Thứ năm, 2/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Ngân hàng lớn nhất Mỹ vẫn mở rộng chi nhánh giữa làn sóng số hóa

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Ngành ngân hàng ngày càng tăng tốc số hóa nhưng JPMorgan Chase, nhà băng lớn nhất Mỹ, lại đang mở rộng mạng lưới truyền thống. Giới lãnh đạo tại các ngân hàng lớn của Mỹ tin rằng, các chi nhánh vẫn là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng vay tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ.

Một chi nhánh của ngân hàng JPMorgan Chase ở New York, Mỹ. Ảnh: AP

Hàng trăm chi nhánh của các ngân hàng ở Mỹ đóng cửa mỗi năm. Khách hàng cũng ngày càng ít gặp trực tiếp nhân viên thu ngân, thay vào đó, chọn ứng dụng di động khi muốn giao dịch rút và gửi tiền. Nhưng tại JPMorgan Chase, mạng lưới chi nhánh truyền thống là một phần của bí mật thành công.

Hôm 6-2, ngân hàng này công bố kế hoạch xây dựng 500 chi nhánh mới trong ba năm tới, để “phủ sóng” đầy đủ ở những thành phố mới thâm nhập gần đây như Boston, Philadelphia và Charlotte. Hiện nay, chỉ có 17 ngân hàng ở Mỹ có hơn 500 chi nhánh mỗi ngân hàng. Riêng JPMorgan có gần 5.000 chi nhánh.

Năm 2018, JPMorgan lần đầu tiên tuyên bố mở hàng trăm chi nhánh mới. Kế hoạch này vấp phải sự hoài nghi của giới phân tích vì các chi nhánh ngân hàng dường như đã lỗi thời ngay cả vào thời đó. Nhưng JPMorgan hoàn toàn nghiêm túc. Trong 6 năm kể từ đó, ngân hàng này đã mở hơn 650 chi nhánh mới và thâm nhập vào 25 tiểu bang mới. Đây là ngân hàng đầu tiên có chi nhánh ở tất cả 48 tiểu bang liền kề nhau ở Mỹ. Thành quả từ nỗ lực tăng cường sự hiện diện thực tế về mặt địa lý vượt quá mong đợi của ban lãnh đạo JPMorgan.

Hiện nay, JPMorgan nắm giữ hơn 2 nghìn tỉ đô la Mỹ tiền gửi, gần gấp đôi so với 10 năm trước. Năm 2021, ngân hàng này vượt qua Bank of America để trở thành tổ chức tài chính có tổng số tiền gửi lớn nhất Mỹ.

Theo S&P Global Market Intelligence, JPMorgan đặt mục tiêu nắm giữ 20% lượng tiền gửi trên toàn quốc, tăng từ mức 12% hiện nay.

“Thực sự mọi số liệu mà chúng tôi đánh giá khi thực hiện đầu tư mở rộng mạng lưới chi nhánh, tất cả đều đi đúng hướng”, Jennifer Roberts, CEO bộ phận ngân hàng tiêu dùng của JPMorgan, cho biết một cuộc phỏng vấn.

JPMorgan không đơn độc. Đối thủ Bank of America cũng dựa vào mạng lưới chi nhánh để bảo vệ cũng như mở rộng thị phần. Mùa hè năm ngoái, ngân hàng này công bố kế hoạch mở rộng mới để thâm nhập 9 thị trường mới và 4 tiểu bang trong những năm tới. Kế hoạch này sẽ giúp mạng lưới chi nhánh của Bank of America mở rộng ra 39 tiểu bang. Bank of America đang nắm giữ 11% tổng số tiền gửi của cả nước và đứng thứ hai về lượng tiền gửi ở 23 trong số 30 thị trường lớn nhất của Mỹ.

“Chúng tôi chỉ mới bắt đầu gặt hái lợi ích nhờ quy mô mạng lưới phủ rộng toàn quốc”, Brian Moynihan, CEO của Bank of America, nói.

JPMorgan và Bank of America không muốn đặt chi nhánh ở mọi ngóc ngách của các thành phố. Dù đang thiết lập những địa điểm mới, họ cũng đã đóng cửa nhiều chi nhánh hoạt động kém hiệu quả. Các chi nhánh của họ có lượng khách ghé vào ít  hơn một thập niên trước vì khách hàng thực hiện hầu hết các giao dịch trên không gian web hoặc thông qua ứng dụng di động. Ngành ngân hàng Mỹ chứng kiến hàng nghìn chi nhánh đóng cửa trong thập niên qua.

Nhưng giới lãnh đạo của các ngân hàng lớn tin rằng, các chi nhánh vẫn là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng vay tiêu dùng và doanh nghiệp nhỏ, ngay cả trong một thế giới ngày càng kỹ thuật số.

Hầu hết khách hàng vẫn sử dụng chi nhánh ngân hàng vào một thời điểm nào đó trong năm. Khách hàng doanh nghiệp nhỏ vẫn mang tiền mặt đến gửi ở các chi nhánh hàng tuần. Nhưng các ngân hàng lớn không xây dựng thêm chi nhánh để thu hút mọi người đến thực hiện các nhiệm vụ đơn giản có thể được thực hiện thông qua một ứng dụng. Thay vào đó, họ muốn chi nhánh trở thành nơi khách hàng đến để được tư vấn tài chính hoặc vay vốn. Họ cũng đã cải tạo một số chi nhánh ở các khu dân cư có thu nhập thấp thành trung tâm cộng đồng, nơi cung cấp các lớp học về kiến thức tài chính và không gian để họp hành.

Aron Levine, Chủ tịch bộ phận ngân hàng dành cho khách hàng ưu tiên của Bank of America, ghi nhận, hiện nay nhiều khách hàng đặt lịch hẹn đến chi nhánh hơn bao giờ hết.

“Lý do chính để xây dựng một chi nhánh cách đây 10 năm là phục vụ các giao dịch. Bây giờ, lý do chính để thiết lập chi nhánh mới là để tư vấn tài chính cho khách hàng”, ông nói.

JPMorgan có các kiểu thiết kế chi nhánh khác nhau, tùy thuộc vào khách hàng mục tiêu có phải là người giàu muốn tư vấn về đầu tư và doanh nghiệp nhỏ cần gửi tiền mặt hàng tuần hay không.

JPMorgan đặt mục tiêu đưa 70% dân số Mỹ có thể tiếp cận chi nhánh của ngân hàng này trong vòng 10 phút lái xe. Tại Bank of America, mục tiêu là tiếp cận 80% dân số trong vòng 15 phút lái xe. Điều đó cũng có nghĩa là họ phải học những cách mới để thu hút khách hàng ở nhiều mức thu nhập khác nhau. Luật liên bang yêu cầu các ngân hàng phải kinh doanh ở những khu vực có thu nhập thấp. Cả JPMorgan và Bank of America đều cam kết 30% số chi nhánh của họ sẽ nằm ở những khu vực đó.

Theo WSJ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới