(KTSG Online) - Tổng nhu cầu vàng trên toàn cầu lên mức cao nhất của mọi thời đại vào năm ngoái nhờ lực mua mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương và kỳ vọng xuất hiện cuối năm ngoái về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Hội đồng Vàng thế giới (WGC) dự báo nhu cầu tiếp tục tăng cao hơn nửa trong năm nay khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến xoay trục chính sách tiền tệ, hứa hẹn hỗ trợ giá kim loại quí này.
- Trung Quốc dẫn đầu làn sóng mua vàng của các ngân hàng trung ương
- Thị trường vàng có nhiều yếu tố thuận lợi trong năm 2024
Theo báo cáo công bố hôm 31-1 của WGC, mức tiêu thụ vàng tổng thể trên toàn cầu tăng khoảng 3%, lên 4.899 tấn vào năm ngoái nhờ nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường phi tập trung (OTC), cũng như từ hoạt động mua liên tục của khu vực ngân hàng trung ương. Đó là tổng mức tiêu thụ vàng hàng năm cao nhất kể khi khi WGC thu thập dữ liệu vào năm 2010.
“Bối cảnh hiện nay thích hợp để các ngân hàng trung ương ở khu vực thị trường mới nổi tiếp tục mua vàng”, Joseph Cavatoni, giám đốc chiến lược thị trường của WGC, nói và lưu ý thêm, WGC nhận thấy có khả năng cao các nước như Trung Quốc và Ba Lan sẽ mua khối lượng vàng kỷ lục trong nămm2024.
Mức tiêu thụ vàng tổng thể trên toàn cầu mà WGC tính toán gồm vàng thỏi để đầu tư, vàng trang sức, vàng xu, hoạt động mua vàng của ngân hàng trung ương, quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng và hoạt động mua vàng trên thị trường OTC. Cavatoni cho biết, ở thị trường OTC, những bên tham gia mua vàng gồm các quỹ có chủ quyền, các cá nhân có giá trị ròng cao và các quỹ phòng hộ đầu tư vào vàng thỏi.
Giá vàng tăng 13% trong năm ngoái, chạm mức cao kỷ lục vào đầu tháng 12, do bất ổn về kinh tế, căng thẳng địa chính trị và kỳ vọng Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ sau chiến dịch tăng lãi suất mạnh mẽ để kiềm chế lạm phát. Nhà đầu tư thường muốn sở hữu vàng trong chu kỳ giảm lãi suất vì kim loại quí này sẽ được hưởng lợi từ mức lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thấp hơn và đồng đô la yếu hơn. Nói cách khác, nhà đầu tư nắm giữ vàng trong giai đoạn này ít chịu thiệt hại về chi phí cơ hội.
Dữ liệu của WGC cho thấy, tăng trưởng nhu cầu vàng hàng năm trên thị trường OTC đạt 753% vào năm ngoái, mức cao nhất kể từ ít nhất là năm 2011. Theo Cavatoni, các nhà đầu tư dự kiến tiếp tục tích lũy vàng với tốc độ nhanh chóng trong năm nay vì tin tưởng Fed sẽ chuyển hướng sang nới lỏng chính sách tiền tệ.
WGC ghi nhận, lực mua vàng của khu vực ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì với tốc độ mạnh mẽ, với lượng mua ròng đạt 1.037 tấn vào năm ngoái. Con số chỉ kém 45 tấn so với kỷ lục thiết lập vào năm 2022. Chỉ riêng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã mua đến 225 tấn vàng vào năm 2023, với trị giá khoảng 15 tỉ đô la Mỹ, tính theo giá vàng hiện tại. Lượng vàng nắm giữ hiện tại của PBoC hiện ở mức 2.235 tấn, chiếm khoảng 4% vàng dự trữ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
WGC dự báo, trong năm nay, lượng mua ròng vàng của khu vực ngân hàng trung ương sẽ chậm lại, giảm 200 tấn so với năm 2023, nhưng vẫn cao hơn so với trước năm 2022. Kết hợp với nhu cầu dự báo mạnh mẽ trên thị trường OTC, điều này sẽ cân bằng sự suy yếu nhu cầu ở các kênh khác, đặc biệt là quỹ ETF vàng, trong năm nay.
Các quỹ ETF vàng toàn cầu chứng kiến dòng tiền rút ròng hàng năm lần thứ ba liên tiếp,khiến tổng lượng vàng nắm giữ của họ giảm 244 tấn trong năm 2023.
WGC ghi nhận, nhu cầu vàng trang sức trên toàn cầu đạt 2.093 tấn trong năm 2023 nhờ nhu cầu tăng mạnh ở Trung Quốc sau khi nền kinh tế tái mở cửa. Nhưng tổ chức này dự đoán, nhu cầu vàng trang sức có thể gặp khó khăn trong năm nay do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và giá cao.
Theo WGC, điểm sáng về nhu cầu vàng trang sức có thể là Ấn Độ, với nhu cầu dự kiến tăng trở lại lên mức 800-900 tấn mỗi năm trong 2024 và 2025 sau khi giảm xuống còn 748 tấn vào năm 2023.
P.R. Somasundaram, CEO phụ trách khu vực Ấn Độ của WGC, dự báo, nhu cầu vàng trang sức ở đất nước đông dân nhất thế giới sẽ phục hồi nhờ thu nhập của người dân tăng lên khi nền kinh tế phát triển.
WGC đánh giá, tại Trung Quốc, nhu cầu vàng trang sức có thể vẫn ổn định trong năm nay khi người tiêu dùng chọn mua vàng để bảo toàn giá trị tài sản trong bối cảnh đồng nhân dân tệ suy yếu và triển vọng kinh tế trong nước càng bất ổn. WGC lưu ý thêm, khi nền kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng chậm lại, điều này có thể hạn chế ngân sách của các hộ gia đình có nhu cầu mua vàng thỏi, vàng xu cũng như vàng trang sức.
Tuy nhiên, WGC cho rằng, các xung đột đang diễn ra (Nga-Ukraine, Israel-Hamas), căng thẳng thương mại và hơn 60 cuộc bầu cử diễn ra trên khắp thế giới có thể sẽ hỗ trợ nhu cầu vàng trong năm 2024, bù đắp cho tác động tiềm tàng của mức giá cao và kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đối nhu cầu vàng trang sức.
Bất chấp sự phục hồi trong quí 4 của ngành điện tử, khối lượng vàng hàng năm sử dụng trong lĩnh vực công nghệ lần đầu tiên đã giảm xuống dưới 300 tấn vào năm ngoái.
Joseph Cavatoni, giám đốc chiến lược thị trường của WGC, nhận định, với mức tiêu thụ vàng tổng thể trên toàn cầu dự kiến tăng cao hơn nữa trong năm 2024, giá vàng có khả năng chạm mức 2.200 đô la/ounce hoặc cao hơn. Giá vàng giao ngay đạt đỉnh 2.135,39 đô la/ounce vào tháng 12-2023 trước khi suy yếu dần về mức quanh 2.030 đô la/ounce hôm 31-1.
Theo Bloomberg, Reuters, gold.org
Vàng đang tăng nhanh lên đỉnh. Đây là phản ứng tất nhiên trước những diễn biến phức tạp của thị trường tiền tệ. Trước hết, niềm tin vào giấy bạc đang bị lung lay quá cỡ, bởi tình trạng bội thực tiền mặt, kết hợp với bội chi tài khóa lan tràn khắp nơi. Lạm phát cao lan rộng, ngày càng khó kiểm soát, kể cả những nền kinh tế đã từng tự tin, vỗ ngực xưng tên là ổn định như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Trong khi đó, lãi suất ở Việt Nam có vẻ như đang giảm dần xuống đáy. Nhưng đừng vội nhầm lẫn xem đây là sự phản ánh đúng bản chất của nền kinh tế “cậy tiền”, mà đó chỉ là phản ứng nhất thời của thị trường đang vật vã để tìm ra điểm cân bằng hợp lý, và tất yếu mặt bằng lãi suất lại tăng lên là khó tránh khỏi. Nếu giá vàng cứ mãi dâng cao, lòng tin sẽ càng đi xuống, kéo theo mọi thứ khác khó bề yên ổn. Ổn định vàng, có lẽ là ván bài chiến lược, quan trọng nhất đối với các nhà điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian đến.