Chủ Nhật, 3/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mexico vượt qua Trung Quốc, trở thành nước xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Mỹ mua hàng hóa từ Mexico nhiều hơn từ Trung Quốc, đồng thời tăng nhập khẩu từ các đối khác thương mại khác trong năm 2023. Đó là bằng chứng cho thấy các mô hình thương mại đã thay đổi sâu sắc như thế nào trong thời gian gần đây.

Công nhân làm việc trong một nhà máy ở khu công nghiệp Saltillo, phía bắc Mexico.  Mexico là một trong những thị trường mà Mỹ tăng  mua phụ tùng ô tô, giày dép, đồ chơi và nguyên vật liệu thô hồi năm ngoái. Ảnh: Reuters

Dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, công bố hôm 7-2, cho thấy, Mexico lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trong 20 năm qua để trở thành nước xuất khẩu lớn nhất sang Mỹ. Sự đổi ngôi này phản ánh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh đang làm thay đổi sâu sắc dòng chảy thương mại.

Dữ liệu cũng cho thấy, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc thu hẹp vào năm ngoái, với hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 20% xuống còn 427,2 tỉ đô la Mỹ. Trong năm 2023, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ chuyển hướng sang Mexico, châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada và Việt Nam để mua phụ tùng ô tô, giày dép, đồ chơi và nguyên liệu thô.

Xuất khẩu của Mexico sang Mỹ đạt giá trị  323,2 tỉ đô la Mỹ trong năm trước. Tổng thâm hụt thương mại của Mỹ giảm 18,7% xuống còn 177,8 tỉ đô la. Xuất khẩu của Mỹ ra thế giới tăng nhẹ vào năm 2023 so với năm trước, bất chấp đồng đô la mạnh và nền kinh tế toàn cầu yếu kém.

Nhập khẩu của Mỹ giảm trong năm ngoái do người Mỹ mua ít dầu thô, hóa chất và ít hàng tiêu dùng hơn, bao gồm điện thoại di động, quần áo, dụng cụ cắm trại, đồ chơi và đồ nội thất.

Nhu cầu hàng hóa Trung Quốc giảm ở thời kỳ hậu Covid-19

Giữa đại dịch Covid-19, khi chuỗi cung ứng toàn cầu gặp tắc nghẽn và chi phí vận chuyển một container đến Trung Quốc tăng gần gấp 20 lần, doanh nhân Marco Villarreal nhìn thấy một cơ hội.

Năm 2021, ông Villarreal từ chức Tổng giám đốc chi nhánh của tập đoàn công nghiệp Caterpillar ở Mexico và bắt đầu xây dựng mối quan hệ với các công ty đang tìm cách chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Mexico. Ông đã tìm được một khách hàng lớn là Hisun Motors, một nhà sản xuất xe địa hình của Trung Quốc. Công ty này đã thuê Villarreal thành lập một địa điểm sản xuất trị giá 152 triệu đô la Mỹ ở Saltillo, một trung tâm công nghiệp ở phía bắc Mexico.

Villarreal cho biết, các công ty nước ngoài, đặc biệt là những công ty muốn bán hàng ở Bắc Mỹ, coi Mexico là một lựa chọn thay thế khả thi cho Trung Quốc vì nhiều lý do, bao gồm cả căng thẳng thương giữa Mỹ và Trung Quốc.

Sự suy yếu gần đây trong nhập khẩu và sụt giảm thương mại với Trung Quốc một phần phản ánh nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19. Do mắc kẹt ở nhà trong thời kỳ đại dịch, người tiêu dùng Mỹ đã mua sắm máy tính xách tay, đồ chơi, bộ kit-test Covid, đồ thể thao, đồ nội thất và thiết bị tập thể dục tại nhà do Trung Quốc sản xuất.

Ngay cả khi mối lo ngại dịch giảm dần vào năm 2022, Mỹ vẫn tiếp tục nhập khẩu nhiều sản phẩm của Trung Quốc, khi tình trạng tắc nghẽn tại các cảng của Mỹ cuối cùng được giải tỏa, thúc đẩy doanh nghiệp bổ sung thêm hàng vào kho của họ.

“Thế giới không thể tiếp cận đủ hàng hóa Trung Quốc vào năm 2021 và đã chạy đua mua hàng hóa Trung Quốc vào năm 2022. Nhưng mọi thứ đã bình thường hóa kể từ đó”, Brad Setser, nhà kinh tế và thành viên cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại (CFR), nói.

Thuế quan kìm hãm thương mại Mỹ-Trung

Nhưng ngoài những biến động bất thường về mô hình thương mại trong vài năm qua, dữ liệu bắt đầu cung cấp bằng chứng rõ ràng rằng căng thẳng dâng cao trong nhiều năm đã làm sứt mẻ đáng kể mối quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc.

Vào năm 2023, nhập khẩu hàng quí của Mỹ từ Trung Quốc gần bằng mức của 10 năm trước, bất chấp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng liên tục. Trong khi đó, nhập khẩu của Mỹ từ các nơi khác trên thế giới ngày càng tăng.

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's Analytics, nhận xét, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tách rời và điều đó kìm hãm dòng chảy thương mại song phương.

Các nhà kinh tế cho rằng sự sụt giảm trong thương mại của Mỹ với Trung Quốc có liên quan đến các mức thuế do chính quyền Donald Trump trước đây áp đặt và sau đó được chính quyền Biden duy trì. Nghiên cứu của Caroline Freund, hiệu trưởng Trường Chính sách và chiến lược toàn cầu của Đại học California tại San Diego, chỉ ra rằng thương mại của Mỹ với Trung Quốc giảm đối với các sản phẩm có mức thuế cao, như tua vít và máy báo khói. Trái lại, nhập khẩu các sản phẩm không có thuế, như máy sấy tóc và lò vi sóng, tiếp tục phát triển.

Rủi ro địa chính trị thúc đẩy chuỗi sản xuất rời Trung Quốc

Theo Ralph Ossa, nhà kinh tế trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thương mại Mỹ-Trung không sụp đổ nhưng tăng chậm hơn khoảng 30% so với thương mại của hai nước này với phần còn lại của thế giới.

Ông nói, giao thương giữa Mỹ với Trung Quốc chậm lại đáng kể trong hai giai đoạn gần đây. Đầu tiên là khi căng thẳng thương mại giữa hai cường quốc này leo thang vào năm 2018. Và tiếp đó là khi nổ ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, khiến Mỹ và các đồng minh áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc và tiếp tục sắp xếp các mối quan hệ thương mại toàn cầu.

“Đã có một thời kỳ địa chính trị không thực sự quan trọng đối với thương mại, nhưng khi bất ổn gia tăng trên thế giới, chúng tôi nhận thấy thương mại trở nên nhạy cảm hơn”, Stela Rubinova, nhà kinh tế nghiên cứu của WTO, nói.

Một số nhà kinh tế lưu ý xu hướng Mỹ giảm thương mại với Trung Quốc có thể không rõ ràng như dữ liệu song phương cho thấy. Đó là bởi vì giống như Hisun, nhà sản xuất xe địa hình của Trung Quốc, một số công ty đa quốc gia đã chuyển một phần hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc và sang các nước khác nhưng vẫn tiếp tục tìm nguồn cung ứng một số nguyên liệu thô và linh kiện từ Trung Quốc.

Trong các trường hợp khác, các công ty có thể chỉ đơn giản chuyển hàng hóa thực sự được sản xuất tại Trung Quốc qua các nước khác để tránh thuế quan của Mỹ. Số liệu thống kê thương mại của Mỹ không ghi nhận những sản phẩm như vậy đến từ Trung Quốc, dù một phần đáng kể giá trị của chúng được tạo ra ở đó.

Caroline Freund cho rằng mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung “chắc chắn đang bị suy giảm, nhưng không nhiều như số liệu thống kê chính thức cho thấy”.

Tuy nhiên, rủi ro địa chính trị rõ ràng đang thúc đẩy các công ty đa quốc gia tìm đến các thị trường khác để thành lập nhà máy, đặc biệt là những thị trường có chi phí thấp và mối quan hệ thương mại ổn định với Mỹ, như Mexico.

Theo Hội nghị của Liên hợp quốc về Thương mại và phát triển (UNCTAD), trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các nước đang phát triển giảm 9% trong năm 2023 thì dòng đầu tư này sang Mexico lại tăng 21%.

Theo NY Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới