụ lác đác đi xa, lâu lâu trong nhóm lớp lại có cái thông cáo lễ tang buồn bã.

Có những ông cụ bà cụ từng bị đám con cháu đùa là “lô cốt”, cố thủ trong căn nhà xưa với bốn chữ “không đi đâu hết”, lúc quá yếu cũng đành theo con vào thành phố để có điều kiện điều trị bệnh cũng như con cháu dễ bề coi ngó được tốt hơn.

“Từ hồi bán nhà ở quê chuyển mẹ ra Hà Nội, mình không về thị xã nữa. Vì đâu còn ai ở đó mà về!”. Người bạn thân tên Minh Thu của tôi nói vậy, rồi cô chia sẻ, mỗi lần đi công tác thị xã, bạn lạc lõng như khách lạ. Cảnh xưa người xưa không còn, nhìn gì cũng chẳng thấy liên quan. Ngôi trường cấp ba trăm tuổi của chúng tôi đã bị phá đi, để từ mảnh đất vàng ấy mọc lên một trung tâm thương mại. Trạm thủy văn đo mực nước sông kế nhà bạn cùng bàn với tôi giờ là khách sạn 5 sao. Bờ đê nơi tôi duỗi chân trên cỏ vẽ những cánh buồm, nay đã thành con đường nhựa, quán cà phê đèn màu lấp lánh.

Mỗi lần về quê, tôi hay đến cái ngõ năm xưa có nhà bạn A. chụp gửi cho bạn tấm hình “báo cáo”; rồi theo yêu cầu của bạn B., tôi tới chụp ngôi trường tiểu học; bạn C. thì muốn nhìn lại mái chùa bên cái hồ năm nào bạn suýt chết đuối...

Ở công ty tôi có chị kia thường tị hiềm chúng tôi “có quê để về”. Ban đầu tôi tưởng gia đình chị là dân Bắc di cư hồi 1954, mãi sau tôi mới biết chị thuộc “hội đồng hương liên tỉnh” với mình. Chị kể, sau khi cha mẹ mất, cuộc chia nhà chia đất đã làm năm anh em chị văng xa nhau, xa tới nỗi không thể nhìn mặt, bàn thờ cha mẹ thì ai nấy tự lập để cúng kiếng. “Nếu về, chị cũng như khách du lịch đi lướt qua mà thôi”, chị nói.

Hôm rồi, cô bạn Minh Thu chia sẻ vào nhóm lớp mong ước có căn nhà quê trồng rau nuôi cá. Từ đó bỗng nổ ra một cuộc luận bàn khá lớn “có nên dành tuổi già cho quê hương”. Ở tuổi tôi, nhiều bạn đang tính đến kế hoạch về hưu. Những người theo ngành công an, quân đội thậm chí đã chính thức nghỉ hưu rồi, mà con cái thì đang du học tận trời Tây, không dễ giải quyết bài toán của việc quá ư nhàn tản.

“Thay vì đu trend bỏ phố về rừng, bỏ phố về biển, sao chúng mình không bàn nhau bỏ phố về quê. Về để trồng rau nuôi gà. Về sống gần nhau và già đi cùng nhau”, một bạn nào đó dẫn link bài hát của nghệ sĩ Đen Vâu kèm dòng gợi ý. Các bạn tôi lại xôn xao bàn sâu về mẫu nhà cửa, phong cách sống. Ai đó nói: “Đất trung tâm thị xã bây giờ quá cao rồi, chúng ta sẽ chọn những làng mạc xa, nơi vừa khả năng tài chính và chưa bị đô thị hóa”. Lớp trưởng - người đang làm việc ở thành phố du lịch đáng sống miền Trung phân tích: “Sao chúng mình không lập nhóm cùng dựng trang trại và khai thác kinh doanh?”.

Hôm qua, có người bạn đưa thông tin: một tổ chức lớn đã nhắm một vùng núi rộng lớn ngoại thị quê tôi cho dự án viện dưỡng lão tầm cỡ. Một bạn khác gửi bài báo nói hàng loạt dự án đường giao thông sẽ đi qua và kết nối vùng núi quê tôi tới các nơi có tiện ích, dịch vụ và y tế, giáo dục hàng đầu. Chỉ cần sắm thêm chiếc xe hơi nhỏ nhỏ chở nhau là ổn…

Theo những dòng thông tin các bạn gửi vào nhóm, giấc mơ tích lũy để hướng về quê cũng dậy lên trong tôi. Hình như mọi thứ không quá khó như ta nghĩ, chỉ là ta có quyết tâm trở về hay không…

Có thể sau này những rào cản sẽ xuất hiện từ con cái, bạn đời, điều kiện kinh tế hay sức khỏe. Nhưng thôi kệ, chúng tôi cứ ước mơ đã. Vì trên thế gian này, có nơi nào đáng sống bằng quê hương.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới