Thứ bảy, 2/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Để 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao không đi vào ‘vết xe đổ’

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đề án “phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030” đã được triển khai. Yêu cầu được đặt ra đó là tạo ra sự chuyển đổi trong canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, tránh đi vào 'vết xe đổ' phong trào của các đề án trong quá khứ?

Để đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao không lặp lại "vết xe đổ" của những đề án trước đó, thì vấn đề nguồn vốn cho doanh nghiệp cần được giải quyết. Ảnh: Trung Chánh

Liên kết bao tiêu toàn bộ diện tích canh tác

Tại hội nghị triển khai đề án nêu trên diễn ra vào hôm nay, 5-2, ở tỉnh Kiên Giang, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc phê duyệt đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL và hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng và hiệu quả.

Theo ông Nam, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp đạt 180.000 héc ta. Trong đó, tại các vùng sản xuất sẽ giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống còn 80-100 kg/héc ta (hiện khoảng 120 kg/héc ta - PV), giảm 20% lượng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với phương thức canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như: 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP) được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Đặc biệt, 100% diện tích sản xuất của vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp của đề án có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Ngoài ra, mục tiêu của đề án đến năm 2025 có tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích; trên 200.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Trong khi đó, về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%; xây dựng thương hiệu và xuất khẩu (gạo chất lượng cao và phát thải thấp) chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu héc ta; lượng lúa giống gieo sạ giảm xuống dưới 70 kg/héc ta; giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với phương thức canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững.

Đến năm 2030, đề án cũng đặt mục tiêu 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 1 triệu hộ dân áp dụng quy trình canh tác bền vững; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch giảm xuống còn dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Về thu nhập người trồng lúa, mục tiêu đến năm 2030, đó là giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó, tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Có trên 20% trên tổng lượng gạo xuất khẩu của vùng chuyên canh mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, bên cạnh chỉ tiêu về năng suất và sản lượng, đề án hướng tới việc chuyển đổi theo “tư duy kinh tế nông nghiệp; nâng cao chất lượng; chuẩn hoá giống, quy trình canh tác, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch cũng như mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc”.

Từ tăng trưởng đơn giá trị, lấy giá cả hạt gạo làm mục tiêu, thì đề án cũng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tích hợp đa giá trị, gắn với mô hình tăng trưởng xanh, nông nghiệp tuần hoàn, theo chuỗi ngành hàng, theo vị tư lệnh ngành nông nghiệp.

Ông Hoan cho biết, “chuyên nghiệp hoá ngành hàng lúa gạo” thông qua hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, cập nhật tri thức, kỹ năng cho nông dân, nâng cao năng lực quản trị, khả năng hợp tác của những tổ chức nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, đủ năng lực liên kết bền vững với doanh nghiệp chính là "giải pháp" khắc phục chuyện manh mún, nhỏ lẻ, tự phát trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo vùng ĐBSCL…

Ứng dụng công nghệ viễn thám quản lý đồng ruộng. Ảnh: Trung Chánh

Câu chuyện nhân lực và hệ sinh thái cộng sinh

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đề án không chỉ nhận được sự quan tâm lớn của bộ, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức, đối tác quốc tế, mà còn hàng triệu bà con nông dân trồng lúa, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo.

“Làm sao để đề án này không lặp lại “vết xe đổ” của một số đề án từng nhận được kỳ vọng trước đây vướng phải?”, ông Hoan đặt câu hỏi và cho rằng, các bên cần tiếp tục ngồi với nhau để tìm ra những điểm cần lưu ý, lường trước những vướng mắc. “Qua đó, cùng tìm ra giải pháp và thống nhất về kế hoạch triển khai thực hiện hiệu quả, để cùng lạc quan về kết quả tích cực phía trước của ngành hàng lúa gạo ĐBSCL”, ông cho biết.

Liên quan vấn đề nêu trên, trao đổi với KTSG Online bên lề hội nghị, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, quan ngại nêu trên của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là đúng. Bởi lẽ, mô hình cánh đồng mẫu lớn được đơn vị này triển khai từ năm 2010, từng được xem là mô hình, là giải pháp rất tốt giúp ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững, nhưng cũng thất bại.

Cụ thể, sau hơn 10 năm triển khai, hiện chỉ còn 1-2 doanh nghiệp thực hiện với diện tích rất khiêm tốn. “Rõ ràng, nó (mô hình cánh đồng mẫu lớn - PV) không thành công”, ông Bình nói.

Theo ông, mô hình cánh đồng mẫu lớn triển khai từ năm 2010 nói đến vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất gắn với tiêu thụ, tức mục tiêu để người nông dân và doanh nghiệp có thu nhập cao hơn, giúp ngành hàng lúa gạo phát triển bền vững, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

“Mục tiêu đặt ra rất cụ thể, nhưng vì sao không triển khai được?”, ông Bình nêu câu hỏi và cho rằng, liên kết chuỗi nghĩa là phải cần có nguồn lực để đầu tư, chứ không thể chỉ “hô hào”.

“Trước đây, người nông dân tự canh tác manh mún, nhỏ lẻ, thì hộ nào tự lo hộ ấy, kể về vật tư đầu vụ, phơi sấy và mua bán. Thế nhưng, ở đây chúng ta muốn sản xuất gắn với thị trường, nâng cao giá trị, tức đi vào liên kết, (trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò chính- PV), thì cần phải có nguồn lực đầu tư, bao gồm cả hạ tầng, vật tư đầu vào, thu mua sản phẩm...”, ông Bình cho biết.

Doanh nghiệp cần nguồn lực đầu tư lớn, trong khi theo ông Bình, ngân hàng chỉ cho vay xuất khẩu, tức doanh nghiệp có hợp đồng xuất khẩu gạo mới được cho vay hay nói cách khác chỉ cho vay "phần ngọn". “Vậy, trong chuỗi từ gieo sạ, chăm sóc, sấy lúa, bảo quản thu hoạch lấy ở đâu ra?”, ông Bình đặt câu hỏi và cho rằng, đây chính là mấu chốt khiến mô hình cánh đồng mẫu lớn được phát động hơn 10 năm trước đã thất bại.

Chính vì vậy, theo ông Bình, với mô hình liên kết 1 triệu héc ta lần này cũng vậy, tức nếu doanh nghiệp không vay được vốn để đầu tư hạ tầng như: máy sấy, kho dự trữ hoặc một số hạ tầng phục vụ trong canh tác lúa, dịch vụ nông nghiệp…, thì sẽ tiếp tục thất bại như cánh đồng mẫu lớn. “Một điều rất đơn giản là doanh nghiệp phải vay được vốn”, ông Bình nói và cho rằng, đây là vấn đề đã có quy định rất rõ trong các nghị quyết, quyết định về việc doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, nhưng chưa triển khai được.

Tại hội nghị, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, Lộc Trời là đơn vị tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn rất tích cực, tuy nhiên, mô hình này không phát triển được cả về quy mô lẫn chất lượng.

“Tại sao cánh đồng mẫu lớn không thành công?”, ông Thòn đặt câu hỏi và cho rằng, các mục tiêu đề ra về lợi ích cho nông dân, môi trường, xã hội và tính bền vững đều bị hạn chế, khiến quy mô ngày càng "teo tóp".

Theo ông, khi thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn, đơn vị này thực hiện “hệ sinh thái” bằng nguồn lực nội sinh, tức phần lớn là tự lực, còn kêu gọi sự hỗ trợ, hợp tác từ bên ngoài hoặc rất lỏng lẻo hoặc là thiếu. “Nguồn lực không dồi dào, không đủ, cho nên, kết quả như vậy là tất yếu (ý nói mô hình cánh đồng mẫu lớn ngày càng teo tóp- PV)”, ông Thòn thừa nhận và nhấn mạnh, đây là bài học cần rút ra khi có 1 triệu héc ta.

Theo ông Thòn, đồng hành với đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao phải là sự đồng hành của toàn ngành, của cả hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo. Bởi, hệ sinh thái cộng sinh sẽ huy động và tập hợp được toàn bộ lực lượng của toàn bộ xã hội có liên quan ngành hàng lúa gạo. “Đây chính là nơi để chúng ta tập hợp toàn bộ lực lượng xã hội lại để tối đa hoá nguồn lực khi chúng ta có cơ chế vận hành tốt”, ông nhấn mạnh.

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài báo hay và xúc tích, nêu ra những vấn đề bất cập của các dự án nông nghiệp hồi xưa về những vấn đề và bài học kinh nghiệm trong xây dựng và phát triển nông thôn mới, nông thôn số, nông nghiệp 4.0

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới