(KTSG Online) - Chương trình hành động của Bộ Xây dựng đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong số đó, nổi bật là việc tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư.
- Năm 2024, xây dựng dân dụng khởi sắc nhưng chưa phục hồi hoàn toàn
- Xây dựng cảng, kho bãi vận chuyển than đá từ Lào về Việt Nam
TTXVN dẫn lời Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, chương trình hành động của Bộ Xây dựng thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 sẽ tập trung vào việc tháo gỡ bất cập pháp lý, nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Cụ thể, chương trình hành động đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong số đó, nổi bật là việc tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư.
Để giải quyết bất cập pháp lý, Bộ Xây dựng yêu cầu, trong thực hiện dự án đầu tư, đơn vị được giao tham gia hoặc tham mưu thực hiện các nhiệm vụ theo phân công của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động đề xuất tháo gỡ triệt để các rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, không hợp lý của các quy định pháp luật.
Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tập hợp vấn đề kèm theo các giải pháp tương ứng để kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền; đồng thời gửi kiến nghị tới các Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ.
Các tổ công tác này bao gồm Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương; các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính.
Bộ Xây dựng sẽ chủ động rà soát, kiến nghị bãi bỏ các điều kiện kinh doanh theo hướng bãi bỏ điều kiện kinh doanh không hợp pháp, không cần thiết, không khả thi, không rõ ràng, khó xác định, khó dự đoán, và không dựa trên cơ sở khoa học rõ rang.
Đối với các điều kiện kinh doanh không phù hợp với thực tiễn, bộ sẽ kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ và không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Bộ Xây dựng cũng sẽ rà soát các loại chứng chỉ và kiến nghị bãi bỏ chứng chỉ không cần thiết; thu gọn các loại chứng chỉ có trùng lắp về nội dung.